Xuân đến không ngờ

660

Vừa rồi tôi có đọc đâu đó trong một tác phẩm của nhà văn ĐHN có đoạn này: Không có cái gọi là già, bởi vì khi 20 đến 30 tuổi người ta còn quá trẻ, 30 đến 40 tuổi đang trẻ, 40 đến 50 tuổi hãy còn trẻ, 50 đến 60 tuổi trẻ không ngờ, 60 đến 70 tuổi trẻ lạ lùng và trên 70 là… trẻ vĩnh viễn. Tôi thích. Thích lắm. Cả một đời xuân.

Không biết cái nhìn của tác giả về con người như thế nào khi viết lên những dòng trẻ ấy. Còn tôi, dĩ nhiên tôi thích theo cái nhìn của tôi. Tội gì mà mình không trẻ chứ, khi mà già trẻ đều là mộng như nhau, đều là một chút bụi hồng đùa vui trong sóng nắng ban mai. Bỏ qua những đường nét ngoại hình, còn lại thì ai muốn già cứ già, ai muốn trẻ cứ trẻ, chuyện tâm hồn mà. Và thật ra con người sống với nhau cần cái tâm nhiều hơn cần cái hình, cho nên một tứ đại sắc sắc không không có ngại gì đâu. Mặc nó biến chuyển ra sao, nhận ra tâm ta không đổi là được rồi.

Xin cảm ơn những tâm hồn trẻ trung đã làm cho cuộc đời này bớt cằn cỗi. Chỉ là cái xuân thế gian trong một ý niệm đẹp thôi mà con người đã tươi mát hơn, nói gì đến những mùa xuân không năm tháng, không ý niệm, không đến đi. Ai có thể ghé mắt vào, một chút thưởng lãm!

Xưa Thiền Lão Thiền sư ở núi Từ Sơn, một hôm có vua Lý Thái Tông đến viếng. Vua hỏi Sư:

– Hòa thượng trụ núi này đã được bao lâu?

Sư đáp: Đản tri kim nhật nguyệt/Thùy thức cựu xuân thu.

Dịch: Chỉ biết ngày tháng này/ Ai rành xuân thu trước.

Vua hỏi:

– Hàng ngày Hòa thượng làm gì?

Sư đáp: Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh/Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân.

Dịch: Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác/Trăng trong mây bạc hiện toàn chân.

Vua lại hỏi:

– Có ý chỉ gì?

Sư đáp:

– Lời nhiều, sau vô ích.

Vua hoát nhiên lãnh hội.

Thiền sư không muốn nói, kẻ phàm phu làm sao dám giỡn ngươi. Thôi, mình nói chuyện khác. Chuyện nào nói được thì nói.

Chúng ta có một thói quen, chỉ cần ai đó gợi lại một chút năm tháng và đặc biệt là những năm tháng nặng lòng, kỷ niệm sẽ tràn về như lũ lụt. Chỉ cần một lời nói dịu dàng đặt xuống lòng ta: – Lúc này bạn ra sao, tới đây hồi nào… Là mình có thể òa vào dòng ký ức, nước mắt không cần chọn lựa thời gian và đối tượng, cứ tuôn ào ào một cách vô điều kiện: – Tôi khổ quá bạn ơi. Nhớ lại năm nào… Thế là tình trạng còn nguy ngập hơn cả những cơn bão giật trên cấp số báo động. Mà thật ra tất cả sự việc đã trôi qua hết rồi. Bây giờ trước mắt chỉ có bạn và ta ngồi bên nhau trong một khung cảnh yên ả. Chuyện này Đức Phật có nói, chúng sanh tự chìm đắm trong sinh tử khổ đau thôi, chớ chẳng có ai nhận mình xuống đó. Cho nên muốn không chìm đắm nữa thì tự thôi, cũng chẳng ai cản mình ngồi lên. Chúng ta sao cứ bao dung đón nhận những cái khổ đã qua đi và những cái khổ chưa biết có tới không, để rồi tự thương cảm cho đời mình thăm thẳm dòng trôi. Kỳ đặc đến lạ thường!

Thiền sư thì bình thường hơn nhiều, các ngài không hơi đâu mà nhớ nghĩ lung tung, vẩn vơ phí sức “Chỉ biết ngày tháng này, ai rành xuân thu trước”. Mà như vậy mới chính xác chứ! Bây giờ thì biết bây giờ. Chính xác lắm. Ba nghiệp đều thanh tịnh, đều như thật, không nói thêm nói bớt, không thiếu không thừa. Mình thanh tịnh làm cho mọi thứ chung quanh cũng thanh tịnh. Nên “Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác, trăng trong mây bạc hiện toàn chân”. Trúc biếc hoa vàng cũng là đây, trăng trong mây bạc cũng là đây. Thiền sư không rớt một nhịp nào trong thực tại hiện tiền, cho nên quá khứ không chen vào, vị lại không trỗi dậy, dòng sanh tử chấm dứt, khổ đau có đâu còn. Ái chà! Tôi lại phạm môn quy nữa rồi. Thôi, không nói chuyện này nữa.

Chỉ mong sao, hôm nay vừa mở mắt bước xuống giường, chúng ta thấy đôi dép và cứ tự nhiên xỏ vào. Lòng không nghĩ ngợi lung tung, không viển vông mộng tưởng về một ngày mai, về một mùa Xuân sắp tới hay đã qua đi. Cứ tùy duyên nhậm vận. Chừng đó có thể ta không cần nhớ đến tuổi tác của mình mà vẫn tràn đầy sinh lực, tràn đầy sức sống. Bấy giờ muốn làm gì mà chẳng được, làm gì mà chẳng thanh tân, bởi vì trong ta có cả một trời xuân… Xuân đến không ngờ.

Rất mong là như vậy.

Hạnh Chiếu