Kỷ niệm Gala 15 năm Hội Trại Tuổi Trẻ Phật giáo

502

CPLO: Vào ngày 28,29 và 30/07/2023 Gala 15 năm Hội Trại Tuổi trẻ Phật giáo (Verson năm 2023)  sẽ diễn ra tại Chùa Di Đà Xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm- Lâm Đồng với hơn 1000 các bạn trẻ tham gia với chủ đề “ tháng năm rực rỡ ”. Để nhìn lại chặng đường trải qua 15 năm  chúng tôi xin trích  một chương trong quyển tập 2 “ Quăng đời mình vào chốn Thiền Môn” – Hành Trình cùng báo Giác Ngộ  của tác giả Thiện Bảo cũng là người sáng lập viên Hội trại này. Những gì được trình bài trong chương này không phải là nói hết được những gì mà ngày đầu của một hai vị tu sĩ Phật giáo một già một trẻ đã vượt qua những khó khăn,có cả cản trở để hình thành một “ sân chơi cho giới trẻ” để ngày hôm nay có  một sân chơn lành mạnh cho những bạn trẻ mang hơi thở Phật giáo trong các tỉnh thành cả nước lan tỏa ra nước ngoài. 

Trích “Hành Trình cùng báo Giác Ngộ” : 

HỘI TRẠI TUỔI TRẺ PHẬT GIÁO

Ý tưởng về một sân chơi cho tuổi trẻ Phật giáo khởi đầu từ một số bất đồng ý kiến trong Gia đình Phật tử giữa đơn vị Truyền thống và các đơn vị Phân ban. Nhận thấy vì không thể thuyết phục được nhau trong một số vấn đề mà dẫn đến mất đoàn kết giữa hai bên, mùa hè năm 2004 thầy Chân Tính và tôi vận động tổ chức trại Lục Hòa – Gia đình Phật tử thành phố Hồ Chí Minh tại chùa Hoằng Pháp với mong muốn hai bên Truyền thống và Phân ban có dịp sinh hoạt cùng nhau. Hai bên ngồi xuống bên nhau bàn bạc tháo gỡ những bất đồng và tạo được sự thông cảm với nhau. Mong muốn thiết tha là vậy nhưng khi chúng tôi thông báo về việc tổ chức trại Lục Hòa, đích thân thầy Chân Tính và tôi đến gặp các anh huynh trưởng phụ trách Nghiêm Huấn điều hành bên Truyền thống nhưng các anh không hưởng ứng, các anh từ chối thẳng thừng. Rồi thì trại Lục Hòa diễn ra chỉ có các đơn vị Phân ban tham gia. Mong muốn kết nối thất bại, nhưng tôi nhận ra nhu cầu sinh hoạt vui chơi của Phật tử tuổi thanh thiếu niên, nói rộng hơn là nhu cầu sinh hoạt vui chơi của giới trẻ.

Tập trung khai mạc tại Chùa Vĩnh Nghiêm lần 1 ngày 8/7/2006

             Dưới đây là một số sinh hoạt trong những lần Hội Trại Tuổi Trẻ Phật giáo

Những lần uống trà trò chuyện với nhau, huynh đệ trong tòa soạn chúng tôi là Chúc Phú, Quảng Kiến, An Đạt đều có chung nhìn nhận rằng giới trẻ hiện thời cần có một sân chơi theo tinh thần Phật giáo. Sau nhiều lần bàn bạc với huynh đệ về sân chơi đó, tôi quyết định trình việc này lên Hòa thượng Tổng biên tập đồng thời là Trưởng ban Hoằng pháp lúc bấy giờ. Thật lòng là tôi nghĩ Hòa thượng sẽ phản đối vì người lớn tuổi mấy khi hưởng ứng chuyện vui chơi của bọn trẻ. Tôi đã nghĩ là mình sẽ phải năn nỉ thuyết phục may ra mới được. Nhưng thật bất ngờ là Hòa thượng đồng ý ngay và báo Giác Ngộ là nơi bảo trợ cho sân chơi Hội trại Tuổi trẻ Phật giáo từ đó về sau cho tới khi chương trình này chuyển giao về Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương. Lần đầu tiên tổ chức hội trại, tôi nghĩ sân chơi này chưa có tiếng tăm gì chưa được nhiều nơi biết đến nên dù đã viết bài đăng trên báo mời gọi giới trẻ tham gia, tôi còn điện thoại trực tiếp rủ rê huynh đệ tỉnh Long An vì nơi này giáp ranh với thành phố, thuận lợi việc đi lại. Thầy Minh Thiện ở Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Long An rất nhiệt tình hưởng ứng, thầy vận động một số ngôi chùa ở tỉnh nhà góp tiền thuê xe tổ chức đưa các bạn trẻ địa phương lên Sài Gòn. Thầy Viên Giác trụ trì chùa Từ Tân ở Tân Bình cũng rất nhiệt tình. Gia đình Phật tử có hơn 100 em, thầy cho tất cả ghi danh tham gia còn bản thân thầy hỗ trợ công tác tổ chức và làm người quản trò trong những sinh hoạt của Hội trại. Sư ủng hộ của thầy Minh Thiện và thầy Viên Giác khích lệ tinh thần tôi rất nhiều, tôi nghĩ nếu vì quá mới mẻ hội trại chưa được nhiều người biết đến thì số lượng thành viên trong hai đơn vị từ thầy Minh Thiện và thầy Viên Giác cũng là một khởi đầu thuận lợi. Không ngờ, các bạn trẻ khắp nơi đăng ký ngày càng nhiều. Lần đầu tiên tổ chức nên chúng tôi khá bối rối không biết nên chốt con số cuối cùng là bao nhiêu! Từ chối thì sợ phụ lòng người mà tiếp tục nhận thì đông quá, không kham nổi. Ngày khai mạc, sau sự chứng minh của Hòa thượng Tổng biên tập, tôi rất xúc động và phát biểu “… Khi lên kế hoạch, chúng tôi không nghĩ là có gần một ngàn trại sinh tham dự. Ban tổ chức rất tiếc khi phải từ chối sự đăng ký của rất nhiều bạn đến sau vì không đủ khả năng…” Thật sự là không đủ khả năng nếu không có sự đóng góp tài chính của giám đốc Công ty Ngọc Việt (hiện nay vị này đã xuất gia, là sư cô Đức Tâm ở Quan Âm tu viện), anh Như Cường giám đốc Công ty xây dựng Sông Đà và là một huynh trưởng Gia đình Phật tử chùa Từ Tân, và anh Lê Trần Trường An Giám đốc Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam (Vietbook). Hội trại lần đầu tiên đó chưa có nhiều doanh nhân hỗ trợ nên Ban tổ chức phải liệu cơm gắp mắm, tính toán co kéo đắp đổi chỗ này chỗ kia và còn có sự ủng hộ của cả người nhà là chư tăng ni đi theo để phụ bếp. Hội trại lần thứ nhất diễn ra ở khu du lịch Minh Trí tại bãi biển Lộc An, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Có câu hỏi vì sao chọn nơi này? Ngẫu nhiên thôi. Ông thầy tu là tôi đi tìm chỗ vui chơi cho giới trẻ mà từ hồi nào tới giờ bản thân có đi chơi đâu! Vậy nên tôi lấy tiêu chuẩn… nơi nào giá rẻ và rộng rãi, bảo đảm nhu cầu vệ sinh tắm rửa cho gần một ngàn người là được! Nghe tiêu chuẩn tôi đưa ra ai cũng phì cười, mà thực tế là tìm chỗ vui chơi có đủ toilet cho gần một ngàn người không dễ. Phải đi mấy nơi rồi mới gặp khu du lịch Minh Trí rộng rãi mát mẻ, biển xanh cát trắng, thiên nhiên trong lành mà quan trọng là bà giám đốc rất tâm lý, thương lượng giá cả với ông thầy tu là tôi một hồi đến khi biết là tạo dịp cho các bạn trẻ vui chơi thì bà tự bớt giá xuống. Tất cả thành viên trong Ban tổ chức đã làm việc hết mình để Hội trại được diễn ra tốt đẹp nhất có thể. Khai mạc tại chùa Vĩnh Nghiêm vào ngày 8/7/2006, với cả ngàn bạn trẻ tham gia thì số chuyến xe để đưa các em đi xếp hàng dài từ cổng chùa Vĩnh Nghiêm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa nối qua ngã tư đường Võ Thị Sáu. Phần lớn trại sinh đứng trong sân chùa dự lễ khai mạc, còn lại một số chạy đi chạy lại bên ngoài để khiêng vác tre nứa để làm lều trại và những tấm bạt chất lên xe, và phụ giúp ban tổ chức bưng bê đồ đạc… Xe chạy bốn tiếng đồng hồ thì đến nơi. Các em được chia thành bốn cụm trại chính rồi từ đó chia thành những nhóm nhỏ. Việc đầu tiên là dựng trại. Có trại được dựng rất vững chắc, ai ngang qua đều tấm tắc khen những cây tre dựng dọc ngang rất hợp lý và cách buộc dây thắt gút gọn gàng đẹp mắt. Có trại bị… rung rinh và các cô gái đổ thừa: “Tại con trai trong nhóm mình toàn là công tử bột” rồi í ới nhờ cậy những bàn tay mạnh mẽ hơn từ nhóm gần đó. Nhưng đến khi trang trí thì mới biết “công tử bột” là sinh viên mỹ thuật cho nên cũng là những món trang trí đó mà dời từ nơi này treo qua chỗ khác và mấy viên sỏi được cọ quẹt sắc màu rồi gắn kết thành hình thù lạ mắt khiến ai ngang qua cũng trầm trồ. Và có trại thì trang trí bằng những con búp bê cầu mưa treo tòn ten khắp nơi khiến ai nấy thắc mắc trêu chọc: “Đang đi chơi mà muốn trời mưa hả?”… Không khí háo hức phấn khích và sự phấn khích càng tưng bừng hơn khi đội lân của Phật giáo Long An xuất hiện. Thành viên của đội múa lân cũng là trại sinh cho nên sau màn chào mừng nghiêm túc trước chư tăng ni thì lân nhảy múa đùa nghịch với các trại sinh lôi cuốn nhiều bạn hào hứng nhảy múa theo rất nhộn. Buổi chiều, các trại tập dợt văn nghệ. Có nhóm sợ tiết mục của mình bị “bật mí” sớm không thể gây bất ngờ nên căng bạt che kín trại, ai đi ngang qua kéo bạt thò đầu vô nhìn ngó thì đồng loạt xua tay nhất định “đuổi” đi chỗ khác, ngược lại, có những nhóm rủ nhau ôm đàn và sáo đi ra bãi biển hát hò giữa gió lộng. Có nhóm tập kịch nhập vai đùa nghịch kéo nhau ra sát mép nước và một hồi thì tất cả đều ướt mẹp… Đêm, đốt lửa trại bắt đầu bằng “bó đuốc thiêng” do các thầy cùng nhau châm mồi, cho đến khi đống củi cháy bùng lên thì một nhóm trại sinh diễn tiết mục nhảy vòng lửa với ý nghĩa ánh sáng xua tan bóng tối. Tiếp đến là đội trống của chùa Long Thành với tiết mục “Thất thập trống chào mừng”, từng hồi trống sôi động dẫn dắt và kết nối tạo nên đội hình nhịp nhàng bên ánh lửa bập bùng rất đẹp mắt. Cái đinh của buổi sinh hoạt là văn nghệ. Từng đội biểu diễn múa, đơn ca, tốp ca, kịch, cải lương… Thật đáng ngạc nhiên vì phần văn nghệ được ban tổ chức bổ sung vào chương trình khi đã cận ngày, các em chỉ được thông báo trước ba tuần, trong khoảng thời gian đó còn phải đi học đi làm mà các em kịp chuẩn bị những tiết mục rất hay. Đặc biệt, có em Trầm Hương mới 14 tuổi đang học lớp 9 biểu diễn tiết mục múa tuyệt đẹp, hỏi ra mới biết chính mẹ dạy em múa. Và phần biểu diễn thời trang do Phật tử chùa Từ Tân thực hiện mang y nghĩa bảo vệ môi trường, các “người mẫu” mặc áo quần kết từ lá cây hoặc bao bì hoặc những ống hút nhựa bước lên sân khấu gây nên những tràng cười giòn giã vì những bộ áo quần độc đáo và hơn vậy nữa là sự điệu đang quá mức của “người mẫu”. Sau chương trình, hỏi ra mới biết sự điệu đàng quá mức là vì sợ “trang phục” sẽ bị rơi rớt theo từng bước chân!… Chị Nguyên Phụng, Phật tử chùa Từ Tân ở quận Tân Bình, là thành viên Ban quản trại phụ trách phần văn nghệ hồ hởi cho biết: “Rất tiếc, còn nhiều em đăng ký biểu diễn mà thời gian có hạn nên đành phải bỏ bớt”. Chương trình văn nghệ kết thúc trong nhiều lưu luyến nấn ná quanh đống lửa cho đến khi đống than hồng tàn dần và ban tổ chức thông báo sang mai dậy sớm để thiền hành và tọa thiền trên bãi biển thì các trại sinh mới chịu nói lời chúc nhau ngủ ngon. Nhưng là chúc vui vậy thôi, trăng đêm rằm tỏa sáng và mặt biển phản chiếu ánh trăng thành muôn vàn lấp lánh cùng với tiếng sóng biển ì ầm… Tuổi trẻ, mấy khi được bên nhau giữa quang cảnh tuyệt vời như thế này, cùng bạn bè đồng trang lứa giữa trời đất thênh thang mà sao chịu ngủ ngon cho đành. Sáng sớm, buổi tọa thiền ngoài bãi cát biển tất cả trại sinh ngồi xuống và nghe tiếng chuông và tập hít thở trong không gian yên lắng của buổi sáng và tiếng sóng vỗ rì rào của buổi bình minh. Sau phần tọa thiền các em được hướng dẫn xoa bóp cho hết tê và bắt đầu đi chầm chậm từng bước trên cát của bãi biển theo sự hướng dẫn của quý thầy. Cho đến nay, khi nhìn lại trang báo còn lưu ảnh chụp cả ngàn bạn trẻ ngồi trước biển trong buổi sáng sớm hôm đó, tôi vẫn cảm thấy xúc động như đang trong thời khắc đó. Buổi sáng sớm biển đầy gió, sóng biển trào dâng ầm ào vỗ vào bờ cát khuấy động bao nỗi lao xao, đối diện là các bạn trẻ đang tập ngồi yên và tập theo dõi hơi thở của chính mình. Hình ảnh thật đẹp. Và đó là khởi đầu cho những thắc mắc trong chương trình pháp đàm diễn ra vào buổi tối “Quán sổ tức là gì?” “Có câu tôi tư duy tôi tồn tại, mà nay lại tập cho tâm trí rỗng rang. Vậy có mâu thuẫn không?”… Người hướng dẫn và khơi gợi để trại sinh mạnh dạn giơ tay nói lên ý kiến của mình là thầy Thích Pháp Trú, giáo thọ tăng thân Làng Mai. Thường thì trong những buổi trao đổi Phật pháp, người nói thì nói và người nghe chỉ nghe mà thôi. Còn trong buổi pháp đàm hôm đó, trại sinh sôi nổi tham gia. Tuổi trẻ có những câu hỏi “hóc búa” khiến ai nấy lặng im để nghe cho rõ câu trả lời của thầy (có thuyết phục được chúng mình không!) và có những câu hỏi tinh nghịch gây nên tiếng cười khúc khích. Thầy Pháp Trú điều hành buổi pháp đàm rất khéo léo và đầy thi vị, rất hài hòa với không gian của đêm trăng rằm. Các bạn trẻ rất thích thú. Tôi nghĩ là phương pháp tu học ở Làng Mai rất phù hợp với giới trẻ. Cái đinh của ngày thứ hai là Trò chơi lớn với chủ đề “Theo dấu chân Trần Huyền Trang” thu hút toàn trại sinh tham gia. Phải vượt qua sáu thử thách và chướng ngại để tìm được mật thư và giải mật thư… Có thể nói, Hội trại chính là Trò chơi lớn đối với ban tổ chức mà tìm mật thư chính là tìm con đường  đến với trái tim trại sinh, giải được mật thư là khi tuyên bố kết thúc hội trại và chứng kiến các bạn trẻ nhìn nhau luyến tiếc ngày vui qua mau. Sự thành công của Hội trại ngay lần đầu tổ chức đã khích lệ chúng tôi rất nhiều để tự tin để bàn chuyện tổ chức cho lần kế tiếp. Qua Hội trại lần thứ hai, số lượng đăng ký tham gia đông hơn cho thấy sức thu hút của sân chơi này đối với giới trẻ. Sau hai lần tổ chức, chúng tôi nhận thấy cần thay đổi phương thức hoạt động để sân chơi được có nhiều màu sắc phong phú hơn. Không chỉ vui chơi mà còn có ý nghĩa nhân văn và thấm đượm tinh thần Phật giáo. Chúng tôi còn mong muốn sau mỗi kỳ Hội trại, trở về với gia đình và công việc thường ngày, các em có cái nhìn mới mẻ, tích cực hơn cho bản thân, rộng hơn nữa là cho cộng đồng. Có điều là, trong niềm vui hân hoan vì làm được một việc có ích cho cộng đồng, thật bất ngờ, có đơn thư từ Ban Hướng dẫn Phật tử thành phố gởi đến tòa soạn với nội dung chê trách báo Giác Ngộ lấn sân, không có chức năng sinh hoạt thanh thiếu niên mà lại lôi kéo các em Gia đình Phật tử! Và thêm bất ngờ là thầy Minh Thiện và thầy Viên Giác từ chối không tham gia Hội trại nữa. Cùng với lời từ chối của hai vị là sự vắng mặt các bạn trẻ trong Gia đình Phật tử chùa ở Long An và chùa Từ Tân, những nhân tố góp phần làm nên không khí rộn ràng tươi vui cho hai kỳ Hội trại trước. Tôi hỏi tại sao, hai vị lặng im không tham gia. Xì xào của huynh đệ cho biết là lỗi tại tôi. Tôi đã ứng xử quá dở. Hai vị rất nhiệt tình tham gia trong tất cả các khâu, xứng đáng để được giới thiệu và phân công cụ thể trong ban tổ chức. Mà tôi thì chỉ nghĩ đơn giản là huynh đệ khắp nơi mỗi người một tay phụ giúp cho việc chung, còn trách nhiệm chính vẫn thuộc về báo Giác Ngộ. Nếu tôi được biết sự phiền lòng của hai vị sớm hơn thì tôi đã sẵn sàng thay đổi cách ứng xử để tất cả cùng được hoan hỉ. Nhưng rồi tôi hay tin hai vị tự tổ chức Hội trại riêng cho Gia đình Phật tử của chùa mình. Là người khởi xướng, tôi rất mong Hội trại được lan tỏa khắp nơi. Nhưng khi đó, Hội trại mới thực hiện được hai lần, còn non trẻ, sau mỗi lần diễn ra là phải rút kinh nghiệm và bàn bạc tính toán thay đổi cho lần sau được hay hơn, tốt hơn. Nên việc hai vị tự tổ chức riêng trong thời điểm đó với tôi là điều vô cùng đáng tiếc. Tôi nhớ lời dạy của một vị thầy rằng “Hãy đi như một dòng sông”. Cùng nhau, chúng ta sẽ được vững vàng hơn. Khó khăn bất ngờ của việc thiếu vắng thầy Minh Thiện và Viên Giác khiến Ban tổ chức cảm thấy mình cần phải mạnh mẽ hơn để gánh vác những việc mà trong hai kỳ trước nhờ có hai vị làm giúp cho. Và điều đáng nói, khó khăn cũng chính là thử thách bản lĩnh… Chuẩn bị cho Hội trại lần thứ ba, chúng tôi bàn bạc và ghi nhận nhiều ý kiến để đi đến quyết định đổi mới nội dung Hội trại cũng như cách tổ chức. Đến lúc này, có thêm một số doanh nhân và nghệ sĩ thể hiện sự quan tâm đến giới trẻ bằng cách hào phóng hỗ trợ tài chính nên chúng tôi thuận tiện hơn trong khâu tổ chức và mở rộng thêm một số hoạt động. Về tổ chức: sân chơi dành riêng cho tuổi trẻ thì nên để các bạn trẻ trong Ban quản trại tự chủ và có trách nhiệm điều hành, các tu sĩ chỉ có mặt trong những sinh hoạt có yếu tố giáo lý Phật pháp, còn lại thì đứng ở vai trò cố vấn. Vậy nên ban tổ chức giao cho thầy An Đạt phỏng vấn từ hàng ngàn thành viên đăng ký, tuyển chọn những bạn trẻ có khả năng quản lý để giao việc lãnh đạo nhóm tức là làm Tiểu trại trưởng. Sau khi được tập huấn, các Tiểu trại trưởng liên lạc với thành viên cùng trại, bàn bạc về hoạt động mà mỗi người có thế mạnh để tham gia các cuộc chơi do Hội trại đề ra hoặc chính trại viên đề nghị trò chơi mới. Không chỉ là những em “cựu” đã từng tham gia hai mùa Hội trại trước mà những em mới tham gia lần đầu cũng được khuyến khích làm Tiểu trại trưởng nhằm khích lệ tinh thần dám nghĩ dám làm. Dĩ nhiên với những em mới toanh này thì ban tổ chức cử người đã có kinh nghiệm thầm lặng đứng sau để sẵn sàng giúp đỡ khi cần. Do đó, khác với hai mùa trước đây, khi Hội trại lần thứ ba chính thức khai mạc thì các trại sinh đã quen và làm việc cùng nhau. Thậm chí là nhóm này làm quen với nhóm kia… Sự kết nối đó, ban đầu là vì công việc cần phải chuẩn bị cho trại, rồi thì dẫn đến tình bạn và sự thông hiểu. Có những người sau hội trại vẫn tiếp tục là bạn bè và rủ nhau tham gia hoạt động thiện nguyện ở các chùa. Về nội dung: chọn chủ đề cho mỗi Hội trại. Lên lịch cụ thể cho mỗi hoạt động như Trò chơi nhỏ, Trò chơi lớn, Văn nghệ, Đêm yêu thương, Đêm Gala… Đặc biệt nhất của Hội trại là Đêm Yêu thương diễn ra sau thời pháp thoại ngắn vào buổi chiều. Trại sinh được yêu cầu viết thư gởi đến người mà các em muốn kể về vấn đề của mình, những tâm tư buồn vui và sự mong muốn được thông hiểu. Ban tổ chức chọn ra những lá thư có nội dung đặc biệt gây xúc động và những lá thư đó là chất liệu chính của Đêm Yêu thương. Bắt đầu lúc bảy giờ tối, trước tiên là tụng thời kinh ngắn rồi đốt nến. Giữa không gian bao la, các bạn trẻ ngồi bên nhau, nâng trong tay ngọn nến lung linh, cùng lắng lòng cầu nguyện cho những điều tốt đẹp đến cho mọi người. Tiếp đến, là phần trải lòng với những lá thư được viết để chia sẻ đến mỗi người, kèm với đó là nhạc thiền. Từng lá thư được đọc lên. Lá thư này kể câu chuyện gia đình có sự phân ly gây nhiều mất mát, lá thư kia kể về nỗi đau của sự thiếu vắng tình thương, lá thư nọ kể lại những nông nổi tuổi trẻ và cũng có lá thư tâm sự về những ước mơ… Có em còn tâm sự về giới tính đặc biệt của mình và nỗi cô đơn trong ngôi nhà giữa những người thân mà không được có sự thông cảm cho nên tình thương hóa ra trói buộc… Sau khi nghe đọc thư, quý thầy đưa ra những lời khuyên, những chỉ dẫn hoặc lời nguyện cầu cho từng bạn. Và có những vấn đề quá sâu cay vượt tầm chia sẻ của ngôn từ, không lời lẽ nào có thể xoa dịu ngoài sự lắng nghe và niềm thông cảm. Điều đáng nói là sự lắng nghe sâu sắc, thông hiểu của quý thầy và các bạn trại sinh khiến có tác giả của lá thư mạnh dạn đứng lên giữa mọi người, thẳng thắn chia sẻ nỗi niềm sâu kín. Điều riêng tư của mỗi người dường như trở thành thông điệp chung. Người viết thư và người nghe ai nấy đều xúc động. Những giọt nước mắt, những cái nắm tay và những cái ôm siết chặt truyền năng lượng thông cảm, yêu thương cho tất cả. Đáng kể ra đây là người đau khổ hiểu ra được sự thiếu sót của những người làm mình đau khổ. Nhiều em tâm sự rằng từ sau Đêm Yêu thương cảm thấy nhẹ lòng hơn, tự thấy có trách nhiệm hơn với chính mình và cảm nhận phải nỗ lực hơn trong cuộc đời. Sự thành công của Đêm Yêu thương còn nhờ công sức của bạn dẫn chương trình Nguyễn Tử Anh pháp danh Thiện Tú và các MC nữ dẫn cùng. Sự thấu hiểu nỗi niềm tuổi trẻ được thể hiện qua giọng đọc truyền cảm và nét duyên của các bạn dẫn dắt chương trình tạo nên những cung bậc cảm xúc tuyệt vời. Một điểm nhấn nữa của Hội trại là đêm văn nghệ. Nhiều anh chị em nghệ sĩ cũng là Phật tử hoặc có thiện cảm với đạo Phật như là Sỹ Luân, Việt Trinh, Phương Anh Idol… Các nghệ sĩ tên tuổi này không quản ngại khoảng cách mấy trăm cây số từ thành phố đến nơi tổ chức Hội trại. Không nhận tiền cát sê, các nghệ sĩ nồng nhiệt ca hát và giao lưu với các bạn trẻ, rồi sau đó phải trở lại thành phố ngay để sáng mai chủ nhật  còn tiếp tục công việc của họ ở nơi này nơi kia. Rất xúc động giây phút vẫy tay chào tạm biệt đầy lưu luyến trong đêm, ban tổ chức lo lắng đường xa trời tối mời các nghệ sĩ ngủ lại, mai về sớm, câu trả lời nửa đùa nửa thật: “Thầy ơi tụi con còn vướng nhiều bụi trần nên còn phải chạy sô liền liền”! Qua những mùa Hội trại kế tiếp, có lần ban tổ chức mời được cả vũ đoàn mấy chục vũ công đến ca múa. Có nhiều nghệ sĩ thông thuộc kinh kệ giúp cho không khí buổi giao lưu sôi động vì các bạn trẻ không ngờ lời Phật dạy lại được diễn giải từ nghệ sĩ thần tượng, điều mà các bạn nghĩ chỉ có mấy ông thầy tu mới làm được! Suốt mười năm tổ chức Hội trại là cũng chừng ấy lần các nghệ sĩ đồng hành cùng chúng tôi và để lại nhiều kỷ niệm rất đẹp. Ban tổ chức luôn tìm cách thêm vào nội dung Hội trại những hoạt động mới mẻ để vẫn là sự trẻ trung tươi vui mà bổ sung được kiến thức Phật pháp, như việc đưa mô hình cuộc thi Gameshow Rung Chuông Chùa vào hội trại (thành thật thú nhận là chúng tôi bắt chước cách tổ chức của cuộc thi Rung Chuông Vàng trên ti vi vào thời điểm đó). Sư phong phú trong nội dung giúp cho Hội trại ngày càng thu hút được đông đảo bạn trẻ tham gia. Thậm chí nhiều bạn có mặt trong các kỳ Hội trại liên tiếp và trở thành trụ cột vững vàng phụ giúp cho Ban tổ chức. Chúng tôi rất vui vì sau mỗi Hội trại, có những bạn không phải là Phật tử, ban đầu chỉ là ham vui theo bạn bè, rồi thì nảy sinh thiện cảm với đạo Phật và nhiệt thành tham gia hoạt động Phật sự. Có nhiều bạn trở thành Phật tử và khi lập gia đình thì tổ chức lễ Hằng Thuận tại chùa. Sau mười năm, việc tổ chức Hội trại đã đi vào nề nếp và tôi coi đó là sự thành công trong hoạt động Phật sự của mình cùng huynh đệ bấy lâu nay cùng chung tay, một hôm bỗng Hòa thượng Tổng Biên tập gọi tôi vào phòng và nói “Thầy sắp xếp bàn giao việc tổ chức Hội trại cho Ban Hướng dẫn Phật tử Trung Ương, vì vai trò của báo không có chức năng tổ chức hoạt động thanh thiếu niên.” Tôi quá bất ngờ, sau đó là nỗi buồn và hụt hẫng suốt một thời gian. Dù Hòa thượng Tổng Biên tập giải thích rằng hoạt động liên quan đến thanh niên thì giao lại cho Ban Hướng dẫn Phật tử là hợp lý, tôi vẫn thấy vô lý! Dù là báo Giác Ngộ hay Ban Hướng dẫn thì đều là tổ chức Phật giáo, bên nào đang có hoạt động Phật sự phát triển theo chiều hướng tốt đẹp thì đều đáng được khích lệ, tại sao lại phải phân biệt? Và đáng ngạc nhiên là khi khởi xướng Hội trại còn non trẻ với bao khó khăn sao Hòa thượng không nói đến sự phân biệt này để giao lại cho Ban Hướng dẫn ngay từ khi ấy? Chẳng phải chính Hòa thượng đồng lòng ủng hộ và là người phát biểu khai mạc trong lần đầu tiên tổ chức Hội trại đó sao? Sau mười năm là một chặng đường dài huynh đệ cùng nhau chung tay chung sức chung lòng gây dựng Hội trại thành một nếp sinh hoạt đáng tin cậy trong lòng các bạn trẻ và quý phụ huynh, không thể hiểu tại sao Hòa thượng bỗng buông tay với lý do nghe chẳng khác gì lý lẽ của Thành đoàn trong chương trình Tiếp sức Mùa thi rằng đó là thương hiệu riêng của Thành đoàn, không tổ chức nào khác được phép chung tay tham gia. Chẳng khác nào mình khai sinh một đứa con, chăm bẵm nâng niu nuôi nấng đến khi có dáng vóc thì bỗng kêu người anh đến và nói tôi không muốn nuôi nó nữa. Hòa thượng quay lưng phủ nhận tất cả những gì mình đã đồng ý suốt mười năm qua là điều tôi không thể hiểu được và cảm thấy bị tổn thương. Lẽ nào Hòa thượng không thấu hiểu nỗi lòng của chúng tôi khi quyết định sự việc mà không màng đến cảm xúc của huynh đệ? Mà thôi đành, lý lẽ gì thì Hòa thượng Tổng Biên tập là lãnh đạo thì có quyền quyết định. Cuộc họp báo chuyển giao việc tổ chức Hội trại Tuổi trẻ Phật giáo về Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, nén lại nỗi ấm ức trong lòng, tôi nói lời tạm biệt với một Phật sự mà mình gắn bó suốt nhiều năm với biết bao ân tình. Dù sao thì cũng có niềm vui vì Phật sự mà chúng tôi giao lại cho Ban Hướng dẫn đang trên đà thành công, có được tiếng vang tốt trong dư luận. Vui hơn nữa vì sau đó, Hội trại trở thành mô hình lan tỏa về các tỉnh, và được điều chỉnh thành khóa tu do nhiều chùa tự tổ chức ngay tại địa phương. Như một cái hạt gieo xuống mọc lên thành cây tỏa nhánh nơi nơi, Hội trại đã trở thành một sinh hoạt lành mạnh bổ ích được tăng ni đồng tình ủng hộ và thu hút đông đảo bạn trẻ khắp nơi thích thú tham gia… Cho đến bây giờ, mỗi khi đọc báo, gặp tin tức về Hội trại và khóa tu, cho dù đơn vị tổ chức là Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương hay là các tự viện nhằm tạo cho thanh thiếu niên từ thành thị đến nông thôn có được sân chơi lành mạnh, trong lòng tôi dâng lên cảm giác bùi ngùi ấm áp gặp lại một điều đẹp đẽ thân quen…