Thương con không nói thành lời

637

Tình hình  Phật giáo ở Sài Gòn lúc đó có những cuộc biểu tình xuống đường chống chiến tranh và có khi va chạm với cảnh sát. Ai đó nói với má là tôi bị bắn chết trong vụ đàn áp Phật giáo, má khóc hết nước mắt.

Má của tác giả Thiện Bảo tại TV Trúc Lâm – Đà Lạt 

Khóc vì tưởng tôi đã chết, mà rồi thì má nhờ em của ba tôi là chú Tám lên tận nơi tôi ở xem hư thực ra sao? Gặp nhau đúng lúc tôi đi học về, chú Tám rơm rớm nước mắt nói “Má cháu nói cháu bị cảnh sát bắn chết vì đi biểu tình rồi, người ta nói rõ ràng tên họ của cháu làm má cháu khóc hết nước mắt rồi nhờ chú lên đây hỏi mấy thầy xem có thiệt không?”

Hôm sau, tôi xin phép thầy trụ trì về quê với chú Tám để má nhìn rõ mặt tôi cho yên lòng. Lúc thấy tôi, ai cũng mừng vì tin đồn thất thiệt không phải sự thật. Má lại khóc, lần này là khóc vì vui.

Qua chủ nhật thì tôi phải vội trở lại Sài Gòn vì thứ hai còn đi học. Muốn thăm má được dài ngày thì phải đợi tới mùa hè. Nhớ má, nhưng tiền mua vé xe mắc mỏ nên mỗi năm tôi chỉ về một lần vào mùa hè. Má bây giờ nuôi nấng hai đứa cháu ngoại là con của chị Ba gởi về nhờ má lo ăn học, má còn gởi tiền phụ giúp anh Hai. Anh Hai đã đi thêm bước nữa và má cũng đã có thêm cháu nội. Vậy nên khi có việc phải xin tiền má thì tôi rất ngại vì biết má phải lo toan đủ thứ.

Thời đó, ngoài hai bữa cơm chùa còn lại mọi nhu cầu khác đều phải tự túc, tôi gặp không ít khó khăn. Tôi chỉ có hai bộ quần áo vạt hò và một chiếc áo nhựt bình bằng vải kate 500 màu lam, chiều thứ bảy đem giặt để sáng thứ hai đi học, cái áo càng ngày càng mỏng vì giặt nhiều lần mà tôi thì không có cái nào khác để thay đổi.

Mỗi lần tôi về thăm má rất mừng tuy không vui ra mặt, vì tính má trầm lặng. Có lẽ tháng năm dài sống đơn độc khiến má ngày càng ít nói. Nhưng lòng thương con không nói thành lời thì cũng bộc lộ theo cách khác. Khi tôi chuẩn bị quay lại Sài Gòn, má qua nhà hàng xóm hỏi mượn tiền cho tôi. Tôi muốn bật khóc vì quá thương má. Tôi nói “Con chỉ xin đủ tiền xe thôi, còn bao nhiêu má giữ lại đi vì con đâu có mua sắm gì.” Má ôm tôi khóc. Má tự biết con của mình sống thiếu thốn lắm, má tự biết tôi phải tiết kiệm tằn tiện ra sao, má tự biết tôi cố gắng vượt qua nghèo khó như thế nào…

Và tôi biết mình phải cố gắng nhiều lắm.

THẦY BỔN SƯ – HỘI NGỘ & BIỆT LY

Mùa hè năm 1971 như thường lệ tôi từ Saigon về quê thăm má thăm chùa, tình cờ (  cũng là dịp thầy bổn sư của tôi trở lại chùa sau ba năm xa cách. Thầy trò gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Biết tôi đang được học hành ở thành phố, thầy vui lắm. Thân thể thầy vẫn gầy gò như ngày ra đi và đôi mắt vẫn ấp ủ niềm lạc quan như ngày nào. Thầy nói với má tôi “Cô Năm (2) hộ gạo cho tôi ăn một tháng nghe?” Má tôi đáp lời “Thầy là thầy của con tôi. Tôi tuy nghèo nhưng gạo thì không thiếu. Tôi sẽ hộ gạo cho thầy. Thầy hãy yên tâm.”

Thầy lại bày ra làm mộc và người dân lại tới chùa thuê thầy đóng bàn ghế giường tủ… Sân chùa như một xưởng mộc, cả bên trong cũng vậy. Trời nắng thì thầy bày ra sân làm cho rộng rãi còn trời mưa thì dọn gỗ ván vô trong cho khỏi ướt. Giữa những thời kinh vang tiếng chuông tiếng mõ là tiếng cưa xoèn xoẹt tiếng đục chan chát tiếng đóng đinh cốp cốp… Khi nghỉ tay uống nước, thầy nhìn ngó mái chùa ở chỗ hôm qua trời mưa bị dột, thầy rờ rẫm bức vách lá bị mục thọc nắm tay xuyên qua… Thầy bấm đốt tay tính toán đóng xong cái bàn này sẽ có chừng này tiền không biết có đủ mua được mấy tấm tôn lớp lại phần mái bị dột không? Đóng xong cái tủ và cái giường kia thì có đủ tiền mua lá lợp lại bức vách không?… Thầy vui vẻ lắm, và nhanh nhảu nữa. Cứ như thầy quyết hoàn thành việc sửa chùa trong một tháng trước khi lại đi Hòn Nghệ tiếp tục tịnh tu.

Nào ngờ, đúng một tháng trôi qua, khoảng tám giờ tối ngày mùng hai tháng năm, thầy đi đến nhà chị Hai Thuận cách chùa khoảng một  trăm mét trả cái cưa mà cách đó mấy hôm thầy mượn về đóng cái tủ chén cho một người trong xóm. Khi trở về chùa, thầy nói “Thầy cảm thấy nhức đầu quá, chắc là trúng gió.” Tôi nhìn thấy thầy mồ hôi ướt áo bèn chạy qua kêu anh Năm Đờn nhà ở kế chùa nhờ cạo gió.

Tôi đỡ thầy, tay này ôm người tay kia vén vạt áo để anh Năm Đờn cạo gió. Anh cạo tới đâu da thầy chảy xệ tới đó. Khoảng mười phút sau, không nói lời nào, thầy lặng lẽ ra đi. Lần này thầy ra đi mãi mãi mà chưa kịp thay cái mái bị dột và bức vách lá cũng chưa.

Tâm nguyện đành dở dang.

( Trích quyển ” Quăng đời mình vào chốn Thiền Môn” của tác giả Thiện Bảo )