Tuổi trẻ loay hoay & tràn đầy nhiệt huyết

645

Như tôi đã kể, Niệm Phật Đường Liên Trì nằm ở tầng ba chung cư, san sát với những căn hộ. Vào những ngày rằm và mùng một người dân đến lễ Phật thì họ gọi huynh đệ chúng tôi là “thầy” và xưng “con”, còn ngày thường thì họ và huynh đệ chúng tôi là hàng xóm! Quá gần nhau nên bên này xảy chuyện gì thì bên kia cũng biết, nói lớn tiếng một chút thì cả hai bên cùng nghe, bên này lỡ tay làm rớt cái nắp nồi thì bên kia cũng giật mình và hóng tai… Tôi đi học buổi sáng hay buổi chiều, đi về trễ hay sớm, trời mưa bị ướt… tất cả đều lọt vô mắt hàng xóm!…

 Tác giả Thiện Bảo đứng bìa phải nhìn vào

Điều tôi muốn kể ra đây là trong những lần tôi trở lại Niệm Phật Đường Liên Trì để thăm và dự tang lễ Sư huynh Minh Cảnh, ngày cúng tuần cúng thất tôi về thắp nhang, gặp nhau, những người sống quanh đó vẫn coi tôi là “hàng xóm cũ”. Gặp nhau trên lối đi giữa lô này và lô kia hoặc giữa hành lang chung cư, họ hỏi han tôi chuyện này chuyện kia, những thay đổi của tôi từ đó đến nay… Có lẽ thấy tôi nay đã có nơi chốn khác mà khi có việc tôi vẫn trở về Liên Trì chào hỏi huynh đệ, có lẽ họ thấy tôi ăn ở có trước có sau biết nghĩa biết ân nên họ nảy lòng thương mến và tin cậy. Vậy nên khi biết tôi giờ là trụ trì Nguyên Hương thì có người cho đứa con trai mười sáu tuổi đến xuất gia với tôi.

Đó là vào năm 1977, chùa chiền và việc tu hành rất khó khăn, như tôi đã kể trong phần trước, có nhiều vị Tăng bỏ chùa về quê hoặc trở về đời sống thế tục, mà tôi thì lại có người tìm đến xin tu, tôi mừng lắm. Mừng vì vẫn có người muốn đi tu, và mừng vì từ nay tôi đi học văn hóa (học xong phổ thông, tôi ghi danh vào phân khoa Hán Nôm trường Đại Học Tổng Hợp, mỗi tuần học ba buổi sáng hay chiều tùy theo học kỳ, buổi tối tôi đi học tiếng Anh ở Trung tâm Ngoại ngữ) và đi đến  những buổi giảng dạy ở các tu viện thiền viện chuyên tu do các vị tôn túc hướng dẫn thì đã có đệ tử trông coi chùa chứ tôi không phải đóng cửa chùa hoặc nhờ cậy nay người này mai người kia.

Khi đó tôi chưa biết rõ giới luật là một Tỳ Kheo phải mười tuổi hạ trở lên mới được phép thu nhận đồ chúng. Và ngoài quy định mười tuổi hạ, để trở thành người thầy thế độ cần hội đủ năm yếu tố: 1) phải thông kinh luật, 2) phải giữ giới, 3) phải học rộng về nội điển và biết cả kiến thức thế gian, 4) phải hiểu biết tâm lý để mà giải tỏa những gút mắc của đệ tử, 5) phải có trí tuệ, có tu.

Điều căn bản tối thiểu phải đủ mười tuổi hạ là nền tảng đầu tiên, theo tôi hiểu, là để người làm thầy có đủ thời gian trau dồi oai nghi và tư cách, thông thạo kinh luật và cả hiểu biết kiến thức thế gian để có thể có thể dạy dỗ và dìu dắt đồ chúng.

Tôi chưa hội đủ những điều kiện đó nên không biết cách giúp đỡ đệ tử, thậm chí là tự tôi còn đang loay hoay với chính mình. Sau một năm, người đệ tử đầu tiên của tôi hoàn tục. Còn tôi vẫn đang  trên đường học hỏi và tự trau dồi cho bản thân bằng cách để ý thông tin về những buổi giảng dạy của các vị tôn túc và dù gần dù xa thì tôi cũng cố gắng đến để thu nạp kiến thức càng nhiều càng tốt. Nghe giới thiệu cuốn sách cuốn kinh nào hay là tôi tìm đọc, khi thì mua, khi thì mượn.

Cuốn sách đầu tiên tôi mua ở nhà sách Lá Bối là “Nói với Tuổi hai mươi” của thầy Nhất Hạnh. Nhà sách Lá Bối trước năm 1975 đặt tại lầu 1 chung cư Ngô GiaTự. Sau đó là những cuốn khác như: Tám quyển sách quý của thầy Thích Thiện Hoa, cuốn Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ 20 của thầy Thích Thanh Từ và Đức Phật Phật Pháp của của Đại Đức Narada do Phạm Kim Khánh dịch từ tiếng Anh, và những cuốn Đạo Phật hiện đại hóa, Đạo Phật đi vào cuộc đời, Nẻo về của ý của thầy Nhất Hạnh, Tô Đông Pha phương trời viễn mộng của thầy Tuệ Sĩ … Những cuốn sách giúp tôi chớm nhận ra sự tu tập là phải chuyển hóa nội tâm, thực  tập pháp hành, những cuốn sách khiến tôi thao thức tự vấn về con đường mình đang đi “Có phải tu tập chỉ là ngày ngày tụng kinh như bấy lâu nay?”

Trong khoảng thời gian đó, vì chính quyền không ủng hộ nên mỗi buổi giảng dạy ở các giảng đường lớn như Xá Lợi và Vĩnh Nghiêm cũng chỉ có trên chục vị tham gia. Hòa Thượng Thích Từ Thông xin Hòa Thượng Thanh Kiểm cho mượn nhà tổ giảng kinh Pháp Hoa có được hai chục người tham dự. Hòa Thượng Quảng Độ giảng Kinh Kim Cang bằng hai ngôn ngữ Anh Việt ở Thanh Minh Thiền Viện thì thính chúng cũng chỉ khoảng trên năm mươi người. Mà những nơi này cũng chỉ là nội bộ không được phổ biến rộng rãi đến quần chúng. Có một lớp học tại Quảng Hương Già Lam dành cho Tăng Ni được quý thầy Tuệ Sĩ, thầy Nguyên Hồng và thầy Lê Mạnh Thát phụ trách cũng chỉ hơn chục Tăng Ni tham dự.

Lần đầu tiên, sau năm 1975, được chính quyền thành phố cho phép là buổi giảng kinh Pháp Hoa của Hòa Thượng Thích Thanh Từ tại chùa Xá Lợi, có trên một ngàn Tăng Ni Phật tử tham dự, mới hay nhu cầu học Phật Pháp trong quần chúng lớn đến nhường nào. Chính buổi giảng này này đã đánh vào tâm thức tôi con đường tu thiền mà từ lâu tôi cứ lầm lũi tìm kiếm một định hướng cho đường tu tập.

Suốt cả chục năm, tôi tự học bằng cách đó. Cứ vậy mà tôi gom góp kiến thức cho mình. Sự cố gắng này giúp tôi hiểu biết hơn và đồng thời mang lại cho tôi những mối giao tiếp quen biết gần xa, nhờ vậy, sau này tôi được thuận lợi khi tham gia Phật sự ở môi trường rộng lớn hơn.

Năm 1987 Phật giáo thành phố thành lập Thư viện Phật giáo, lúc đó kinh sách rất hiếm vì hơn chục năm rồi kinh sách Phật giáo không được xuất bản, nhà chùa muốn in hay Phật tử muốn ấn tống đều phải nhờ kéo lụa hoặc in roneo, khi cầm lên ngửi mùi dầu nồng nặc. Có những tác phẩm hay của quý Hòa thượng cũng phải viết tay, kể cả kinh tụng.

Tôi còn nhớ quyển đầu tiên được tái bản chính thức là bộ Phật Học Phổ Thông in trên giấy màu vàng đục, bây giờ nhớ lại thì biết đó là loại giấy xấu chứ khi đó được cầm trên tay cuốn sách mới in thì vui mừng vô cùng.

Tôi và thầy Đồng Bổn lúc bấy giờ làm trong tổ Công tác Tiểu Ban Văn Hóa Phật Giáo thành phố cùng một số huynh đệ đã kêu gọi hiến tặng hoặc cho thư viện mượn những cuốn sách do mình sưu tầm trong thời gian học phổ thông và đại học. Để làm gương, huynh đệ chúng tôi gồm Thầy Đồng Bổn, Thiện Bảo, Chân Tính, Ni sư Trí Hòa ở Chùa Dược Sư hợp nhau lại và tự mỗi người đem sách của mình đến nói là cho thư viện mượn mà thực tế là tặng luôn. Sau này bên cạnh thư viện có thêm bộ phận phát hành, tiền lời lấy đó làm quỹ bổ sung sách mới.

Hòa thượng Thích Thanh Kiểm trụ trì Tổ đình Vĩnh Nghiêm cho mượn căn phòng rộng một trăm mét vuông ngay dưới gác chuông làm thư viện. Giai đoạn đầu, hầu hết đều là sách mượn về để chưng bày, như là Bộ Đại Tạng bằng chữ Hán một trăm quyển và một trăm năm mươi quyển Tục Tạng của Chùa Long Hoa bên Quận 8. Sau này, khi thư viện phát triển, có được tài chánh thì bổ sung được trên một ngàn đầu sách các mảng Văn hóa, Lịch sử, Triết học, Văn học và Phật học, có cả sách tiếng Hán tiếng Anh của nhiều tác giả trong và ngoài nước. Phòng đọc thoáng mát, có bàn ghế tươm tất, ngày nào cũng có khoảng hai mươi người lui tới thư viện đọc sách.

Tôi được giao làm thư viện trưởng. Để được Phòng Văn hóa của Quận thừa nhận, tôi phải đi học lớp phụ trách thư viện để biết phân loại sách và đánh ký hiệu như một thư viện chuyên nghiệp. Trong thư viện có một tủ thư mục với thẻ ký hiệu được phân loại đánh theo mã số dán trên gáy sách để người quản thủ thư viện dễ tìm. Ngoài tôi ra, còn có thầy Chân Tính, thầy Giác Trí, sư cô Viên Nhã và sư cô Minh Tâm cùng với một vài Phật tử phát tâm trực thư viện mỗi tuần bốn ngày và sau này thì thư viện mở cửa suốt tuần, cả chủ nhật.

Những ngày tháng tôi làm việc ở Thư viện Phật giáo là bước đầu tham gia Phật sự với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

*

Tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết, tôi tích cực tham gia các khóa An Cư Kiết Hạ tập trung tại  Tổ đình Vĩnh Nghiêm do Phật giáo thành phố tổ chức từ năm 1986, đây cũng là hạ trường tập trung đầu tiên của Phật giáo thành phố sau thống nhất Phật giáo. Những năm An Cư Kiết Hạ tại Vĩnh Nghiêm khơi dậy phong trào thi diễn giảng và viết báo tường do Hòa Thượng Thích Hiển Pháp đề xướng. Những cuộc thi diễn giảng trong những năm này khiến không khí trường Hạ trở nên sôi nổi phấn khích, chư Tăng an cư thực tập lên diễn đạt thuyết trình và những giảng sư thực tập lôi cuốn Phật tử đến tham dự rất đông.

Thí sinh chẳng những trình bày phần thi của mình trước ban giám khảo mà còn phải đối diện với đông đảo thính chúng là Phật tử và tất cả chư tăng an cư trong trường Hạ. Vô cùng hồi hộp! Ai chưa quen nói trước đám đông thì chuẩn bị mười phần chỉ nhớ được một, thậm chí có vị quên sạch dù bài giảng của vị ấy trước đó được mọi người chuyền tay nhau đọc và khen hay. Bài thi đòi hỏi trình bày trong mười lăm phút mà có vị trình bày chưa đầy mười phút thì phải đi xuống vì không nhớ hết bài…

Ban giám khảo đưa ra ba tiêu chí: điệu bộ, giọng nói, nội dung bài giảng. Mỗi tiêu chí được 10 điểm, Tôi là người được bắt thăm đầu bảng trình bày với đề tài: “Tam Pháp Ấn” vòng hai là “ Giới Định Tuệ” và vòng ba là “Bốn phương châm cảm hóa lòng người” Qua ba vòng thi tôi được chấm hạng nhất trong khoảng hai mươi giảng sinh dự thi.

( Trích quyển ” Quăng đời mình vào chốn Thiền Môn” của tác giả Thiện Bảo )