Một cách hiểu giản dị về chữ nghiệp (Karma) trong Phật giáo

1003

Theo giáo lý Tứ Thánh đế của Phật giáo, nguyên nhân của sinh tử luân hồi chính là ba độc: tham, sân, si. Ba độc này có mặt trong tất cả các loài hữu tình: con người, thú vật và cả những chúng sinh trong các cảnh giới mà con người không nhận biết được.

Tất cả chúng sinh đều giống nhau về phương diện này. Tuy nhiên cũng có rất nhiều sự khác nhau giữa cùng một loại chúng sinh và giữa các loại chúng sinh khác nhau. Ví dụ, một số người trong chúng ta rất giàu có còn một số người khác thì ngược lại; một số người thì khỏe mạnh trong khi những người khác thì thường đau ốm, tật bệnh v.v… Giữa con người và thú vật thì sự khác biệt lại rất rõ ràng. Những sự khác biệt này chính là kết quả của nghiệp (karma).

Nghiệp giải thích tại sao một số người thì may mắn và một số khác thì không, một số người thì hạnh phúc trong khi nhiều người khác phải đau khổ, bất hạnh. Đức Phật nhấn mạnh rằng, nghiệp giải thích cho sự khác nhau giữa các chúng sinh. Trong đêm đạt đến giác ngộ tối thượng, lúc chứng Thiên nhãn minh (sinh tử thú trí), Đức Phật đã hiểu được rất rõ nghiệp tác động như thế nào đến sự tái sinh của các chúng sinh và chúng sinh chuyển sinh từ cõi lành sang cõi xấu và từ cõi xấu sang cõi lành như thế nào tùy theo nghiệp của họ. Do đó, chính nghiệp quyết định sự tái sinh trong các cảnh giới khác nhau của chúng sinh.

Chúng ta vừa bàn qua về chức năng của nghiệp. Bây giờ chúng ta hãy xét kỹ xem nghiệp là gì. Trước hết, chúng ta hãy phân tích những gì không phải là nghiệp. Nhiều người thường hiểu lầm về ý nghĩa của chữ nghiệp, đặc biệt là trong cách dùng hàng ngày của từ này: chúng ta thường bắt gặp nhiều người chấp nhận một tình huống nào đó rồi lợi dụng chữ nghiệp để nhấn mạnh sự chấp nhận ấy. Khi chúng ta hiểu chữ nghiệp như vậy, thì nghiệp trở thành một phương tiện để trốn chạy thực tế và nó chứa nhiều đặc tính của một niềm tin về số phận hay tiền định. Nhưng, đó không phải là nghĩa đúng đắn của chữ nghiệp. Có lẽ sự hiểu lầm này đã đưa đến một kết quả là niềm tin vào số phận có trong mọi nền văn hóa. Vì niềm tin phổ thông ấy mà khái niệm về nghiệp thường bị nhầm lẫn với khái niệm về số phận hay tiền định. Nhưng nghiệp không phải như thế.

Nếu nghiệp không phải là số phận hay tiền định thì quả thật nó là gì? Chữ “nghiệp” nguyên nghĩa là “hành động” – hành động tạo tác một việc này hay một việc nào đó. Như vậy, rõ ràng, “nghiệp” không có nghĩa là số phận mà nó là một hành động có tính chất biến động. Tuy nhiên, “nghiệp” không phải là một hành động vô thức, không tác ý mà ngược lại “nghiệp” mang tính chủ động, có ý thức, được điều động bởi một ý chí, hay ý muốn.

Một hành động có tác ý có thể làm cho hoàn cảnh của chúng ta tốt hơn hay xấu đi bởi vì mỗi hành động đều có một tác dụng hay một kết quả. Điều này thực sự đúng về mặt vật lý như nhà vật lý học Newton đã chứng minh là mỗi hành động đều phải có một phản ứng tương ứng ngược trở lại. Chính vì lý do này mà Phật tử thường nói về một hành động có tác ý là kết quả của nó hơn là nói về số phận hay tiền định – và họ gọi đó là quy luật nhân quả hay nghiệp báo.

Ở mức cơ bản nhất, quy luật nhân quả dạy rằng một loại hành động sẽ dẫn đến một kết quả tương ứng. Ví dụ trồng cam sẽ được cam, trồng xoài được xoài. “Gieo nhân gì, gặt quả ấy” (As you sow, so shall you reap): tùy theo tính chất của hành động, chúng ta sẽ nhận lấy quả báo tương ứng. Tương tự, nếu chúng ta có một hành động thiện chí thì sớm muộn sẽ gặt hái một quả thiện; nếu thực hiện một hành động bất thiện thì sẽ gặt hái một kết quả xấu ác. Trên cơ sở này, chữ “nghiệp” có thể được phân thành hai loại là “thiện nghiệp” và “bất thiện nghiệp”. Tuy nhiên, để tránh hiểu lầm hai danh từ này, chúng ta nên tìm hiểu nghĩa gốc của chúng. “Thiện nghiệp” có gốc Pàli là kusala và “bất thiện” có gốc Pàli là akusala. “Kusala” nghĩa là “thông minh” hay “khéo léo” và “akusala” nghĩa là “không thông minh” hay “không khéo léo”. Hiểu được như vậy, chúng ta sẽ biết được những từ này được dùng trong Phật giáo với nghĩa “thông minh” – “không thông minh”; “khéo léo” – “không khéo léo”, “thiện” – “bất thiện” hơn là với nghĩa “tốt” – “xấu”.

Thế nào là một hành động thiện? Những hành động được gọi là thiện khi chúng có ích cho tự thân và tha nhân, trong hiện tại và trong cả tương lai; do vậy, chúng không xuất phát từ động cơ là tham, sân, si mà được thúc đẩy bởi trí tuệ, từ bi, hỷ xả, ly tham…

Làm thế nào chúng ta có thể biết rằng một hành động thiện sẽ đưa đến hạnh phúc và hành động bất thiện đưa đến khổ đau? Câu trả lời là phải chờ đợi ở thời gian. Đức Phật cũng từng dạy rằng chừng nào mà một hành động bất thiện chưa đưa đến quả xấu thì người si mê vẫn cho rằng hành động ấy là tốt; nhưng khi quả xấu đã xảy ra thì người ấy mới nhận ra rằng đó là một hành động bất thiện. Cũng vậy, đối với một hành động thiện, chúng ta cần phán xét hành động là thiện hay bất thiện phải dựa trên hậu quả cuối cùng của hành động ấy và rất đơn giản là hành động thiện thì đem lại hạnh phúc cho mình và người, hành động bất thiện thì gây khổ đau cho mình và người trong hiện tại và cả tương lai.

Có ba loại hành động bất thiện của thân, bốn loại của miệng và ba loại của ý. Ba loại hành động bất thiện của thân là: sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Bốn loại hành động bất thiện của miệng là: nói dối, nói hai lưỡi, nói thô ác, nói mị ngữ (chua ngoa, trau chuốt…). Ba loại của ý là: tham, sân, si. Bằng cách tránh né những hành động bất thiện này, chúng ta có thể tránh né các kết quả tai hại của chúng.

Kết quả tất nhiên của các hành động bất thiện là khổ đau, tuy vậy, kết quả ấy cũng rất sai khác. Kết quả nặng nhất của bất thiện nghiệp là tái sinh ở các cõi dữ, cõi thấp như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu sức mạnh của nghiệp không đủ để tái sinh trong các cảnh giới này thì kết quả sẽ là sự bất hạnh dù vẫn được sinh làm người. Bây giờ chúng ta hãy thử tìm hiểu một số nhân quả tương ứng. Chẳng hạn, nếu chúng ta quen hành động bởi động cơ là ác ý hay sân hận, như giết hại sinh mạng các loài khác, chúng ta sẽ bị sinh vào địa ngục và ở đó chúng ta sẽ bị hành hạ, bị giết hại trở lại. Nếu nghiệp sát sinh là không thường xuyên thì kết quả là chúng ta phải chịu chết yểu dù được sinh làm người. Ngoài ra, loại nghiệp này có thể đưa đến kết quả là thân thuộc ly tán, thường hay sợ hãi, khiếp hãi kinh hoàng… Trong trường hợp này, chúng ta có thể thấy rất rõ là kết quả vốn rất giống với nguyên nhân. Sát sinh nghĩa là làm cho loài khác phải sớm mất mạng, xa lìa quyến thuộc… nên nếu chúng ta sát sinh thì chúng ta sẽ nhận chịu những hậu quả tương tự.

Cũng vậy, trộm cắp được thúc đẩy bởi lòng tham lam và kết quả là sẽ tái sinh vào loài ngạ quỷ – nơi đó chúng ta bị tước đoạt những gì mình ưa thích và thậm chí không có nhà cửa trú ngụ và thức ăn sinh sống. Và nếu trộm cắp không đưa đến tái sinh trong loài ngạ quỷ thì nó sẽ đưa đến kết quả nghèo hèn, sống lệ thuộc người khác, bần cùng, đói khát… trong loài người. Và tương tự như vậy đối với các ác nghiệp còn lại.

Như vậy, các bất thiện nghiệp sẽ đưa đến nhiều hình thức khổ đau khác nhau và các thiện nghiệp sẽ đưa đến nhiều kết quả hạnh phúc khác nhau. Chúng ta có thể phân thiện nghiệp theo hai khía cạnh: tiêu cực và tích cực – những người chỉ đơn giản tránh các bất thiện nghiệp và những người không những tránh các bất thiện nghiệp mà còn siêng thực hành các thiện nghiệp như bố thí, trì giới, giúp đỡ người khác, hoan hỷ tán thán công đức của người khác, nghe pháp, giảng pháp, sửa đổi tà kiến cho người khác…

Ở đây, lại một lần nữa, hậu quả của hành động tương ứng với nguyên nhân của chúng. Chẳng hạn, nếu siêng năng bố thí thì sẽ được giàu có; siêng nghe pháp thì sẽ phát triển trí tuệ… Kết quả của hành động có cùng tính chất với hành động – trong trường hợp này, tính chất ấy là thiện hay lợi lạc.

Nghiệp, dù thiện hay bất thiện đều được xác định bởi những điều kiện và hoàn cảnh trong đó chúng được tạo tác. Nói cách khác, sức mạnh của nghiệp còn tùy thuộc vào các yếu tố tạo nên nghiệp. Yếu tố tạo nên nghiệp liên quan đến chủ thể tạo nghiệp và liên quan đến đối tượng do đó mà nghiệp được thực hiện. Ví dụ, trong nghiệp sát, chúng ta có thể tìm thấy có năm yếu tố để nghiệp thành tựu: a) Sinh vật còn sống, b) Có ý thức (có biết) về sự hiện hữu của một sinh vật đang sống, c) Có ý định giết sinh vật ấy, d) Nỗ lực hay thực hiện hành động sát hại ấy, e) Sinh vật ấy chết. Ở đây chúng ta có thể thấy rõ những yếu tố liên quan đến chủ thể hành động: ý thức về sự hiện hữu của một sinh vật; ý định giết và hành động giết và những yếu tố liên quan đến đối tượng của hành động: sự hiện hữu của sinh vật và cái chết của sinh vật ấy.

Tương tự như vậy, có năm yếu tố tạo nên sức mạnh của nghiệp: i) Sự thường xuyên hay lặp đi lặp lại, ii) Cố ý, iii) Không hối hận, iv) Loại đối tượng, v) Sự mang ơn (đối với đối tượng của hành động). Năm yếu tố này cũng được phân chia thành hai loại: liên quan đến chủ thể hành động và liên quan đến đối tượng của hành động. Liên quan đến chủ thể là những hành động thường xuyên hay lặp đi lặp lại; những hành động cố ý và có quyết tâm và những hành động được thực hiện không có hối hận về sau. Nếu chúng ta thực hiện một bất thiện nghiệp lặp đi lặp lại nhiều lần, có quyết tâm và cố tình, không ân hận về sau thì sức mạnh của nghiệp sẽ gia tăng. Liên quan đến đối tượng là loại đối tượng – tức là nếu chúng ta thể hiện một hành động thiện hay bất thiện đối với một vị A la hán hay một Đức Phật thì sức mạnh hay giá trị của nghiệp sẽ gia tăng và ngược lại. Sức mạnh của nghiệp cũng lớn mạnh nếu đối tượng của hành động là những người chúng ta mang ân nặng như cha mẹ, thầy cô và bạn hữu…

Những yếu tố liên quan đến chủ thể và đối tượng của hành động xác định được sức mạnh của nghiệp. Đây là điều quan trọng để giúp chúng ta nhận ra rằng nghiệp không chỉ là vấn đề thiện hay ác, xấu hay tốt. Nghiệp dĩ nhiên là một hành động có tác ý và là trách nhiệm đạo đức nhưng sự hoạt động của nghiệp rất tinh tế và công bằng tạo nên sự phù hợp đúng đắn và tự nhiên giữa nhân và quả.

Kết quả của nghiệp có thể biểu hiện trong một thời gian ngắn hay trong một thời gian dài. Thông thường nghiệp được chia thành ba loại xác định theo lượng thời gian cần thiết để kết quả của nghiệp tự biểu hiện: trong đời này, trong đời sau hay trong nhiều đời sau nữa.

Khi kết quả của nghiệp biểu hiện ngay trong đời này, mỗi chúng ta đều có thể nhận thấy chúng trong một thời gian tương đối ngắn. Ví dụ, nếu một người không chịu học tập, trở nên say sưa nghiện ngập rồi trộm cướp để thoả mãn những thói quen nguy hại của mình thì hậu quả của nghiệp sẽ biểu hiện trong một thời gian rất ngắn: không có công ăn việc làm, bạn hữu xa lánh, sức khỏe suy giảm, bệnh hoạn…

Mặc dù chúng ta không thể nhìn thấy được hậu quả của nghiệp thể hiện trong thời gian dài nhưng Đức Phật và các vị đệ tử của Ngài, nhờ sức mạnh của thiền định, có thể nhận biết được nguyên nhân của nghiệp. Chẳng hạn khi ngài Mục Kiền Liên bị bọn cướp tấn công cho đến chết, Đức Phật đã nhận thấy đó là hậu quả của một nghiệp nhân mà Mục Kiền Liên đã tạo nhiều đời trước – lúc ấy ngài đã đem người cha già vào rừng, đánh chết rồi trở về báo rằng người cha đã bị kẻ cướp đánh chết. Nghiệp nhân này dù đã gieo trong nhiều đời trước nhưng đến cuộc đời này của ngài mới biểu hiện.

Khi tử thần đến, chúng ta phải bỏ lại mọi thứ sau lưng – tài sản và những người thân yêu – tuy nhiên nghiệp lực thì theo ta như bóng theo hình. Đức Phật dạy rằng không có nơi nào dù trên trời hay dưới đất có thể trốn tránh được nghiệp lực.

Ngoài hai loại nghiệp thiện và bất thiện còn có một loại nghiệp trung tính. Loại nghiệp này được thực hiện một cách vô tình, không chú ý, ví dụ như khi đi, đứng, ngủ, thở… Nếu bạn dẫm lên một côn trùng nào đó khi bạn hoàn toàn không ý thức về sự hiện hữu của nó thì loại hành động này được xem là nghiệp trung tính không mang lại nghiệp quả vì yếu tố quan trọng bậc nhất là ý thức đã không có mặt trong hành động ấy.

Sự hiểu rõ về quy luật của nghiệp đem lại lợi ích rất rõ ràng. Sự hiểu biết ấy giúp chúng ta tránh thực hiện các bất thiện nghiệp vì biết chắc chúng sẽ đem lại đau khổ cho mình và người và vì không ai muốn nhận chịu đau khổ. Cũng vậy, chúng ta sẽ nỗ lực hành thiện vì biết chúng sẽ đem lại nhiều hạnh phúc cho mình và người. Đây là lý do chúng ta cần tìm hiểu một vài nét căn bản về nghiệp vậy.

Nguyên Hạnh dịch Theo The Tree of Enlightenment