Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhất tự đồng ma thuyết có mâu thuẫn không?

1875

Hỏi:Trong kinh văn nhà Phật có câu: “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhất tự đồng ma thuyết có mâu thuẫn không?. 

TRẢ LỜI Đây là câu thành ngữ thường gặp trong một số tác phẩm của Phật giáo. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nguyên văn của câu này là “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết”.

Trong kinh Viên Giác, Đức Phật dạy rằng, giáo pháp của Ngài như ngón tay chỉ mặt trăng, là phương tiện để đạt đến chân lý. Tuy nhiên, kho tàng giáo pháp của Đức Phật là phương tiện cực kỳ sống động, không hề khô khan, cứng nhắc. Tùy theo, từng lúc, từng nơi, từng thời kỳ lịch sử xã hội mà có sự vận dụng cho thích hợp, ngõ hầu đạt đến chân lý. Mặt khác, xét cho cùng, ngôn ngữ khó có thể biểu đạt rốt ráo tính chắc thật của chân lý. Bởi lẽ, ngôn ngữ, dù là ngôn ngữ trong kinh điển thì cũng chỉ là phương tiện để truyền tải thông tin. Nếu như cứ chấp chặt vào ngôn ngữ, văn tự thì khó bề lý giải và cảm nhận được chân ý nghĩa mà Đức Phật đã chỉ dạy, khó có thể tìm được chân lý rốt ráo của vạn vật. Do đó, hành giả có thể hiểu sai lời Phật, và rõ ràng “oan cho chư Phật ba đời”.

Mặt khác, giáo pháp của Đức Phật thể hiện qua 3 tạng kinh điển, là kim chỉ nam cho bất cứ ai muốn tìm cầu con đường giải thoát. Nếu như không có kinh điển, chúng ta sẽ mãi ngụp lặn trong mê lầm, sanh tử khổ đau. Hơn thế nữa, lời dạy của Đức Phật luôn là khuôn vàng thước ngọc mà tính chính xác của nó vượt cả thời gian và không gian. Kim ngôn của Đức Phật là không thể sửa đổi, thay thế. Vì nếu như chỉ có một sự thay đổi nhỏ thì sự an lạc, giải thoát khó tìm về. Nói cách khác, khổ đau sẽ đưa đến nếu như hành giả thoát ly lời dạy của Đức Phật. Ngay đây, có thể thấy không thể xa lìa kinh điển của Đức Phật vì nếu như xa rời kinh điển thì sẽ tức khắc rơi vào ma đạo.