Xin cho biết cách thức ngồi thiền ?

1495

HỎI: Phương pháp thiền quán niệm hơi thở, nhưng không học hỏi “kỹ thuật” ngồi thiền như thế nào cho đúng cách. Nay có người  bị đau cột sống, người bị ép tim, người bị hôn trầm…  Xin cho biết cách thức ngồi thiền ?

TRẢ LỜI: Bất kỳ thực hành pháp môn nào chúng ta cũng cần phải có thầy kinh nghiệm hướng dẫn thật kỹ. Nếu chúng ta áp dụng đúng phương pháp thì sẽ có nhiều lợi lạc và hạnh phúc, ngược lại chúng ta sẽ bị chính bài thực hành đó làm tổn hại đến cơ thể và gây nội kết khổ đau nữa. Điều này rất thường xảy ra. Cho nên nguyên nhân của các chứng bệnh trên là do các bạn đã ngồi không đúng phương pháp. Muốn ngồi đúng phương pháp, trước tiên các bạn phải được hướng dẫn ngồi chung với tập thể. Năng lực của tập thể rất hay, nó sẽ hỗ trợ cho sức tinh tấn của các bạn luôn khôi phục và phát triển. Sự yểm trợ của tập thể ngồi thiền sẽ làm cho bạn có nhiều kinh nghiệm khi vị giám thiền chỉnh sửa cho bất kỳ một thành viên nào trước khi bạn quyết định ngồi một mình. Bạn đừng sợ ngồi chung với mọi người sẽ bị loạn động, vì thời gian này bạn chủ yếu là được soi mình trong gương thầy, bạn chứ không phải để tranh thủ công phu. Sau một thời gian, khi bạn cảm thấy tự mình có thể ngồi mà không cần ai giám sát nữa thì bạn nên chọn một nơi thật yên tĩnh, thoáng mát và sạch sẽ, gần cửa sổ có cây cối hay vườn hoa càng tốt. Bạn nên bắt đầu tọa thiền vào buổi sáng sớm thức dậy, trước khi tập thể dục và ăn sáng. Nếu bạn chọn thực tập trước khi ngủ sẽ bất lợi vì bạn sẽ dễ bị cơn buồn ngủ lôi kéo hoặc suốt một ngày làm việc tồn đọng lại trong đầu bạn biết bao tạp niệm chưa giải quyết. Bạn nên trang phục bằng vải mềm, rộng rãi. Lúc nào cảm thấy bất an, khó chịu hoặc cơ thể gặp trở ngại thì bạn phải đến gặp lại vị thầy hướng dẫn trước để được tháo gỡ và chỉ dẫn thêm.

I. NHẬP THIỀN:

1- Ngồi lên bồ đoàn, xương cùng đúng giữa bồ đoàn, nghiêng qua lại cho vững chãi tư thế ngồi rồi mới kéo chân lên.

2- Nên ngồi kiết già, chân trái kéo lên đùi phải, chân phải để lên đùi trái (hay ngược lại), kéo sát chân vào trong thân để ngồi được lâu hơn.

3- Nới rộng dây lưng và cổ áo, sửa thân ngay thẳng, lấy bàn tay trái để lên bàn tay phải, hoặc ngược lại. Hai bàn tay để lên hai lòng bàn chân, những ngón tay chồng lên nhau, hai đầu ngón tay trái vừa chạm nhau nằm ngay chiều rốn, cùi chõ vừa ôm hông là được.

Cũng có thể duỗi thẳng hai tay để ngửa trên hai đầu gối chân, để các ngón tay khép sát vào nhau, ngón cái hơi nằm trên ngón trỏ, nếu thấy dễ chịu hơn.

4- Chuyển động toàn thân theo chiều kim đồng hồ 5 lần, ban đầu mạnh sau yếu dần.

5- Ngồi lưng thẳng vừa phải, đừng quá ưỡn, cũng đừng để cong hoặc ẹo, đầu hơi cúi (nếu không sẽ dễ buồn ngủ).

6- Chiều chóp mũi ngay đầu ngón tay cái, hai trái tay đối xứng hai bả vai, mắt mở 1/3 nhìn không quá 5 tấc (nếu mắt nhắm hoàn toàn sẽ dễ bị ngủ, còn mở rộng quá thì sẽ dễ bị toán loạn vì nhìn thấy ngoại cảnh). Gương mặt bình thản, miệng hơi mỉm để cho các cơ bắp trên mặt được giãn ra. Điều này rất cần thiết cho hệ thần kinh.

7- Hít sâu bằng mũi đầy bụng rồi thở ra bằng miệng nhẹ nhàng 3 lần.

8- Miệng ngậm lại, môi và răng vừa khít nhau, lưỡi để lên trên. Từ đây về sau chỉ hít thở bằng mũi đều đều, nhè nhẹ không cố gắng.

II .XẢ THIỀN

1- Hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng như nhập thiền 3 lần.

2- Động hai bên bả vai lên xuống, mỗi bên 5 lần.

3- Cúi đầu xuống ngước lên, xoay trái phải mỗi phía 5 lần.

4- Co duỗi hai bàn tay 5 lần, xoa và bóp nhẹ hai bàn tay và cổ tay.

5- Động thân 5 lần, lần chót dời hai bàn tay úp lên đầu gối, ấn mạnh xuống 3 lần.

6- Xoa mặt, tai, đầu, sau gáy và cổ mỗi cái 20 lần.

7- Dùng bàn tay phải xoa từ vai xuống cánh tay trái, kết hợp với bàn tay trái xoa từ nách xuống hông phải 10 lần. Đổi bên.

8- Lòng bàn tay phải đặt lên ngực, lưng bàn tay trái đặt lên lưng, kết hợp xoa một lượt từ ngực xuống bụng 10 lần.

9- Dùng hai lưng bàn tay chà lên xuống vào cột sống và thắt lưng 20 lần.

10- Dùng hai bàn tay xoa mông, đùi (tùy ý).

11- Xoa hai bàn tay cho nóng, sau đó áp vào mắt 5 lần.

12- Chống hai tay lên hông, khum người xuống sát đất 3 lần kết hợp với thở vào ra.

13- Một tay nắm đầu các ngón chân, một tay giơ cổ chân ra từ từ để nhẹ xuống. Hai bàn tay cùng xoa mạnh từ đùi đến cổ chân, xoa nóng lòng bàn chân.

14- Duỗi hai chân ra, thân rướn về phía trước, các ngón tay vừa chạm các ngón chân nhiều lần. Kết hợp thở vào ra như động tác vươn thở.

15- Co chân phải để lên đùi trái, rồi vặn người qua phải ra sau 3 lần. Đổi bên.

16- Ngồi yên 5 phút rồi mới đứng dậy.

17- Đứng dậy duỗi hai tay thẳng ra phía trước 3 phần, nhón người lên rồi duỗi tay ra sau 7 phần. Trong lúc nhón gót lên xuống, đưa tay trước sau phải kết hợp với thở vào ra. Phương pháp này lấy lại hoạt động nhịp nhàng cho toàn cơ thể.

Chú ý: Nếu như ngực nặng, tim hơi nhói là do ngồi quá thẳng, nên phải rùn xuống một tí. Nghe nhức xương sống gần lưng quần là do ngồi không thẳng, nên phải ngồi thẳng lên. Nếu nhức một bên vai là do hai vai không ngang nhau, nên sửa cho cân bằng. Còn nhức cả hai vai là do gồng hai tay, nên phải thả lỏng một chút.

Dù các bạn đã nắm vững cách trụ thiền tức là nội dung của buổi thiền tập thì cũng không thể không làm tốt khâu nhập và xả thiền. Nếu bạn gấp gáp tùy tiện ở phần nhập và xả thiền thì cơ thể sẽ dễ dàng bị bệnh. Cơ thể bệnh thì việc điều tâm cũng sẽ bị trở ngại hoặc có thể gián đoạn. Chúc các bạn thành công.