Vì sao cây sala được Phật tử khắp thế giới rất tôn sùng?

708
Hiện nay trong một số ngôi chùa ở Việt Nam trồng nhiều cây sala. Tuy nhiên, ít ai biết rõ lý do vì sao Phật tử khắp thế giới rất tôn sùng loài cây này.
Cây đầu lân (Couroupita Guianensis) thường bị nhầm lẫn là sala /// Ảnh: T.L của Vương Trung Hiếu
Cây đầu lân (Couroupita Guianensis) thường bị nhầm lẫn là sala ẢNH: T.L CỦA VƯƠNG TRUNG HIẾU
Cây sala có tên khoa học là Shorea Robusta, một loài có nguồn gốc từ Ấn Độ, Myanmar, Nepal và Bangladesh. Loài cây này có thể đạt đến chiều cao 30 – 35 m; lá dài khoảng 10 – 15 cm, rộng 5 – 15 cm; hoa chùm màu vàng.
Cái tên sala trong tiếng Việt có nguồn gốc từ chữ शाल (śāla) trong Phạn ngữ (Sanskrit) – một từ thuộc giống cái, nghĩa đen là “ngôi nhà”, nghĩa bóng là “gỗ cất nhà”. Truyền thuyết Ấn Độ kể rằng sala do một vị nữ thần Ấn Độ sinh ra, nữ thần này nói với loài người rằng sala là loại gỗ tuyệt vời, phù hợp để xây nhà. Có lẽ đây là nguyên nhân xuất hiện từ शाल (śāla). Loài này còn những tên khác trong Phạn ngữ là ashvakarna (अश्वकर्ण), chiraparna (चीरपर्ण ) và sarja (सर्जवृक्ष).

Loại cây linh thiêng?

Theo Ấn Độ giáo, sala là loài cây rất được thần Vishnu ưa chuộng; còn đạo Jain Ấn Độ thì cho rằng hai vị thầy Tirthankara và Mahavira đã đạt được sự giác ngộ dưới cây này. Ở vùng Bengal và Bangladesh, người dân thờ nữ thần Sarna Burhi, một vị thần gắn liền với những khu rừng linh thiêng của cây sala. Trong sử thi cổ đại Ramayana có những đoạn đề cập đến loài cây này.
Vì sao cây sala được Phật tử khắp thế giới rất tôn sùng? - ảnh 1

Cây sala – Shorea Robusta ẢNH: T.L VƯƠNG TRUNG HIẾU

Còn theo Phật giáo, nữ hoàng Māyā trên đường trở về vương quốc đã sinh hạ một vị hoàng tử trong khu vườn ở Lumbini trong lúc tay nắm lấy nhánh cây sala. Vị hoàng tử ấy về sau trở thành Phật Thích Ca Mâu Ni (Tất-đạt-đa Cồ-đàm).
Kinh Tam Tạng cho biết Đức Phật đã nhập niết bàn dưới 2 cây này. Và Sala còn được cho là nơi Trí điều phật (Kauṇḍinya) và Tì xá bà Phật (Viśvabhū ) đã giác ngộ. Có lẽ chính vì điều này nên Phật tử khắp nơi trên thế giới rất tôn sùng cây sala. Khoảng năm 1881, loài cây này được đem trồng ở Sri Lanka, sau đó lan ra Nam Á rồi dần dần đến những quốc gia khác.
Sala là từ Hán Việt, dựa vào cách gọi Sa la thụ (娑羅樹) của Trung Quốc. Trong tiếng Anh sala được gọi là sal hay sakhua; Thái Lan gọi là S̄āla (สาละ), Hàn Quốc gọi là sarasu (사라수). Riêng ở Nhật Bản, sala được gọi chính xác là Sarasōju (サラソウジュ); tuy nhiên một số người còn nhầm lẫn cây này với cây hoa trà (Stewartia pseudocamellia), gọi chúng là shāra ( 沙羅), theo chữ śāla (शाल) trong Phạn ngữ.
Vì sao cây sala được Phật tử khắp thế giới rất tôn sùng? - ảnh 2

Cây vô ưu cũng thường bị nhầm với cây sala ẢNH: T.L CỦA VƯƠNG TRUNG HIẾU

Trong Kinh Tam Tạng viết bằng tiếng Thái, cây sala được dịch là cây rang (รัง), tức cây cẩm liên theo tiếng Việt, một loài có tên khoa học là Shorea Siamensis. Dĩ nhiên đây là cách dịch sai, vì chúng tuy cùng chi Shorea nhưng khác loài. Nhìn bên ngoài, cây sala và cẩm liên khá giống nhau, song khi héo, lá của sala màu vàng, còn cẩm liên thì màu đỏ.
Những loại cây dễ nhầm lẫn với cây sala, ví dụ như cây cẩm liên, cây đầu lân, cây vô ưu… không chỉ có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều nước mà thậm chí… mọc cả ở Việt Nam.
   Theo báo TNO (Còn tiếp)