Sách mới: Quăng đời mình vào chốn Thiền Môn tập 3

548

Báo Giác Ngộ số 1210 ra ngày 14-7-2023 ở trang mục Văn Hóa có giới thiệu sách mới của HT Thiện Bảo,chúng tôi xin được trích lại để Tăng Ni Phật tử tham khảo. 

Từng là cộng sự và trợ lý thân thiết của HT. Thích Thiện Bảo tại báo Giác Ngộ, trước khi Hòa thượng rời nơi đây để về Kiên Giang thành lập Trung tâm Thiền tập Bửu Thọ, chúng tôi thật sự rất vui khi nhận được tặng phẩm là một  tập sách nhỏ có tên Chùa Việt trong tâm người xa xứ tập 3 trong loạt “ Quăng đời mình vào chốn Thiền Môn” của Hòa Thượng. Sách trình bày đẹp, do Nhà sách Phương Nam Books ấn hành vào giữa năm 2023.

Một thoáng tổng quan, tác phẩm là sự tổng hợp của 31 bài viết ngắn, như một thể loại hồi ký, ghi nhận những tâm tư, thổn thức, mong chờ và cả những gửi gắm của chính tác giả nói riêng và quần chúng phật tử, phần lớn là Phật tử Đông Âu nói chung. Ngay từ bài viết đầu tiên của tập sách này, đã khơi gợi lại khoảng thời gian Hòa thượng mời chúng tôi cùng tham gia hoạt động hoằng pháp trên không gian mạng ở thời kỳ đầu, trên nền tảng Paltalk. Đây có thể coi là một trong những hoạt động hoằng pháp Online đầu tiên của Phật giáo Việt Nam vào giữa thập niên 2000. Bạn đọc có thể tìm thấy thông tin này từ trang 9 của tác phẩm và những trang tiếp theo.

Theo chân hoằng pháp của Hòa thượng, trải đều qua những trang viết, bạn đọc có thể tìm thấy được những nhân duyên của sự chuyển mình từ thực tế ảo trên không gian trên mạng, đến những chuyến đi thăm viếng-hoằng pháp ở ngoài đời thực, trên những vùng đất Đông Âu lạnh giá. Từ  Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary…nơi đâu có tâm cầu pháp và hội đủ nhân duyên thì Hòa thượng cũng không ngại ngần. Đặc biệt, theo sự thỉnh cầu của Hội phật tử Việt Nam tại Hungary, Hòa thượng đã góp duyên khai sơn chùa Tuệ Giác. Danh xưng chính thức có thể hơi khác, nhưng tâm huyết và thực tế công việc của hòa thượng trong việc định hình nên ngôi chùa đã chứng tỏ điều này [trang 90-136].

Cũng như bao hoạt động phật sự khác, công cuộc hoằng pháp ở nước ngoài bao giờ cũng gặp phải những thất vọng, những nguy hiểm, những thử thách cam go. Ngay như cố Hòa thượng Thánh Nghiêm, một bậc danh Tăng ở Đài Loan thời hiện đại, cũng gặp phải những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua khi hoằng pháp ở Hoa Kỳ [Thánh Nghiêm tự truyện, chương 16]. Ở đây,với tâm nguyện chuyển vận bánh xe Chánh pháp đối với những ai hữu duyên ở vài nước Đông Âu, Hòa thượng Thiện Bảo cũng gặp phải những trở ngại về thời tiết [trang 78], về bệnh tật [trang 124] và cả những mối hiểm nguy [trang 80].

Sau những chuyến đi-về nhọc nhằn vất vả, sau những nỗ lực không quản ngày đêm của thầy và trò, một vài hạt giống thiện lành đã bắt đầu nảy mầm trong tâm của người Việt xa xứ. Những hạt giống đó hiện đang bé nhỏ, nhưng rất đáng được trân trọng, vun vén và quan tâm. Đó là vài bài kinh bằng tiếng Hungary đã được hành trì gần đúng theo ngữ âm của người dân bản địa [trang 221]. Quả thật, điều đó như ánh hừng đông đã xuất lộ trên vùng đất quá đỗi lạnh giá khi đông về.

Chọn mục tiêu để dấn thân phụng sự

Buổi chiều cùng ngày, chúng tôi lên đường đến Thiền Lâm Tự tại Ziegenrück cách Erfurt khoảng 100km. Cách đây bốn năm, thầy Pháp Chương cùng năm vị tăng Làng Mai ở Viện Phật Học Ứng Dụng tại Đức tách ra gây dựng cơ sở này. Tên gọi Ziegenrück nghĩa tiếng Việt là “Lưng Con Dê” vì nhìn trên bản đồ hình dáng của nó giống lưng của con dê. Đây là khu vực miền núi chỉ có khoảng hơn năm trăm cư dân sinh sống. Vợ chồng Phật tử Tâm Đại Lượng và Tâm Lưu Ly quy y với Thiền sư Nhất Hạnh nay hộ pháp cho chư tăng tại đây. Thầy Pháp Chương kể khi mới đến đây thầy mua một căn nhà và sau đó thầy đấu giá mua mảnh đất rộng hơn hai héc ta để cho người Tây đến thuê cắm 218 Quăng đời mình vào chốn THIỀN MÔN… trại. Thầy nói tiền cho thuê này là giải pháp lấy ngắn nuôi dài, giúp cho một số tăng ni có nơi lưu trú và các em học sinh người Việt đến sinh hoạt trong khóa tu mùa hè. Thầy Pháp Chương mở quán cơm chay từ thiện giúp người vô gia cư và hiện nay nơi này đang giúp hai gia đình người Ukraina đến tỵ nạn. Trong buổi sáng ngồi uống trà thầy Pháp Chương kể thầy xuất gia năm 42 tuổi. Trước đó, thầy kinh doanh quán ăn rất thành công. Thu nhập khá giả, thầy ăn chơi đàn đúm rượu chè… Đến một hôm tình cờ theo người bạn dự khóa tu ở Làng Mai nghe Thiền sư Nhất Hạnh giảng “Uống rượu bia như uống máu trẻ em” (Nội dung bài giảng hôm đó có ý là trẻ em khắp nơi trên thế giới chết vì đói khát thiếu lương thực mà chúng ta ăn uống phung phí khác nào uống máu trẻ em) Sau buổi pháp thoại đó thầy quyết định bỏ hết tài sản và chia tay người yêu rồi cạo tóc xuất gia. Ở tại Viện Phật Học Ứng Dụng một thời gian, thầy thấy huynh đệ đang tu học tại đây gặp một số khó khăn vì nước Đức rất khắt khe chuyện nhập cư nên năm 2018 thầy xin xuất chúng tìm về vùng núi này xây dựng cơ sở nhằm quy tụ anh em gặp trắc trở về giấy tờ và bảo hiểm… Chùa Việt trong tâm người xa xứ 219 Tâm nguyện của thầy Pháp Chương là gầy dựng cơ sở vật chất để tăng chúng không bị lệ thuộc vào sự cúng dường. Thầy nói cơ sở đang trong giai đoạn đầu nên còn khó khăn nhưng thầy rất lạc quan tin tưởng mình sẽ thực hiện được tinh thần nhập thế “Phật Giáo Dấn Thân” như Thiền Sư Nhất Hạnh đã tạo dựng. Thầy Pháp Chương từng là người kinh doanh thành công trước khi xuất gia nên tôi có lòng tin kế hoạch và tâm nguyện của thầy sẽ thành hiện thực. Mỗi vị tăng cũng như một người sống trong cộng đồng, tuy theo khả năng của mình mà trên đường tu tập chọn ra một mục tiêu để dấn thân phụng sự. Tôi nói với đệ tử Thường Tánh “Mấy hôm nay thầy dắt con đi theo là để con có cơ hội tận mắt thấy tai nghe để mà suy nghĩ chọn lựa con đường đúng đắn cho chính mình. Có một số vị đi tu với những ước nguyện cao đẹp trong tâm hồn nhưng rồi thì thấy ai làm gì cũng lao theo, thấy người ta xây chùa to mình cũng muốn xây chùa to thấy người ta mở quán chay mình cũng muốn mở quán chay thấy người ta mở quầy thuốc nam từ thiện mình cũng muốn mở quầy thuốc nam từ thiện, thậm chí là muốn tách ra để tự mình thích làm trụ trì! Đi tu mà lần hồi thì cũng đầy sân si chẳng khác gì đời thường. Rất đáng tiếc cho chí nguyện ban đầu và uổng phí một đời tu”.

( Trích Chùa Việt trong tâm người xa xứ)