Pháp Quán niệm tối thượng

840

Khi Đức Phật sắp nhập Niết-bàn, Tôn giả A-nan than khóc sầu khổ, Ngài dạy rằng mọi sự hiện hữu trên cõi đời này đều phải chịu quy luật biến dịch và hoại diệt, Như Lai cũng không ngoại lệ. Có sinh chắc chắn phải có tử là một sự thật hiển nhiên giữa cuộc đời.

Thế nhưng do tâm lý sợ hãi về cái chết, chúng ta né tránh nó, không dám nghĩ hay nói về cái chết. Chúng ta xem việc nghĩ hay nói về cái chết là điều cấm kỵ, cho đó là điềm gở, điều đen đủi xui xẻo cho mình. Cho nên người ta thường phớt lờ cái chết, xem như nó không xảy ra. Dù cho chúng ta có thể nghe nói về cái chết xảy ra hàng ngày trên báo chí, truyền hình, internet nhưng dường như chuyện đó chỉ xảy ra với người khác chứ không thể với chính mình.

Trái với tâm lý phớt lờ cái chết như vậy, trong kinh Tăng Chi, Đức Phật đã chỉ dạy phải luôn quán niệm về sự chết, bằng cách nghĩ tưởng đến tất cả các nguyên nhân có thể gây ra cái chết như tai nạn, bệnh tật, những rủi ro bất trắc luôn rình rập đe dọa mạng sống, để sống tinh tấn tu tập trong từng giây phút hiện tại.

Giống như mọi thứ khác ở đời, cái chết cũng có hai mặt tiêu cực và tích cực của nó. Cái chết là tàn bạo khủng khiếp, lấy đi sự sống, dập tắt mọi ước mơ và hủy diệt mọi thứ ta đang có. Nhưng đồng thời cái chết cũng là nhân tố để ta thay đổi, phát triển, trưởng thành và sáng tạo. Steve Jobs nói: “Cái chết như là phát minh hay nhất của sự sống. Nó là tác nhân thay đổi cuộc sống. Nó loại bỏ cái cũ và mở đường cho cái mới”. Cái chết được xem là “giai đoạn sau cùng của sự trưởng thành”. Cái chết cho chúng ta nhiều giá trị lợi ích thiết thực. Nhưng chúng ta chỉ nhìn thấy tính tiêu cực của cái chết mà không nhận ra mặt tích cực của nó. Đức Phật với tuệ giác thâm sâu mới nhận chân được giá trị tích cực và khai thác triệt để lợi ích của sự chết: “Có một pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn đưa đến ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giải thoát, Niết-bàn, một pháp đó là gì, chính là quán niệm sự chết”.

Cuộc đời vô thường, mạng sống mong manh, cái chết có thể xảy đến với chúng ta bất cứ lúc nào mà không hề hẹn trước. Ngạn ngữ Tây Tạng nói: “Ngày mai hay đời sau, cái gì tới trước, ta không thể biết”. Có lần Đức Phật hỏi các vị đệ tử, mạng sống con người tồn tại trong bao lâu, người thì nói trong vài ngày, người thì nói trong khoảng một bữa ăn, Đức Phật dạy như vậy là chưa hiểu đạo, chỉ có người nói trong một hơi thở được Ngài khen ngợi, cho là đã hiểu đạo. Mạng sống ngắn ngủi bằng một hơi thở và mong manh như chính hơi thở là một cái nhìn sâu sắc và tinh tế về cuộc đời, tạo cho con người một cảm thức rũ bỏ mọi tham lam chất chứa, tranh giành thiệt hơn ở đời.

Khi cái chết đến, chúng ta dù địa vị lớn đến đâu, tiền tài nhiều cỡ mấy cũng trở nên vô nghĩa. Vậy thì hơn thua, ganh ghét, thù hận để làm gì? Cho nên quán niệm sự chết, xem mình sắp chết, đang đối diện với cái chết giúp chúng ta có trái tim rộng mở hơn với mọi người, không tính toán thiệt hơn, không so đo nề hà.

Chính sự đối diện với cái chết mở ra ý nghĩa cuộc đời, nên ngày nay, một số nơi trên thế giới sáng kiến ra dịch vụ chết thử để giúp con người thử một lần đối diện với cái chết nhằm thay đổi quan niệm và thái độ để sống tích cực, hướng thượng hơn. Nếu chúng ta biết quán niệm sự chết thì mỗi cái chết xảy ra trên thế giới là một cơ hội để ta trải nghiệm cảm giác đối diện với cái chết của chính mình mà không phải mất tiền tìm đến với dịch vụ đó. Ví dụ sáng nay ra phố gặp một đám tang đi qua, chúng ta hãy thử nghĩ mình là người đang nằm trong quan tài được mọi người tiễn đưa kia thì sẽ thấy cảm giác của mình không còn tham lam ham muốn gì nữa, những giá trị mà ta quá xem trọng dồn hết tâm trí để đeo đuổi như tiền tài, danh vọng trở nên hư ảo. Ta nhận ra mọi thứ như sương như khói, chỉ có tấm lòng yêu thương, độ lượng và tha thứ là đáng trân quý. Điều này cũng như sau khi thoát chết từ một tai nạn thảm khốc nào đó, con người trở nên hiền lương, bỏ mọi sự tham lam, cố chấp hẹp hòi, và mở rộng tấm lòng hơn với tha nhân.

Chúng ta trân trọng sự sống vì đời sống có hạn, mỗi ngày qua đi là mỗi bước chân ta đang tiến gần đến cái chết. Chúng ta không thể biết được mình sẽ còn sống được bao lâu, vì vậy bất kỳ giây phút nào cũng có thể được xem là những giây phút cuối cùng trong đời mình. Chỉ khi mang tâm thức như vậy chúng ta mới biết quý trọng sự sống, sống trọn vẹn và ý nghĩa trong từng giây phút ngang qua nỗ lực hết mình làm những điều thiết thực ngay hiện tại đem lại lợi ích an lạc cho mình và mọi người mà không chểnh mảng hay hứa hẹn vào ngày mai. Nhà “sinh tử học” người Mỹ Elisabeth Kubler Ross nói: “Nếu bạn có thể coi cái chết là người bạn vô hình thân thiết trên lộ trình sự sống của bạn – nó nhắc nhở bạn một cách ôn hòa, không nên chờ đến ngày mai mới bắt tay vào làm những việc mà bạn phải làm, thì bạn sẽ học được cách ‘sống’ đúng với ý nghĩa cuộc sống mà bạn đang có, chứ không phải sống dật dờ cho qua ngày đoạn tháng”. Hay nói theo nhà triết học người Đức, Heidegger: “Chính sự giao thiệp với cái chết của chính mình như là một giới hạn tuyệt đối nên con người càng thấy rõ ý nghĩa và tính cấp thiết đích thực của sự làm người”. Hay cọ động và khúc chiết như lời Phật: “Dù sống một trăm năm/Lười biếng không tinh tấn/Chẳng bằng sống một ngày/Tinh tấn tận sức mình”.

Quán niệm sự chết tức là tập làm quen với cái chết, cũng có nghĩa là tập làm quen với sự buông xả. Dù giàu sang phú quý khi chết cũng không mang theo được đồng nào. Quán niệm sự chết tức là nghĩ về sự “trắng tay” và “vô sản” của mình để chúng ta có thái độ nhẹ nhàng hơn với những gì mà mình đang có.

Thường những người chấp thủ vào của cải vật chất rất dễ rơi vào bế tắc, dẫn đến tự kết liễu đời mình khi có biến cố vô thường nào đó xảy đến. Chẳng hạn có người mất số tài sản lớn, không chịu nổi cú sốc đâm ra tự vẫn. Nếu chúng ta có quán niệm sự chết, làm quen với sự buông xả, sẽ cảm thấy mình chẳng có gì để mất. Có tâm buông xả, ta không quá đau khổ khi mất mát cái gì đó, hoặc không quá hậm hực hay tức tối khi lợi lộc vào tay người khác.

Cái chết xảy đến với mọi lứa tuổi, có người chết tuổi trẻ, có người chết tuổi trung niên, có người chết tuổi già, nhưng ý nghĩa đích thực của đời sống không luận dài hay ngắn, sống lâu hay chết trẻ, quan trọng là người đó đã làm được gì và sống như thế nào trong khoảng thời gian hiện hữu trên cõi đời này. Abraham Lincoln, vị tổng thống lỗi lạc thứ mười sáu của Hoa Kỳ, đã ví von ý nghĩa đời người thật hay như thế này: “Mạng sống của con người cũng giống như một áng văn chương, điều quan trọng không phải nằm ở chỗ dài hay ngắn mà là nằm ở nội dung của nó”.

Chết là một phần của của sự sống, nằm ngay trong chính sự sống. Sống và chết là Một, là hai mặt của một thực tại đang vận hành. Khi bạn sinh ra khởi đầu sự sống, cũng đồng thời sự chết bắt đầu. “Sự sống và cái chết tồn tại trong nhau, ẩn mình vào nhau chứ nó không hoàn toàn mất đi”. Khi sự sống hiển bày, cái chết ẩn đi, tồn tại âm thầm lặng lẽ đến nỗi chúng ta không nhận ra nó, và khi cái chết hiển bày, sự sống lại ẩn đi; cứ thế cái ẩn cái hiện song hành cùng nhau trôi theo dòng chảy bất tận của sống chết. Chết vì vậy không phải hết, chấm dứt hoàn toàn, mà chỉ là sự sống tạm thời ẩn đi, khi có đủ nhân duyên nó sẽ hiển bày trở lại.

“Sống là vô thường, chết là điều chắc chắn”. Câu nói này thường gặp trong nhà Phật. Bạn sống như thế nào đó để khi sự sống sắp ẩn đi, cái chết sắp hiện bày, bạn ung dung thanh thản trước sự việc trọng đại của đời mình; không ân hận những điều bạn đã làm, không tự trách bỏ phí một đời người đã qua.

Ngài Milareba nói về Phật giáo bằng một câu thật ngắn gọn: “Tôn giáo của tôi là sống và chết làm sao để khỏi ân hận”. Có một câu nói rất hay cũng diễn tả ý này: “Khi bạn sinh ra tất cả mọi người xung quanh đều cười, riêng bạn thì khóc; bạn hãy sống sao để khi bạn chết đi tất cả mọi người xung quanh đều khóc, chỉ riêng bạn thì cười”. Sống chuẩn bị cho cái chết như vậy hẳn không hề mang ý nghĩa bi quan hay chối bỏ cuộc sống đương tại này mà ngay tại đây và bây giờ, trong chính cuộc sống này, mỗi giây phút bạn sống thật trọn vẹn và ý nghĩa, thì an vui và hạnh phúc có mặt, và chắc chắn sẽ có cái chết thật bình an, mà có cái chết bình an, sẽ hứa hẹn một đời sống kế tiếp thật tươi sáng, tốt đẹp.

Hoàng Nguyên