Vô minh và giác ngộ qua lăng kính Viên Giác

955

Điều làm cho Đức Thế Tôn ngạc nhiên nhất ngay sau khi giác ngộ là nhận ra rằng tất cả mọi chúng sanh đều có Phật tánh, tức đều có khả năng thành Phật. Thế nhưng, do vô minh che lấp làm dấy khởi lên những tâm lý tham lam, chấp thủ… khiến cho tất cả mọi loài chúng sanh bị chìm đắm trong biển khổ. Dù vậy, tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật, chỉ cần hội đủ nhân duyên là khả năng này bộc phát và đưa đến sự giác ngộ. Đây chính là lý do đưa đến nguyên lý “Phật tức tâm, tâm tức Phật”, hay “phiền não tức Bồ đề”, thậm chí “tất cả chúng sanh vốn là Phật Đà”.

Nhưng, vấn đề được đặt ra: Nếu chúng sanh vốn là Phật thì sao lại có vô minh? Nếu chúng sanh vốn có vô minh thì vì sao Đức Thế Tôn nói chúng sanh vốn là Phật? Nếu chúng sanh vốn là Phật thì cần gì phải tu hành mới thành Phật? Và, nếu chúng sanh vốn là Phật, sau đó mới nổi lên vô minh, như thế thì sau khi thành Phật rồi, vô minh có phát sinh trở lại hay không? Những câu hỏi như thế đã làm ray rứt tâm hồn những chúng sanh mê muội. Họ nghi ngờ, không chỉ nghi ngờ lời dạy của Đức Thế Tôn dường như mâu thuẫn, mà nghi ngờ cả chính bản thân mình, về khả năng thành Phật hay Phật tánh vốn có của mình.

Làm sao không nghi ngờ cho được khi mà từ vô lượng kiếp đến nay chúng sanh bị đẩy trôi lăn trong dòng sông sinh tử luân hồi vô tận, như dòng nước cuốn trôi cành củi mục, nay bỗng dưng được nghe thấy mình sẽ thành Phật? Làm sao không nghi ngờ cho được khi mà thân phận con người xưa nay vốn đã hệ thuộc vào một đấng thần linh nào đó, tin mình được sanh ra từ đấng tạo hóa và an phận trong cái giai cấp, dòng dõi xã hội phân định, nay bỗng nhiên nghe mình có khả năng làm chủ kiếp sống của đời mình, hơn thế nữa, còn có khả năng thành Phật, thậm chí đã là Phật?

Thật ra, con người nghi ngờ về khả năng của chính bản thân mình cũng là điều dễ hiểu, huống nữa là về khả năng thành Phật! Nhưng trong Phật pháp, cái tâm nghi ngờ ấy cần phải được tiêu diệt, nhất là nghi ngờ về khả năng thành Phật của mình. Đại thừa khởi tín là bộ luận được sáng tác để xác lập niềm tin vào cái tâm Đại thừa, tức là tâm của chúng sanh mà cũng là tâm của chư Phật, cái tâm có khả năng thành Phật, tin Phật chính là tin cái tâm này, cũng không ngoài mục đích diệt trừ cái tâm nghi ngờ kia.

Nhắc lại lời tuyên bố của Đức Thế Tôn sau khi thành đạo được ghi lại trong kinh Hoa Nghiêm: Tất cả chúng sanh đều có đầy đủ đức tánh của Như Lai. Trước hết, chúng ta nên nhớ rằng, lời này được Đức Phật tuyên bố sau khi giác ngộ, tức lời tuyên bố ấy phát xuất từ trí tuệ viên giác, loại trí tuệ vượt ngoài kiến thức đối đãi, sinh diệt, chuyển biến. Cho nên, ở trong trí viên giác ấy không có hình bóng của Phật và chúng sanh, không có minh và vô minh, thì làm gì có những nghi ngờ trên? Hay nói cách khác, những câu hỏi nghi ngờ trên xuất phát từ một cái tâm điên đảo, vọng tưởng, ví như người nhìn đốm lửa quay mà thấy vòng tròn lửa, mây bay mà thấy trăng chạy, đò lướt mà thấy bờ đi…; với cái tâm như vậy mà nhìn vào cảnh giới viên giác của chư Phật, với lời tuyên bố tất cả chúng sanh đều có đầy đủ đức tướng của Như Lai làm sao tránh khỏi phát sinh nghi ngờ.

Nhưng thật dễ hiểu thay nếu chúng ta thử hình dung một người bị bệnh màng mắt. Người này khi nhìn vào không gian thấy có hoa đốm. Nhưng đến khi chữa lành bệnh màng mắt vĩnh viễn thì không nên hỏi màng mắt đã mất có bao giờ lại nổi lên nữa hay không, vì lẽ con mắt với bệnh màng mắt không phải đi đôi với nhau, tức nó không cùng tồn tại song song tất yếu, mà do nhân duyên nên phát sinh bệnh. Hơn nữa, hoa đốm đã mất đi trong không gian, đối với người đã lành mắt, thì khi ấy không nên hỏi lúc nào không gian lại nổi lên hoa đốm, vì lẽ không gian vốn không có hoa đốm, vì lẽ bản thể không gian vốn không phải nổi lên hay mất đi (hoa đốm). Sinh tử và Niết bàn cũng giống như sự nổi lên hay mất đi của hoa đốm, còn trí tuệ viên giác của chư Phật thì vốn không có hoa đốm và màng mắt (Kinh Viên Giác).

Ví dụ này cho chúng ta hiểu và trả lời bốn câu hỏi trên. “Mắt vốn sáng, cho dù có bệnh màng mắt, vì nếu mắt vốn không sáng thì chữa cũng không sáng”. Điều này cho thấy: chúng sanh vốn là Phật, cho dù cũng có vô minh, vì nếu chúng sanh vốn không phải là Phật, thì tu hành cũng không thành Phật, cho nên, đừng hỏi chúng sanh vốn là Phật sao còn nói vốn có vô minh.

“Cho dù mắt vốn có bịnh màng mắt, nhưng mắt vốn vẫn sáng, tức có nghĩa chúng sanh cho dù có vô minh, chúng sanh vẫn vốn là Phật, và vì vậy, đừng bao giờ hỏi rằng chúng sanh vốn có vô minh sao còn nói chúng sanh vốn là Phật Đà. Mắt vốn sáng nhưng cũng vốn có gốc bệnh màng mắt, nếu không chữa tuyệt gốc bệnh ấy thì mắt không sáng vĩnh viễn được: Chúng sanh vốn là Phật Đà nhưng cũng vốn có vô minh, nếu không tu hành diệt trừ vô minh, thì không thể thành Phật Đà, như vậy đừng hỏi chúng sanh vốn là Phật Đà thì cần gì phải tu hành mới thành Phật Đà? Và, mắt đã chữa tuyệt hẳn gốc bệnh màng mắt và sáng hẳn rồi, thì màng mắt không bao giờ tái phát: Chúng sanh đã diệt hẳn vô minh, trở thành Phật đà rồi thì không bao giờ tái sinh vô minh, như vậy đừng hỏi bao giờ Phật Đà lại sanh vô minh” (HT. Trí Quang, Kinh Viên Giác, dịch giảng).

Chúng ta sẽ dễ dàng hiểu thấu vấn đề hơn nữa khi đọc đến đoạn sau: “Như lọc quặng vàng thì vàng không phải do lọc mới là vàng, và vàng đã lọc thành vàng ròng thì không bao giờ trở lại làm quặng nữa, để lâu đến mấy vàng ròng đó cũng không hư hỏng” (Kinh Viên Giác).

Thật vậy, vàng vốn là vàng, dẫu cũng vốn có quặng, nếu vàng không phải là vàng thì lọc cũng không thành vàng ròng: chúng sanh vốn là Phật Đà, dẫu cũng vốn có vô minh, nếu chúng sanh không vốn là Phật Đà thì tu hành cũng không thành Phật Đà, như vậy đừng hỏi chúng sanh vốn là Phật Đà sao còn nói vốn có vô minh.

“Dẫu vàng vốn có quặng nhưng vàng vẫn vốn là vàng: chúng sanh cho dù vốn có vô minh, nhưng chúng sanh vẫn vốn là Phật Đà, như vậy đừng hỏi chúng sanh vốn có vô mình sao còn nói chúng sanh vốn là Phật Đà. Vàng vốn là vàng nhưng cũng vốn có quặng, nếu không lọc quặng ấy thì vàng không thành vàng ròng được: chúng sinh vốn là Phật Đà nhưng cũng vốn có vô minh, nếu không tu hành diệt trừ vô minh thì không thể thành Phật Đà, như vậy đừng hỏi chúng sinh vốn là Phật Đà thì cần gì phải tu hành mới thành Phật Đà. Và, vàng đã lọc hết quặng và thành vàng ròng rồi thì quặng không bao giờ tái sinh: chúng sinh đã diệt hẳn vô minh, trở thành Phật Đà rồi thì không bao giờ vô minh tái sinh, như vậy đừng hỏi bao giờ Phật Đà lại sinh vô minh” (HT. Trí Quang, Kinh Viên Giác, dịch giảng).

Như vậy, rõ ràng vô minh và Phật tánh đều là dụng của tâm, sự biểu hiện chúng sanh hay Phật Đà đều là sự biểu hiện của tâm này. Có điều, trong hai hình thái biểu hiện ấy, hình thái nào là chân thể miên viễn vô thỉ vô chung và cái nào là vô thỉ hữu chung? Hỏi như vậy cũng giống như hỏi giữa vàng và quặng cái nào có giá trị hơn! Hỏi tức là trả lời vậy.

Ở đây cần nhắc lại, lời phát biểu của Đức Thế Tôn cho rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh vốn xuất phát từ trí tuệ viên giác mà Như Lai chứng ngộ, vốn không có Bồ đề với Niết bàn, vốn không có sự thành Phật Đà hay sự không thành Phật Đà, vốn không có sự luân hồi và sự không phải luân hồi. Ở cảnh giới đó, không thể nhìn bằng cặp mắt phân tích khoa học hay khoa học biện chứng mà hiểu được. Cho nên, mọi cuộc hội thảo khoa học về Đức Phật hay giáo pháp của Ngài, cũng giống như đem lửa đom đóm mà đốt núi Tu Di. Vậy nên, cứu cánh của sự học Phật là rũ sạch mọi tư duy, vì mọi tư duy đều là ảo tưởng nương theo sáu đối cảnh, không phải đích thực là tâm thể. Khi mọi tư duy phân biệt đã rũ sạch, đã lọc bỏ ái dục và chấp thủ, thì mọi nghi ngờ cũng đều dứt sạch. Khi ấy, mỗi người sẽ tự tìm thấy hướng đi đích thực của mình.

Dã Hạc