Đêm viếng Lương Vũ Đế

680

Trời đông năm 548 TL, là một ngày đông đích đáng. Nước Nam cũng thấy muôn dặm tuyết bay, dòng Trường Giang trôi qua thành Kiến Khang kinh đô nhà Lương, dường như đông cứng. Loạn binh do phản tướng phản phúc vô chừng Hầu Cảnh thống suất, đang ở ngay thành đô mà y từng quy thuận này, tiến hành cuộc vây quét đẫm máu cuối cùng. Tại Đài Thành (tương đương Tử Cấm Thành), cứ điểm cuối cùng của quân Lương, Lương Vũ Đế – vị chúa oai hùng ngày xưa từng thống trị Nam Trung Quốc đã nửa thế kỷ, một mình cô độc ngồi dưới thềm điện hoàng hôn, lặng lẽ chăm chú nhìn Hành Phương đang từ xa tiến đến gần.

Hành Phương vòng tay vái chào:

– Bệ hạ! Xin lượng thứ sự mạo muội của thần, thần thái của Ngài lúc này khiến người nhớ đến câu:

Tịch điện đom đóm bay lặng

như tờ

Đèn côi khêu hết giấc ngủ

chưa thành.

(Tịch điện huỳnh phi tư tiễu nhiên

Cô đăng thiêu tận vị thành miên.)

– Đương nhiên, không có thì giờ nào thích hợp hơn giờ khắc này để nhìn lại và phản tỉnh một đời của mình – Lương Vũ Đế bình tĩnh dị thường nói.

(Ngoài cung thành, tiếng trống dồn và tiếng giết truyền đến dồn dập).

– Nhưng ánh mắt của Ngài lại lộ vẻ Ngài đang “làm như có nhớ nhung quyến luyến”. Ngài rốt cuộc mong đợi cái gì? Có thể cho thần hay được không?

Lương Vũ Đế nhìn Hành Phương, im lặng không nói, cuối cùng mở miệng:

– Chàng trẻ tuổi! Lịch sử Trung Quốc, từ quá khứ hiện tại và tương lai có các loại các kiểu đế vương: có người buông thả làm nô lệ cho thinh sắc; có người cố gắng mưu đồ thành tựu nghiệp bá; có người siêng việc triều chính, khéo việc giữ thành; lại có người mê tín đạo thuật thần tiên, chìm đắm vô độ. Các thứ mô hình đều có bao nhiêu tên dẫn chứng, nhiều cách phân tích có thể cung cấp cho người sau tường tận rõ ràng hơn. Nhưng, chỉ riêng mình ta ngoại lệ. Ta không thuộc bất cứ mô hình nào kể trên, ta không có bất cứ một cái chứng cớ phụ nào có thể tham chiếu so sánh, ta chỉ thuộc một mô hình riêng của chính ta, trước không cổ nhân, sau không người đến. Ta sẽ ở trong dòng thời gian trôi mãi trăm kiếp ngàn đời không người hiểu được, hoặc giả đau đớn nhất là sẽ bị lý giải phiến diện một cách triệt để…

– Thần nghĩ, Ngài muốn chỉ chính mình thuộc “Hoàng đế Phật giáo” chứ gì? – Hành Phương nói.

– Không! Chàng trẻ tuổi, đây chính là nguyên do ta kiên trì chờ đợi ngươi đến, nhất định trịnh trọng nói với ngươi. Ngươi sẽ hội ngộ bao nhiêu đế vương có thân phận là Phật giáo đồ, nhưng đế vương văn hóa Phật giáo, Trung Quốc chỉ có một người là Vũ Đế Tiêu Diễn mà thôi!

Hành Phương ngước nhìn Lương Vũ Đế, định đòi ông nói thêm một lần câu: “Đế vương văn hóa Phật giáo…”

– Đúng thế! Sự quang vinh và mộng tưởng một đời này của ta, sự nhục vinh khen chê sau ngàn thu muôn tuổi, hoàn toàn hệ thuộc sáu chữ này, nhất là trên hai chữ “văn hóa”.

Hành Phương vừa nghe xong, không nín cười được:

– Văn hóa? Hai chữ này ở chỗ của thần có thể nói là bày đầy chợ…

Lương Vũ Đế cười nhẹ:

– Chàng trẻ tuổi, để ta nói cho ngươi hay, ta với các ngươi khác biệt: Các ngươi đang nhúng dấm “văn hóa” mà ăn, còn ta chế tạo một loại văn hóa chân chính.

– Sáng tạo văn hóa?

Lương Vũ Đế phát hiện Hành Phương hoàn toàn không hiểu nổi ý của lời mình một cách đúng đắn, không khỏi có chút cảm thán. Ông thấp giọng lẩm bẩm:

– Ta biết, ta chủ định sẽ làm một người ngu, một tên điên, thậm chí một tên dối trá, bị ghi vào sử sách, tạo ra một hài kịch náo nhiệt. Trên lịch sử đường đường hoàng hoàng, nhất định sẽ viết thế này: Lương Vũ Đế tại vị hơn bốn mươi năm, xả thân vào chùa làm nô dịch Phật bốn lần, đến nỗi khiến mỗi lần quần thần phải bỏ tiền chuộc cả ức vạn, lại sửa sang chùa lớn hào hoa tráng lệ vô số, lập Vô già đại hội hơn mười lần… Nhân đây vua mà không ra vua, nước không ra nước, rất là mê muội hoang đản, không xấu hổ.

– Chẳng lẽ điều này có giá trị gì mà khoe khoang? Đây là sáng tạo văn hóa sao? – Hành Phương hỏi.

Lương Vũ Đế nghe nói đột nhiên nổi giận:

– Chàng trẻ tuổi, không được ở đây nói lời hư vọng! Tiêu Diễn là nhân vật thế nào, há lại cho phép kẻ giả nhân giả nghĩa tầm thường đời sau bôi xóa sửa đổi! Những tên giả đạo đức tầm thường đời sau vô số người chửi ta, cười ta, khinh bỉ ta. Công danh tài tình, vinh hoa phú quý, nô lệ thanh sắc, phong lưu hào phóng mà họ ngày đêm mơ tưởng trọn một đời, mười phần không được một hai, thậm chí hoàn toàn chưa hề nếm qua; mà ta ngay lúc trẻ trung đã nếm no nê mọi thứ, chưa đến bốn mươi tuổi đã lên ngôi trị vì thiên hạ, trị nước gần năm mươi năm mà thần dân vui mừng tuân phục, có gì ngu đần dốt nát?

Hành Phương tranh biện:

– Đây với Phật giáo có can hệ gì?

Lương Vũ Đế đổi giận làm vui:

– Muốn khiến nhập vào trí Phật, trước lấy dục câu dắt, chỉ có ta từng trải và tài tình như thế, mới chân chính làm được “buông dao đồ tể, ngay đó thành Phật”.

(Lúc này, dưới cung thành, tiếng chém giết lại nổi lên).

Lương Vũ Đế sầm nét mặt, tâm tình dần dần khôi phục bình tĩnh:

– Hai chữ thành Phật, đừng bao giờ vọng tưởng. Phật là giác ngộ, ta chẳng qua là sau khi giác ngộ, quả quyết buông bỏ hẳn nửa đời trước tung hoành mở đóng, quyền trá cơ biến, bắt đầu nửa đời sau sáng tạo mô thức thao tác văn hóa Phật giáo.

Hành Phương:

– Mô thức?

Lương Vũ Đế:

– Đúng! Thời trước ta, Phật giáo truyền vào Trung Quốc gần năm trăm năm, thành tích to lớn rất nhiều, nhưng rốt cuộc đã thiếu sự liên kết mật thiết với văn hóa cố hữu của Trung Quốc, và có thể độc lập thao tác mô thức văn hóa Phật giáo được Trung Quốc hóa.

Hành Phương:

– Thế rồi, Ngài bắt đầu sáng tạo?

Lương Vũ Đế lấp loáng ánh mắt, thần sắc dường như biểu lộ tình cảm của năm tháng tài hoa ngày trước:

– Từ khi mở đầu, ta bèn ý thức rằng ta đã khiêu chiến và mạo phạm nghiêm trọng đối với lịch sử. Thân làm một vị Quốc chủ, tợ hồ không lưu tâm đến chứng tích chính trị an dân, thậm chí ngay cả việc hưởng thụ ngũ dục bình thường ta cũng bỏ hết không đoái hoài, mà dốc lòng vào việc mà hoàn toàn cùng thế vụ chẳng tương quan. Nhiều lần tự lên pháp tòa giảng kinh Phật, thường thường hạ chiếu chỉnh đốn giới luật Tăng già, lập hội Vu lan bồn, Vô già đại hội, chế định nhạc Phật, cấm đoán rượu thịt, xác lập một hệ thống về chế độ Phật giáo mà người Trung Quốc nên có… Như thế vừa đưa ra, ta đã biết rõ ta sẽ bị hạng đồ Nho đời sau chẳng dung. Vì ở chỗ bọn họ nhìn đến thì nghiệp lớn tu tề trị bình cùng với việc lớn giải thoát sanh tử như nước lửa chẳng dung nhau. Nên làm một đế vương văn hóa Phật giáo, ta sẽ để lại danh xấu là kẻ điên rồ, ngu ngốc mà di xú vạn niên! Nội tâm ta đầy dẫy sợ hãi và thống khổ, đối với văn hóa Phật giáo Trung Quốc lập được càng nhiều, càng gần tuổi già, cái nghi sợ này cũng càng sâu nặng, do đó ta chọn sự xuất gia, cũng chính là ly khai ngôi báu, xả thân vào chùa chiền, chạy về con đường giải thoát vĩnh cửu mà ta để tâm duy nhất…

Hành Phương lặng lẽ nhìn Lương Vũ Đế, đáy lòng buồn rầu dâng lên một luồng cảm động:

– Bất kể thế nào, mô thức văn hóa Phật giáo do Ngài sáng tạo đã phong phú và viên mãn như thế, Ngài là người thành công.

(Ngoài cung thành, tiếng trống trận và tiếng hô giết càng lúc càng cấp bách…).

Lương Vũ Đế ngưng thần lắng nghe, sau đó cười nhạt nói:

– Chàng trẻ tuổi, ngươi lầm rồi! Ta đương nhiên thành công, nhưng thời khắc ta giao đứt giá trị một đời này cũng đến rồi!

Hành Phương:

– Giá trị?

Lương Vũ Đế tâm tình bình tĩnh như trước, ông ta nói:

– Ta lập văn hóa Phật giáo, chưa từng gây họa cho con dân của ta, năm mươi năm qua giang sơn an bình, quốc thái dân an, tức đã chứng minh. Hôm nay cái giá trị dùng để giao đền, chẳng qua chỉ là địa vị của ta, tánh mạng của ta thôi!

Hành Phương giật mình kinh hãi:

– Chẳng lẽ Ngài không có cách nào để đối phó với Hầu Cảnh ư?

Lương Vũ Đế nghe nói cười ha hả:

– Tên giặc nhỏ mọn, đâu đủ để lo! Ta ở đời đã 85 xuân thu, công nghiệp văn võ chẳng qua như khói mây, ngôi vua nghiệp bá sớm thành phẩn đất, cái hồn vướng mộng víu, chẳng qua để trợ giúp cho việc lớn giải thoát sanh tử của người Trung Quốc ngàn thu muôn đời. Công lớn ngày nay đã xong, chẳng về còn đợi chờ gì nữa!

Hành Phương cấp thiết nói:

– Thần vừa đi qua thành phố Kiến Khang bị tàn phá, thấy nhiều dân chúng cột diều một cách tự phát, chuẩn bị sớm ngày mai thả bay ra thành, tập hợp viện binh…

Lương Vũ Đế ngăn Hành Phương lại:

– Chàng trẻ tuổi, thế của ngày nay, ta nếu vãng sanh sớm một khắc, chúng sanh liền giải thoát sớm một khắc, việc thả diều, đừng nên nêu lên nữa. Ngược lại (chỉ về hướng Đông Bắc), ta phái sứ thần, cùng đi với học tăng Tân La là Giác Đức, hộ tống xá-lợi đến Tân La, tính đến ngày nay có lẽ cũng đến nơi rồi!

Lương Vũ Đế ngừng lại một chút, đứng lên sửa áo mão ngay ngắn:

– Người trẻ tuổi! Ta có một việc dặn dò ngươi cuối cùng: Vị lai, quan sửa chữa sử ắt sẽ nói ta bị giặc vây khốn, “tức mà chết” cũng xong, “chết đói” cũng xong! Đều chẳng ngại gì, chỉ cần có mấy chữ: “Một khắc cuối cùng không bỏ trai giới”, xin chuyển đến sử gia, là ta mãn nguyện rồi – Mong mau về đi, chàng tuổi trẻ! Quay đầu là bờ, chớ lầm đường về.

Hành Phương nửa đêm tỉnh giấc, chẳng biết đêm nay là đêm gì, chỉ thấy ngoài cửa sổ, ngọn đèn tàn lụi, tuyết rơi khắp kinh thành lặng lẽ không một tiếng…

 Hạnh Huệ  trích dịch (Tạp chí Phổ Môn số 245)