Cách đọc tụng,trì kinh như thế nào?

2374

HỎI: Tụng kinh không dùng mõ vì làm phiền toái người chung quanh. Có thể đọc kinh ở chỗ bàn làm việc, đọc không ra tiếng  và trì kinh như thế nào?

TRẢ LỜI: Đức Phật luôn khuyên hàng đệ tử khi bắt đầu thực tập bất kỳ một phương pháp tu tập nào cũng cần phải hiểu biết sâu sắc về giá trị của nó, không nên bắt chước theo thói quen tập thể, theo truyền thống, theo lời phao đồn một cách vô cảm thì không những không có lợi ích mà còn phản tác dụng nữa. Như việc dùng  mõ và tụng kinh cũng rất cần sự hiểu biết. Nếu hiểu biết thì mình sẽ không bao giờ dùng chuông mõ hay tụng kinh một cách tùy tiện vô bổ. Mõ được chế ra sau thời Phật rất xa, ở bên Trung Quốc, mục đích để giữ trường canh nhịp nhàng khi có đông người cùng tụng. Tụng kinh một mình, thậm chí hai hoặc ba người mà đã quen rồi, đã nhuần nhuyễn ăn rập với nhau rồi thì không cần mõ nữa. Không lẽ tụng kinh không có mõ gõ thì mình không nhiếp tâm được hoặc Phật Tổ quở trách hay sao? Chúng tôi thấy có nhiều vị sử dụng mõ thô bạo như cầm búa cầm đao, không phải là gõ là nhịp nữa mà là đánh là đập. Thỉnh chuông cũng vậy. Nếu mình không có chánh nhiệm, thỉnh một tiếng làm người ta giật mình thảng thốt đau nhói tim, lùng bùng hai lỗ tai thì làm sao hoan hỷ nhất tâm cho được.  Có nhiều chùa ở ngay thành phố mà chuông mõ rền vang ngày đêm sáu thời thì làm sao người ta đi làm việc xa về chịu nổi. Sự thiếu hiểu biết đó chỉ làm cho người xung quanh sân hận hoặc bực bội rồi buông lời thất kính với Tăng bảo. Cư sĩ cũng vậy. Mình nên thực tập tụng kinh không cần mõ để khỏi tránh dị ứng cho người không tín tâm. Tụng kinh được phân biệt khác với đọc kinh. Tại vì tụng kinh là mình phải thuộc lòng kinh đó và tụng thành tiếng, trong khi đọc kinh chỉ cần dùng mắt và bản kinh đó mình không cần phải thuộc. Cho nên đối với những bản kinh quá dài thì mình chỉ có đọc chứ không thể nói là tụng. Trì kinh thì khác nữa. Chúng ta không chỉ nằm lòng văn kinh mà phải chuyên tụng niệm thường xuyên và thực hành theo tôn chỉ của tinh thần bộ kinh đó, không trì thêm kinh gì khác. Trì là nắm giữ, có thể dùng hình tượng cầm một trái lê trên tay thật chặt và vững chứ không nên cầm thêm trái quít hay trái táo thì nó sẽ vô nghiệm. Song, cũng cần nên hiểu thêm kinh là lời Phật dạy, mình phải đọc hiểu và thực hành theo lời Phật dạy thì đó mới là chủ đích của kinh tạng lưu truyền, chứ không phải mình tụng kinh cho có công đức, cho được Phật gia bị, cho có thời khóa bài bản để khỏi sợ thiếu nợ ăn cơm của đàn na mà không tròn bổn phận. Tụng kinh bằng ý niệm như vậy là cạn cợt, sai ý của chư Phật, chư Tổ. Cho nên cũng là công việc tụng kinh nhưng có hiểu biết sâu sắc thì mình sẽ có được một công phu không nhỏ.

Nếu phương pháp đọc kinh đối với cô được nhiều lợi lạc và yên ổn thì nên cố gắng duy trì. Cô có thể chọn nơi sạch sẽ và yên tĩnh không gây phiền cho ai là được, như chỗ bàn làm việc của cô. Đọc kinh thầm bằng mắt là cách tốt nhất khi mình còn sinh hoạt chung với nhiều người. Chúc được nhiều tiến bộ trong phép thực tập này.