Xin giải thích ” Giới vực tỉnh giác” trong thiền Minh sát tuệ?.

1117

HỎI:Thiền minh sát, thấy có nói đến “Giới vực tỉnh giác”, vậy xin giải thích thật rõ ràng để  nương theo đó thực hành.

TRẢ LỜI: “Tỉnh giác” là mình đang có mặt ở đây và nhận biết rõ ràng mình đang làm gì ngay bây giờ. Có nghĩa là quán sát, ghi nhận đối tượng với sự chú tâm tinh tế, tỉ mỉ, nhìn thấy chính xác, thấy trọn vẹn, thấy trong sự quân bình của ngũ căn. Yếu tố quân bình của ngũ căn rất quan trọng, vì ngũ căn có quân bình thì trí tuệ mới phát triển. “Giới vực” là phạm vi qui định bảo đảm cho sự tỉnh giác, đó thường là những nơi thanh vắng không bị ngoại cảnh gây xáo trộn trong lúc hành thiền, hoặc những nơi bắt buộc hành giả không thể vắng mặt hoàn toàn mà bảo đảm không quá ảnh hưởng đến việc hành thiền như vào làng khất thực chẳng hạn. Bởi vậy Đức Phật thường nhắc nhở các thầy Tỳ kheo hãy sống trong lãnh vực của mình. Lãnh vực hay giới vực của các thầy Tỳ kheo là Tứ niệm xứ. Cho nên có thể định nghĩa một cách đơn giản giới vực tỉnh giác chính là hành thiền, bất kỳ đi tới hay đi lui, nhìn trước hay nhìn sau, thiền sinh đều phải chánh niệm tỉnh giác. Phần giới vực tỉnh giác và cách thực hành loại tỉnh giác này, trong vài chú giải có đề cập đến bốn loại Tỳ kheo:

1) Thầy Tỳ kheo mang thiền vào làng nhưng không mang thiền trở về chùa.

Thầy Tỳ kheo này có thể hành thiền suốt ngày, hết đi lại ngồi không ngưng nghỉ. Thầy cũng hành thiền ban đêm suốt hai canh. Đêm chia làm ba canh, mỗi canh bốn giờ. Canh đầu từ sáu giờ chiều đến mười giờ đêm. Canh hai từ mười giờ đêm đến hai giờ sáng. Canh ba từ hai giờ sáng đến sáu giờ sáng. Canh đầu và canh cuối thầy Tỳ kheo hành thiền, canh giữa thầy Tỳ kheo nghỉ ngơi. Như vậy thầy chỉ ngủ bốn tiếng trong một đêm. Thức dậy thật sớm vào buổi sáng, thầy Tỳ kheo làm những gì cần làm cho chùa mình, đó là quét dọn chỗ cư trú, dọn sạch sẽ cốc liêu, múc nước… Thầy làm việc trong chánh niệm. Sau đó thầy ngồi thiền một thời gian ngắn rồi ôm bát vào làng khất thực. Thầy đi trong chánh niệm. Thầy mang thiền vào làng có nghĩa là thầy thực hành chánh niệm trong khi đi: đi, đi, đi hay bước, bước, bước hay đạp, đạp, đạp hay trái phải, trái phải, trái phải. Khi vào đến làng, có thể ăn tại đó hay mang thức ăn trong bát về chùa. Trên đường về chùa có thể gặp một vài thầy Tỳ kheo trẻ hay Sa di và những vị này hỏi thầy về thí chủ dâng thực phẩm: ‘Thí chủ có bà con với thầy không? Đi đến đó bao xa?… “. Thầy Tỳ kheo đó phải nói chuyện với họ. Thầy nói rất nhiều về người dâng thực phẩm cho thầy. Vì nói chuyện quá nhiều nên thầy bị phân tâm, không chánh niệm nên thầy không thể mang thiền trở về chùa.

2) Thầy Tỳ kheo không mang thiền vào làng nhưng mang thiền trở về chùa.

Thầy Tỳ kheo này cũng hành thiền suốt ngày và trọn hai canh. Sáng thầy cũng thức dậy thật sớm, sau khi làm những việc cần làm, thầy ngồi thiền một lát rồi vào làng khất thực. Trong buổi sáng, bụng thầy trống rỗng vì có sự tiêu hóa tốt nên dạ dày cảm thấy cần được nạp thêm năng lượng. Thầy thấy dường như có sức nóng hay một chất gì đó đang đốt bao tử mình nên bụng cồn cào không thể hành thiền, không giữ tâm trên đề mục được. Có thể thầy bị toát mồ hôi hay bị xây xẩm. Thầy bỏ hành thiền và đi vội vào làng. Sau khi nhận được thức ăn và tìm một phước xá để thọ thực, thầy cảm thấy rất dễ chịu, tâm không còn bị chi phối vào cái bao tử đáng ghét đó nữa và hành thiền một cách dễ dàng. Thầy Tỳ kheo này tự nghĩ từ sáng tới giờ mình bị thất bại hành thiền chỉ vì chút đòi hỏi của cơ thể nên quyết chí mang thiền trở về chùa.

3) Thầy Tỳ kheo không mang thiền vào làng cũng không mang thiền trở về chùa.

 Là những Tỳ kheo phóng dật, thiếu chánh niệm, không muốn cũng như không hứng thú trong việc hành thiền. Thầy Tỳ kheo loại này chẳng biết thiền là gì, việc hành thiền có vẻ xa lạ với thầy. Thầy chỉ ăn, nói chuyện, sống lẫn lộn với người đời. Cho nên khi vào làng không những không hành thiền, thiếu chánh niệm mà còn có thể làm nhơ hạnh ở nhà người, gây tổn thương niềm tin của thí chủ. Và như thế khi trở về chùa, thầy cũng trong thất niệm, nói toàn là chuyện thế tục, giễu cợt hay phê bình tốt xấu.

4) Thầy Tỳ kheo mang thiền vào làng và mang thiền trở về chùa.

Đây là thầy Tỳ kheo xuất sắc và tuyệt hảo hơn cả. Thầy nhận thấy rõ rệt lợi ích của việc hành thiền và đào luyện tâm có đủ khả năng để hành thiền vững chãi. Thầy cũng thức dậy thật sớm và chấp tác trong chánh niệm như những thầy Tỳ kheo khác. Sau đó thầy ngồi thiền một lúc để tư duy sâu sắc đến ơn của đàn na thí chủ và công hạnh của mình đã đủ hay thiếu mà nhận của cúng dường. Thầy còn quán chiếu về thức ăn chỉ là một loại thuốc nuôi cho cơ thể không bị gầy héo để làm phương tiện cần thiết cho quá trình tiến tới giác ngộ, vì thế quyết không tham đắm phân biệt tốt xấu. Thầy mang thiền vào làng nghĩa là thầy thực hành chánh niệm trong khi đi. Và như thế thầy cũng nhận thức ăn và mang về chùa không để cho thất niệm.

Thời gian sau Phật Niết bàn, các thầy Tỳ kheo đã thực hành giới vực tỉnh giác này rất tinh chuyên và rất nhiều vị đã chứng nhập Thánh vị. Trong khi đi, nếu phiền não đến thì các thầy cố gắng loại trừ phiền não ngay trong lúc đi mà không để chúng nhảy vào các tư thế khác. Các Thầy đã thực hành một loại qui tắc đặc biệt là trong khi đi nếu thầy Tỳ kheo nào nhận ra một tư tưởng bất thiện trong tâm mà không thành công trong việc loại bỏ nó thì đứng lại ngay. Khi thầy đứng lại thì các thầy Tỳ kheo đi sau cũng đứng lại. Điều này rất có lợi vì như thế thầy đó sẽ tự nhủ: “Những thầy Tỳ kheo khác biết rằng ta đang có phiền não tồn tại trong tâm. Ta phải cố gắng loại bỏ ngay”. Và bằng mọi cố gắng, thầy ấy sẽ nuôi dưỡng chánh niệm trở lại để việc đứng đó hoàn toàn có giá trị. Và nếu như đứng quá lâu mà vẫn không thành công thì thầy Tỳ kheo đó sẽ tìm một chỗ thích hợp gần đó và ngồi xuống để tiếp tục loại bỏ vọng tưởng. Các thầy Tỳ kheo kia cũng ngồi theo để yểm trợ cho đến khi thành công trong việc loại trừ phiền não thì mới cùng thầy Tỳ kheo đó tiếp tục cất bước.

Có một thầy Tỳ kheo tên là Phussadeva thực hành qui tắc mang thiền đến và đi tinh tấn rồng rã suốt mười chín năm. Trong khi đang đi vào làng hay trở về chùa mà thầy có một hành động gì không chánh niệm thì thầy đi trở lại chỗ mình thất niệm và làm lại từ đầu. Dân làng làm việc ngoài đồng thấy thầy như vậy tưởng thầy đi lạc đường hay đánh rơi vật gì nên phải trở lại để tìm. Thế nhưng thầy chẳng hề chú ý đến họ. Vào năm thứ hai mươi thầy đắc quả A la hán, thành tựu này nhờ công phu hành thiền liên tục không lơi lỏng.

Một vị trưởng lão tên là Mahà Nàgathera thường lấy theo gương tinh tấn của Đức Phật mà phấn đấu vượt qua những khó khăn của tuổi già, hành thiền không phút giây phóng dật. Thầy cũng thực hiện giới vực tỉnh giác, mang thiền vào làng rồi mang thiền về chùa trong bảy năm. Bảy năm mà vẫn chưa thấy tín hiệu nào có thể chứng quả, thầy vẫn không nản lòng, tiếp tục theo qui tắc này thêm mười sáu năm nữa. Cuối năm thứ hai mươi ba kể từ khi hành thiền, thầy chứng quả A la hán. Để đạt thành quả này, thầy đã tự qui định cho mình một phép tắc nghiêm mật là khi vào làng khất thực, thầy sẽ ngậm một ngụm nước trong miệng để khỏi nói. Thầy cũng gặp không ít khó khăn vì khi thiện tín đảnh lễ theo nghi lễ thì phải đáp lại bằng một câu chúc phúc hay điều kiết tường. Những trường hợp bất đắc dĩ như vậy thầy phải nuốt ngụm nước và đành để trượt đề mục hành thiền. Cho nên hễ từ xa thấy có bóng người là thầy cố tình lánh qua con đường khác và cũng vì thế mà ít khi nào bát thầy được sớt đầy đủ cũng như về chùa luôn luôn trễ hơn các thầy khác. Nhờ kiên trì như vậy mà thầy dễ dàng vượt qua nhiều vị thực hành thiền và mau chóng chứng quả.

Một thời khác, có một thầy Tỳ kheo tên là Mahà Sàngdathe cũng thực hành mang thiền vào làng và về chùa. Một ngày nọ, trong khi đang ở chùa thì có một vài thầy Tỳ kheo khác đến gặp thầy hỏi vài câu hỏi cần thiết. Trong khi tiếp chuyện thầy làm một động tác không chánh niệm, có lẽ di chuyển thân thể, duỗi tay hay khom mình. Trong khi đang làm như thế, thầy chợt chánh niệm trở lại bèn ngưng hẳn động tác, đưa tay về vị trí cũ và di chuyển từ từ trở lại. Các thầy Tỳ kheo khác thắc mắc tại sao thầy làm như vậy, thầy trả lời: “Từ lúc tôi bắt đầu hành thiền, tôi chẳng bao giờ làm động tác gì mà không chánh niệm. Hôm nay, trong lúc nói chuyện với quí thầy, tôi đã làm một động tác không chánh niệm, bởi vậy tôi đưa tay về vị trí cũ và làm lại từ đầu để duy trì việc hành thiền của tôi”. Các thầy Tỳ kheo nghe thế rất lấy làm hoan hỉ nói: “Lành thay! Thầy Tỳ kheo thật sự hành thiền cần phải làm như thầy thì mới mau diệt tận phiền não”. Quả thực, chẳng bao lâu Thầy Tỳ kheo này chứng quả A la hán.

“Mang thiền vào làng và mang thiền về chùa” là thời gian khó nhất đối với các thầy Tỳ kheo muốn giữ việc hành thiền của mình tốt đẹp. Khi thầy Tỳ kheo ở trong chùa hay ở trong thiền viện thì không có nhiều chuyện làm thầy phải phân tâm nên rất dễ duy trì việc hành thiền. Khi thầy đi vào làng để khất thực thì thầy phải đi bộ, và trong khi đi bộ thì thầy phải thận trọng coi chừng đường đi, thú vật, xe cộ… nên rất khó giữ tâm chánh niệm. Nhưng ngay cả những lúc khó khăn nhất, thầy Tỳ kheo cũng phải duy trì việc hành thiền. Cho nên người hành thiền chuyên tinh thì rất sợ khi phải tách ra khỏi giới vực tỉnh giác, họ luôn ở thế phòng ngự hơn là chủ động. Gặp một duyên sự gì phải ra đi, khi về họ phải mất nhiều thời gian để quân bình các căn, giữ tâm và thân thành một mối yên lắng. Đó là những người có đời sống nội tâm phong phú, biết tận dụng lợi ích thiền định trong cõi vạn pháp vô thường biến đổi này. Chứ còn những người mất nhiều thời gian để làm những việc mà người thế tục vẫn dư sức làm được, có khi vì danh vì lợi, vì cơm ăn áo mặc mà vẫn lao mình như con thiêu thân rong rêu khắp chốn không biết dừng nghỉ, đã không những không mang lợi ích cho sự nghiệp của một hành giả xuất thế mà còn lún sâu vào trần lao phiền não phá con mắt chánh kiến của thí chủ đàn việt thì đó chính là hạng người thứ hai “không mang thiền vào làng, cũng không mang thiền về chùa”, thật không đáng nói đến.