Tọa thiền thường bị ngủ gục phải làm sao?

1732

HỎI: Mỗi lần ngồi thiền tôi thường bị ngủ gục, hoặc khuya thức dậy sớm để ngồi thiền thì hay bị rơi vào tình trạng dã dượi rồi buồn ngủ dần dần xâm lấn và cuối cùng không chịu nổi đành phải bỏ dở công phu nhiều lần. Biết đây là một chướng ngại nhưng không biết cách nào vượt qua. Xin mách bảo cho phương pháp nào hữu hiệu để tôi có thể thực hành thiền tiến triển hơn?

TRẢ LỜI: Dã dượi và buồn ngủ là hai thứ chướng ngại không nhỏ trong công phu tu tập. Hai thứ tạp khí này là hai dây trói buộc, hai tâm sở khác nhau nhưng chỉ kể là một chướng ngại vì chúng có cùng công năng, cùng nguyên nhân và cùng sự đối kháng. Cùng nguyên nhân là thiếu sự tự duy sáng suốt và có thái độ đúng đắn đối với sự tinh tấn bởi phát sinh tình trạng chán nản, lười biếng, uể oải và trì trệ trong tâm. Cùng công năng là lười biếng và cùng sự đối kháng là tinh tấn. Tinh tấn là năng lực chính để hóa giải sự dã dượi và buồn ngủ. Cho nên khi bạn buồn ngủ thì hãy làm 2 việc. Trước tiên bạn phải ghi nhận sự buồn ngủ của mình: buồn ngủ, buồn ngủ, buồn ngủ. Kế đến đẩy mạnh tinh tấn hay chú tâm vào đề mục hành thiền. Loại chướng ngại này không dễ dàng trừ khử, chỉ khi nào bạn chứng được quả vị A La Hán, đoạn trừ ngã chấp triệt để thì mới chấm dứt hoàn toàn cơn dã dượi buồn ngủ. Thầy A Na Luật là nhân vật được biết đến cũng vì thứ bệnh ngủ gục. Không phải khi tĩnh tọa một mình Thầy mới ngủ, ngay khi giữa pháp hội do đức Phật chủ thuyết mà Thầy vẫn ngủ tỉnh bơ khiến nhiều vị khác khó chịu và chê trách. Sau nhờ lời quở trách nghiêm khắc của đức Phật đã khợi gợi niềm hổ thẹn trong Thầy, giúp Thầy phát huy nguồn định lực vô biên, thệ nguyện tinh tấn không bao giờ ngủ thêm phút giây nào và cho đến một ngày kia hai con mắt không còn nhìn thấy được nữa. Cuối cùng cũng diệt sạch lậu nghiệp, chứng được Thiên Nhãn vào hàng bậc nhất trong Thánh Chúng.

Có 7 cách để tạm thời loại trừ cơn dã dượi buồn ngủ mà chúng tôi kinh nghiệm được:

1-NHÌN THẤY NGUYÊN NHÂN CỦA DÃ DƯỢI BUỒN NGỦ LÀ DO ĂN QUÁ NO- Khi bao tử đầy thức ăn thì nó sẽ cần nhiều máu hơn nên lượng máu đưa lên não phải bị hạn chế, nguyên nhân này dẫn đến choáng váng và buồn ngủ. Biết được điều này bạn sẽ có tiết độ trong sự ăn uống. Bạn nên sắp xếp thời khóa ngồi thiền cách xa buổi ăn, tốt nhất là sáng sớm khi thức dậy hoặc chiều mát.

2- THAY ĐỔI TƯ THẾ-  Đang lúc ngồi thiền nếu cơn buồn ngủ hoành hành dữ dội thì bạn có thể xả thiền rồi đổi sang thiền hành. Bạn có thể đi tới lui trong căn phòng nhỏ của mình mà không nhứt thiết phải tìm khoảng đất trống. Nhưng điều này sẽ khó nếu như bạn ngồi thiền chung với tập thể. Vậy thì bạn có thể xả thiền ra, xoa bốp nhẹ các cơ dưới chân, lồng bàn chân, xoay cổ, vuốt mặt khoảng 20- 30 lần, sau đó bạn tiếp tục tư thế ngồi cũ.

3- SUY NGHĨ ĐẾN ÁNH SÁNG HOẶC NGUỒN TIN- Bạn hãy nhắm mắt lại và cố gắng để thấy ánh sáng trong tâm bạn lan tỏa khắp châu thân. Hoặc ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú lấp lánh hay của ánh sáng đèn điện cũng có thể giúp bạn thoát khỏi cơn buồn ngủ nếu bạn để tâm nghĩ tới. Ngoài ra, bạn có thể suy nghĩ đến những nguồn tin vững chãi mà bạn đang có: pháp môn đang thực hành, một vị Thầy sáng suốt và đức hạnh, một hướng tương lai rõ rệt…. chỉ cần vài phút tư duy thì bạn sẽ lấy lại sự phấn chấn và tỉnh táo.

4- Ở NƠI KHOÁNG ĐÃNG- Bạn có thể đứng dậy lấy nước lạnh rửa mặt rồi đi ra ngoài ngồi dưới một gốc cây hay một nơi náo đó thoáng mát. Bạn có thể ngắm hoa lá hay ngước lên trời nhìn trăng sao thì mắt bạn sẽ hết cay và cơn buồn ngủ biến mất.

5- THÂN CẬN BẠN TINH TẤN- Thân cận với một người bạn tinh tấn, không thích ngủ nhiều hay không hề ngủ gục là một lợi thế giúp bạn không để tâm giãi đãi, lười mỏi.

6- NÓI LỜI THÍCH HỢP- Nói lời thích hợp để nhận ra được sự thiệt hại của buồn ngủ và những lợi ích do sự tỉnh táo đem lại. Ví dụ như : “ Minh Huy, mày đang làm gì đó, ngủ hả? Không được rồi, như vậy là dở nữa rồi, chắc mãi làm kiếp sò hến quá”. Hoặc là: “ Dã dượïi buồn ngủ có mặt trong tôi, nó sẽ làm tôi ngu độn mất thôi”…

7- THỞ VÀ MỈM CƯỜI- Bạn nên chú ý thở vào thật sâu và thở ra thật chậm bằng mũi. Trong lúc thở bạn nên kết hợp với cười mỉm. Nhớ là chỉ cần cười mỉm thôi vì khi thở hai hàm răng của bạn đã khép kín vì vậy mà không nên cười lớn. Cười mỉm trong chánh niệm là một phép thực tập Zoga miệng, làm giản cho các cơ đang căng thẳng trên mặt, giúp bạn cảm giác khinh an và tỉnh táo trở về với mình. Lúc thở bạn nên chọn đề mục: “ Tỉnh táo là bạn, buồn ngủ là thù”.

Bạn đừng nản lòng, vì ngay cả Vị Trưởng đệ tử Phật, Đại Đức Mục Kiền Liên, trước khi đắc quả A La Hán vẫn thường bị ngủ gục trong khi hành thiền. Đức Phật biết được điều này nên chỉ cách cho Đại Đức chinh phục cơn dã dượi buồn ngủ. Những lời dạy này được ghi trong Tăng Chi Bộ Kinh ( Angutara Nikàya):

-“ Này Mục Kiền Liên! Khi Thầy nghĩ đến điều gì khiến gây ra sự buồn ngủ thì Thầy hãy tránh những tư tưởng đó, đừng để tâm đến chúng. Nếu vẫn chưa hết buồn ngủ thì Thầy phải tư duy sâu xa đến những điều mà Thầy đã từng nghe và từng học, phát triển đức tánh tìm tòi. Còn không, Thầy phải đọc tụng từng lời dạy hay những giáo lý mà Thầy tâm đắc thật rõ ràng. Hoặc Thầy dùng cách thứ tư là “ kéo tai” và “ chà sát tay chân” để tỉnh táo trở lại. Không được nữa thì Thầy chú tâm vào ánh sáng, tạo trong tâm một ý niệm về ánh sáng ban ngày. Như vậy vẫn chưa đuổi được cơn buồn ngủ thì Thầy phải dùng cách thứ bảy là đi tới đi lui kinh hành với tâm hướng vào bên trong không hướng ra ngoài”.

Còn phương pháp giúp bạn thức dậy đúng giờ và không bị cơn buồn ngủ chế ngự là bạn nên nằm ngủ theo thế sư tử nằm, nghiêng về bên phải, hai chân gác chồng lên nhau, như vậy sẽ ít mộng mị và giúp bạn ngủ thẳng giấc. Trước khi ngủ, bạn nên làm một quyết định: “ Ta sẽ thức dậy vào sáng sớm để ngồi thiền”. Hành ấm của bạn sẽ giữ trong tâm tư tưởng thức dậy và sẽ khơi gợi ý thức hoạt động mạnh mẽ trở lại, không tiếp tục ngủ nữa. Hoặc khi nghe chuông báo thức, bạn hãy tự nhủ: “ Ta không được nằm ráng thêm hay để tư tưởng mê ngủ lôi cuốn ta”.