Sóng gió thế gian

607

Sau tháng 4/1975 đất nước thống nhất, trong giai đoạn này, chùa chiền và sự tu tập gặp nhiều trở ngại. Phần lớn những huynh đệ cùng thời với tôi, kẻ thì bỏ về quê, người thì trở lại đời sống thế tục, có những ngôi chùa không còn một vị Tăng.

Tác giả Thiện Bảo ( người đứng thứ hai phải nhìn vào)

Một phần nữa, là vì trước đây có những vị chọn cách xuất gia để được hoãn quân dịch tránh đi lính chứ không phải có lý tưởng giác ngộ hảo tâm mà vào chùa, nên khi gặp khó khăn những vị này mau chóng thối chí và nhận ra đời sống tu hành không phải là con đường dành cho mình nên họ trở về với đời sống thế tục.

Cứ vài ngày lại hay tin có huynh đệ rời bỏ chùa khiến tâm trí tôi không yên. Các anh lớp lớn hơn tôi đều là Tỳ Kheo mà họ cũng ra đời và học cùng lớp với tôi là chú Minh Trí và Minh Phúc,Minh Thiện… cũng cởi áo tu trả lại chùa, cả chục tăng sĩ ở Niệm Phật Đường Liên Trì nay không còn một ai mặc áo thầy tu!

Đau buồn và hoang mang nhất là quân Khmer Đỏ tràn qua biên giới tàn sát bao người dân hiền lành vô tội, không phải ai cũng được tìm thấy xác, trong đó có mười vị Tăng xuất gia tại chùa Phổ Minh ra đảo Thổ Chu làm rẫy. Trong số mười huynh đệ bị giết mất xác có Sư huynh Minh Tâm, vị huynh tâm tính vui vẻ lạc quan đã nâng đỡ tinh thần tôi trong những ngày đầu tiên ở chốn thị thành xa lạ, huynh đã cùng tôi những bước đầu tiên đầy khát khao trên đường học vấn.

Trong cơn đau đớn vô bờ, thân nhân của mười vị Tăng đến chùa đòi con. Sự việc ồn ào tệ hại khiến trụ trì là thầy Minh Giác phải rời chùa ra đi tới nay không biết sống thác ra sao.

Chùa Phổ Minh, ngôi già lam nơi đầu tiên tôi nhập chúng và được thầy Minh Giác hết lòng giúp đỡ. Trên cương vị Chánh đại diện Giáo hội của một tỉnh, có nhiều người giữ chức vụ cao trong chính quyền đến chùa quy y với thầy, vì vậy mà thầy giúp đỡ được nhiều người. Như đối với tôi, thầy đã nhờ vị Phật tử là chánh án tòa án lo cho tôi có giấy khai sinh và nhờ vậy tôi mới có các loại giấy tờ cần thiết khác.

Tuy thầy là y chỉ sư nhưng từ khi lạy thầy và được nhận làm đệ tử tôi xem thầy như Bổn sư. Thầy luôn hướng dẫn dạy bảo tôi trong những ngày tháng sống ở Phổ Minh, có lẽ cơ duyên thầy trò trong nhiều đời nhiều kiếp nên kiếp này tôi được thầy dìu dắt trên con đường học đạo.

Nhưng sóng gió thế gian, mười đệ tử ra đảo Thổ Chu làm rẫy và mãi mãi không trở về đã gây một vết thương sâu, uy tín và tấm lòng nhân hậu của thầy đâu ngờ có ngày bỗng trở thành nghiệp chướng. Rời chùa Phổ Minh, thầy ghé Niệm Phật Đường Nguyên Hương thăm tôi, cùng đi theo thầy là một vị Tăng trẻ tôi không quen. Thầy trò cùng ngồi nói chuyện năm ba câu trong sự lo âu hiện rõ trên gương mặt thầy. Rồi thầy ra đi.

Đó là lần cuối tôi được gặp thầy Minh Giác.

*

Những ngày đi lao động đắp tuyến phòng thủ Hóc Môn, những buổi học tập chính sách tôn giáo, với những câu “ngồi mát ăn bát vàng”, “ẩn vương nương Phật”, “những phần tử lười lao động, tiêu cực, thiếu ý chí đấu tranh” v.v… được thuyết trình viên khéo léo đưa vào  buổi nói chuyện, nhắm vào những ông thầy tu là người đang ngồi nghe bên dưới. Đến nơi công quyền người tu cảm thấy mặc cảm vì không được đối xử bình đẳng như những người dân bình thường ngoài xã hội. Sự kiện này gây hoang mang cho một số người đi tu chân chính, ai cũng thấy lo lắng vì chính sách nhà nước về tôn giáo có phần khắt khe, việc sinh hoạt trong chùa và đi lại nơi này nơi kia phải qua mấy tầng cơ quan hành chính và an ninh. Như khi muốn về quê thăm má thì trước hết tôi phải xin giấy tạm vắng có công an phường xác nhận, tiếp theo là đưa lên công an quận và sau đó còn phải được sở công an về quản lý trật tự xã hội chấp thuận mới được về. Thời gian chờ đợi tấm giấy thông hành mất hai ba tuần, và có khi họ hẹn tới hẹn lui khiến tôi phải đi lui đi tới chờ đợi rồi… nhận câu trả lời là không!

Người ta nói giai đoạn đó người dân quê tôi đi vượt biên rất nhiều nên việc xin đến vùng này lúc nào cũng khó khăn!

Năm 1976, nền kinh tế vô cùng khốn khó, mua thực phẩm nhu yếu phẩm hàng ngày đều phải có sổ hợp tác xã theo nhân khẩu từng hộ gia đình, chùa cũng không ngoại lệ. Cơm độn bo bo độn khoai sắn là chuyện thường ngày. Thời kỳ ngăn sông cấm chợ đó, lương thực của nhà trồng mà chính chủ nhà muốn đem từ nơi này tới nơi khác rất khó. Mỗi lần má lên Sài Gòn thăm tôi chỉ mang theo được vài chục ký gạo mà phải khó khăn lắm mới đem được. Xe chạy đến trạm Tân Hương – Long An là phải ngừng lại để trạm kiểm soát khám xét. Ai đem theo lúa gạo đậu mè và các thực phẩm tươi sống… mà không có giấy phép của địa phương thì coi như là gian thương và bị tịch thu.

Vì trường Bồ Đề chỉ dạy tới lớp mười một nên nhà trường chuyển học sinh qua trường Cô Giang học tiếp lớp mười hai. Giai đoạn đó rất vất vả, vừa lo việc chùa vừa đi học mà khi tôi đi học thì phải nhờ Phật tử trông coi chùa, nay người này mai người kia, mỗi người một ý. Phật tử thì ai cũng kính Phật mến chùa nhưng tâm thì vẫn sân si, người này nói một câu thì người kia tự ái… Có hôm tôi vừa đi học về, vừa mỏi chân vừa đói bụng và sắp đến giờ tụng kinh buổi tối mà còn phải nghe hai bên kể tội lẫn nhau, tôi phân xử kiểu gì cũng bị mất lòng một bên! Và những người chứng kiến cũng… chia thành hai phe. Một hồi thì tôi hứng chịu tất cả trách móc của cả hai bên bốn bề! Nào là thầy không công bằng, tôi làm công quả thật lòng mà sao bị người ta chê bai, còn người kia chỉ làm cho lấy có thôi mà sao được thầy thương…

Tôi đâm ra ngại gặp gỡ Phật tử. Để khỏi phải mất lòng ai, tôi thường lấy cớ bận bịu học bài và đọc kinh sách để một mình một góc. Nhưng Phật tử tới chùa thì muốn gặp Tăng để thưa chuyện này chuyện kia, mà chùa thì có mỗi mình tôi,  vậy nên mọi chuyện cứ lập lại trong vòng lẩn quẩn…

Sau này tôi mới nhận ra là do tôi không biết cách giao tiếp. Làm trụ trì mà không biết cách ứng xử khéo léo với Phật tử, không giúp Phật tử tháo gỡ được những vướng mắc thường tình thì chẳng những phiền cho chính tôi mà còn làm tổn thương đạo tâm của người đến chùa.

Tôi được một ưu điểm là giọng đọc kinh truyền cảm rõ ràng tròn vành rõ chữ nên khi tụng kinh Phật tử dễ theo. Ai lần đầu tiếp xúc với tôi dễ có thiện cảm vì tôi chân thành, nhưng nếu xảy chuyện gì thì họ sẽ phiền vì tôi không khéo xử sự hoặc vì tôi chọn cách né tránh cho yên. Và khi không thể né tránh thì tôi chẳng biết cách mềm mỏng! Đụng tình huống cần uyển chuyển thì tôi cứ thẳng thừng!…

Muốn làm tốt việc gì thì phải được hướng dẫn cách thực hiện công việc đó. Mà hoàn cảnh của tôi thì không được học, không được hướng dẫn. Đi tu vì thích tu và cứ vậy mà cạo tóc vô chùa, hoàn toàn không ý thức được việc tu hành như thế nào, không ý thức việc trở thành một vị xuất gia, một “chúng trung tôn”để hướng dẫn Phật tử sau này thì cần rèn luyện những phẩm chất nào ngoài những bài học đạo đức bình thường mà ai cũng cần có. Khi may mắn gặp được thầy và huynh đệ nhiệt tình giúp đỡ thì tôi “học lóm” được chút này chút kia, không thì ngày qua ngày tôi tự xoay sở. Nhận làm trụ trì vì tuổi trẻ muốn được tự lập tự chủ, muốn chứng tỏ bản thân… rồi thì tôi cũng chỉ biết bắt chước các thầy trụ trì khác trong khi không hề biết các vị ấy đi đúng đường hay cũng chỉ là bắt chước rập khuôn giống như mình! Chỉ biết tu Tịnh độ là các thời khóa ở chùa nhưng thực chất cũng không phải Tịnh độ mà chủ yếu theo truyền thống xưa bày nay làm là chính! Những phương pháp như vậy không chuyển hóa được những hạt giống tốt của nội tâm và những tâm hành của một tu sĩ có nhiều năng lượng của tuổi trẻ.

Tôi tu tập như người nông dân chăm chỉ trên cánh đồng, thấy ba má mình cày cấy với con trâu thì tôi cũng cày cấy với con trâu, thấy ba má gặt lúa chạy mưa thì tôi cũng gặt lúa chạy mưa, lúa gặt về không phơi được thì chỉ biết đợi nắng…

Trước đây khi còn tá túc ở những chùa khác, tôi thấy quý thầy tổ chức một ngày hai thời công phu và buổi tối tụng kinh A Di Đà, nay thì ở Niệm Phật Đường Nguyên Hương tôi cũng thực hiện y như vậy. Tụng kinh niệm Phật là tu, và hai thời khóa tụng là tu. Như thầy tôi và một số chư Tăng khi vào chùa đều nghe câu truyền miệng bất thành văn “Thời công phu chiều và công phu khuya là trả nợ áo cơm cho đàn na thí chủ còn thời tịnh độ Tụng Kinh Di Đà  buổi tối là tu cho mình”!

Chăm sóc cho ngôi chùa, tôi và Phật tử cứ như chăm chút cho một ngôi nhà! Thấy thiếu cái gì thì cố gắng sao cho “nhà mình” có được cái đó. Tất cả mọi người xúm vô, rất nhiệt tình trong hoàn cảnh ai ai cũng thiếu thốn. Xuống bếp thấy cái rỗ mẻ vành sứt sẹo thì về nhà lấy cái rỗ lành lặn đem tới, có rỗ rồi mà không có chén đũa thì đi mua chục cái chén chục đôi đũa đem tới… Nhìn lên chánh điện thấy cây đèn cạn dầu thì mua dầu đem tới chế cho đầy, ngày rằm thấy chùa mình nghèo, bình trên bàn thờ cắm cái bông chuối thì đi ra chợ mua về bó hoa huệ thay vô cho đẹp hơn… Rồi thì thêm bộ bàn ghế, cái kệ, cái tủ… Ngay cả tôi cũng được cúng dường một chiếc xe PC tuy cũ mà còn rất tốt, giúp tôi đi lại thuận tiện hơn nhiều.

Vậy, những tấm lòng thành tâm đóng góp giúp cho ngôi chùa được khang trang hơn, nhưng chỉ về mặt hình thức vật chất. Còn lại thì chẳng khác gì ngôi An Hòa Tự nơi bà nội tôi tu tập trước đây, lạy Phật và thuộc làu kinh kệ mà vẫn lời qua tiếng lại giận hờn lục đục hoài hoài. Trong khi lẽ ra ngôi chùa là nơi chốn lan tỏa năng lượng từ bi và thanh tịnh, là nơi chốn làm gương cho sự thực tập buông bỏ dần những tham sân si, và xa hơn nữa, giúp cho người ta chuyển hóa nội tâm và không để mình bị ngoại cảnh chi phối… Có như vậy đạo Phật mới thực sự là đạo giải thoát giác ngộ, đạo Phật là đạo cứu khổ ban vui.

Đôi khi ngẫm lại con đường mình đã trải qua, tôi luôn tiếc là mình đã không được hướng dẫn bài bản ngay từ những bước đầu tiên. Và tiếc cho những Phật tử mến chùa mến đạo đã cùng tôi trong thời điểm đó. Nếu được dạy dỗ căn bản để biết một người tu đúng đắn nên làm những gì, một ông thầy trụ trì cần làm những gì thì chắc là tôi đã giao tiếp với Phật tử khéo léo hơn, và điều quan trọng là tôi hẳn biết cách tạo môi trường đượm vị đạo pháp cho Phật tử đến chùa được an lạc và giúp nhau an lạc, mỗi câu kinh là một bài học cần được thông hiểu sâu sắc để biết cách thực hành hàng ngày, giúp người ta biết tưới tẩm những hạt mầm tốt trong bản thân, không tạo cơ hội cho cỏ dại trồi lên, không để mình rơi vào cảnh giận hờn trách móc nhau… Chính điều này mà sau này khi thu đồ chúng, tôi luôn luôn muốn đệ tử mình phải được học Phật và tu Phật một cách có căn bản có pháp hành và luôn luôn nhắc những gì tôi đã đi qua như một bài học quý giá cho con đường tu của người xuất sĩ.

Lời tâm tình

Tâm lý chung của người xuất gia trẻ là muốn tách ra khỏi đời sống tập thể để tạo cho mình cơ sở riêng để có thể hoạt động theo ý của mình, nhưng lại chưa nhận thức rõ vai trò và nhiệm vụ mà mình sẽ gặp phải, không biết những gì mình được học lại hoàn toàn trái ngược với hiện thực của đời sống thực tế, bị sốc vì những rình rập ẩn khuất đâu đó trong những điều mà mình cho là lý tưởng tốt đẹp. Trên bước đường hành đạo chưa có kinh nghiệm đối diện với những phức tạp của môi trường trong đạo hay ngoài xã hội…

Chư tổ thường nói :” Trụ pháp vương gia, Trì như Lai tạng” (an trụ và xây dựng ngôi nhà Phật Pháp, giữ gìn phát huy Chánh pháp của Như Lai). Chúng ta nhận thấy người đảm nhiệm vụ làm trụ trì của một ngôi chùa rất quan trọng vì điều đó quyết định vận mệnh, tồn tại và phát triển của cơ sở Phật giáo tại địa phương. Từ xưa tới nay việc Phật giáo hưng hay suy mạnh hay yếu mà chính là từ cơ sở tự viện. Khi nào cơ sở tự viện hướng dẫn người Phật tử tại gia một cách đúng đắn và có được lực lượng quần chúng tạo nên phong cách sinh hoạt phong phú đa dạng thì Phật giáo nơi đó hưng thịnh, trái lại tuy cơ sở tự viện dù có phát triển cơ sở vật chất chùa to Phật lớn, nhưng không có quần chúng Phật tử và cũng cũng không có người chuyên tu thì Phật giáo sẽ suy vi.

Chúng ta có thể khẳng định từ xưa tới nay mọi sự tranh chấp chánh kiến, quan điểm, phải quấy trong đạo ở  nhiều thời kỳ khác nhau của Phật giáo khiến đi đến phân hóa là do thiếu tu mà ra. Điều nầy không phải chỉ có Tăng già mà người Phật tử tại gia nếu thiếu tu thì có tổ chức quây quần bên nhau dưới hình thức đoàn thể, ban nầy ban kia rồi cũng đổ vở vì bất hoà do thiếu tu. Cho nên trong kinh Hoa -Nghiêm Đức Phật dạy: “Con người là hơn cả vì có thể tạo nên những điều tốt đẹp” (nhân thị tối thắng, năng sanh chư thiện pháp cố). Đức Phật nói như vậy và chúng ta có thể hiểu ngược lại con người là yếu tố quan trọng làm tốt, nhưng cũng chính con người tạo những việc xấu.   

Điều cần nhất nơi một vị trụ trì chính là ở cái Tâm và cái Đức. Đây là hai mặt hết sức quan trọng mà trước khi được giao phó nhiệm vụ thiêng liêng tại cơ sở, vị trụ trì phải thể hiện được cung cách của một Tăng sĩ đúng nghĩa của nó, giải quyết mọi việc bằng cái tâm tu và bằng đức độ của một người có hành trì, tu tập. Khi tiếp xúc với một vị thầy như thế, chúng ta sẽ cảm nhận được năng lượng của an lạc và tự nhiên sẽ được chuyển hóa. Đây chính là cách hoằng pháp hữu hiệu nhất.

 Ðây mới chính là đưa đạo Phật đi vào cuộc đời, nhằm chuyển hoá cuộc đời. Có được như vậy, Ðạo Phật mới thực sự có lợi ích, nếu không thể hiện được điều này thì giáo lý Phật giáo có hay có đẹp cũng chỉ là cái xác khô không hơn không kém.

Ðể thực hiện tốt nhiệm vụ của người trụ trì, Tổ Pháp Diễn đưa ra một số nhận định mà người làm trụ trì cần phải có như sau:

  1. Phải có tinh thần thủ xả (thủ thiện, xả ác): luôn luôn giữ gìn những điều tốt, góp phần xây dựng đạo đức của cộng đồng xã hội, nắm giữ giềng mối an nguy của cơ sở, không vì trở ngại mà nản lòng, không vì thành tựu mà tự mãn.
  2. Phải có Nhân: Có đạo phong của người xuất gia học đạo, phải phát triển giáo dục tín đồ hướng dẫn mọi  người chánh tín, xây dựng tinh thần nếp sống đạo.
  3. Phải có Minh: Giữ được giềng mối lễ nghĩa, đặt sự an nguy của đạo lên trên sự an nguy của bản thân, biết quyết đoán, xử dụng cận sự (người giúp việc) để lo cho đạo, phát triển tinh thần hoà hợp tạo được quyến thuộc càng ngày càng đông để làm công tác Phật sự lớn hơn.
  4. Phải có Dũng: Phải là người nhiệt tình đầy quả cảm với công tác Phật sự, không nệ khó khăn, trở ngại, có ý chí kiên định, lập trường dứt khoát. Bốn yếu tố trên có đủ thì chùa chiền hưng thịnh Phật pháp nhờ thế mà được rộng mở mọi nơi, thiếu một trong bốn yếu tố trên thì người làm trụ trì khó thành tựu công tác Phật sự đồng thời cơ sở Phật giáo cũng khó mà phát triển.

Vị trụ trì là một hàng giáo phẩm quan trọng bậc nhất trong việc hoằng dương Phật pháp, bởi lẽ ngôi chùa là nơi quy tụ quần chúng Phật tử, gắn bó với mọi hoạt động của con người xã hội. Sự thịnh suy của ngôi chùa chính là sự thịnh suy của đạo Phật tại địa phương ấy và góp phần vào sự thịnh suy chung của Phật giáo .

( Trích quyển ” Quăng đời mình vào chốn Thiền Môn” của tác giả Thiện Bảo )