Những kỷ niệm khó quên

645

Gần mãn Hạ là cuộc thi viết báo tường được  chia làm bốn chúng, trình bày hình thức như tờ báo gồm nội dung và màu sắc. Tham dự cuộc thi báo tường lần này tôi viết bài thơ hóa thân là một vi Ni miền Bắc vì trong thời gian đó có hai mươi vị Tăng Ni từ miền Bắc vào Nam học ở Cao Cấp Phật học cơ sở 2 nay là Học Viện Phật giáo Việt Nam do Hòa Thượng Thích Minh Châu làm Hiệu trưởng. Trong mùa an cư 1989 nhìn thấy vị Ni tôi cảm xúc nghĩ về mẹ khi phải xa quê.

Bài thơ “Nhớ mẹ” được giải nhất báo tường.

Vòng tay nhỏ con ôm tròn tuổi dạ

Mẹ ngọt ngào như gió mát ban mai

Bài ca dao ru con ngủ hằng ngày

Niềm mơ ước đưa con vào cuộc sống

Dòng sa ngọt nuôi con từng hơi thở

Mẹ hiền ơi con đang nhớ mẹ đây

Dù xa xôi nơi thành phố đông dày

Lòng con trẻ không khuây niềm thương nhớ

Chiều Vĩnh Nghiêm nơi vùng đất lạ

Gió Thu về thổi lạnh buốt tim côi

Giờ này đây nơi miền Bắc xa xôi

Mẹ trông nhớ thương con nơi xa cách

Mưa đổ ht trên mái nhà lách tách

Hạ xa quê xa cách mẹ thân yêu

Càng ng suy con thương nhớ mẹ nhiều

Trong gian khổ thêm sầu vương khóe mắt

Hẹn gặp mẹ khi con vể đất Bắc

Cài lên con một đóa thm hoa hồng

Mẹ mỉm cười nhìn con vẫn thong dong

Trong chiếc áo màu nâu sòng đất cũ

*

Giảng đường Chùa Vĩnh Nghiêm mùa An cư Kiết hạ năm 1983

(tác giả Thiện Bảo ngồi người thứ 5 hàng đầu từ trái qua) 

Đến năm 1990 ban tổ chức dời về chùa Phật Học Xá Lợi. Trong những khóa An Cư Vĩnh Nghiêm và Xá Lợi các hành giả an cư đều là những vị trụ trì các tự viện trong thành phố và một số vị các tỉnh miền Tây lên tham dự. Những năm tháng đó đã để lại trong lòng tôi những kỷ niệm khó quên cho sự sống chung trong tinh thần hòa hợp chúng. Các khóa an cư đó cũng đào tạo cho Giáo Hội những giảng sư trẻ có năng lực, nhiệt huyết, có năng khiếu giảng, có đạo hạnh tốt. Dấn thân đi về miền Tây khi đó là các giảng sư trẻ như thầy Đạt Đạo, thầy Hạnh Huệ, thầy Thiện Nghĩa, Thiện Bảo…

Một kỷ niệm rất đặc biệt, đó là mùa An Cư Kiết Hạ do Tỉnh hội Phật giáo Cà Mau tổ chức tại Chùa Quán Thế Âm (ở đây thường gọi là Chùa Phật Tổ) vào năm 1989, khi đó Hòa thượng Thích Hiển Giác trưởng ban trị sự tỉnh cũng là trụ trì ngôi chùa này, tôi được phân công giảng Hạ tại đây. Hôm tôi ra về thì điện cúp, đêm đó, Tăng Ni thắp đèn dầu và đèn cầy xếp hai hàng đưa tôi ra khỏi cổng chùa. Hình ảnh lung linh ngày nào vẫn in đậm trong tâm trí tôi, cảm động vô cùng. Sự lưu luyến chân thành từ vùng đất xa xôi cho tôi thấu hiểu lòng mong muốn được có cơ hội thu nhận kiến thức như chính tôi ngày trước. Điều đó là một trong những động lực khơi dậy bao hoài bão và nhiệt huyết trong tôi, tạo cơ hội cho tôi góp phần dấn thân trong nhiều hoạt đồng của Giáo Hội.

Cũng từ những năm này tôi có cơ duyên đến với báo Giác Ngộ, qua những bài viết và những bản tin. Năm 1997 bài viết đầu tiên của tôi được đăng báo Giác Ngộ “Đi tìm  mô hình cho lớp học Tình Thương” viết về lớp học Tình Thương chùa Châu Lâm quận Bình Thạnh đạt giải khuyến khích báo chí toàn thành phố do Hội Nhà Báo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Buổi phát giải được tổ chức tại Đài Phát Thanh, những vị trao giải và các phóng viên khi thấy một vị tu sĩ Phật giáo mặc áo nâu lên nhận giải, ai cũng ngạc nhiên. Anh Thẩm Tuyên  là thư ký tòa soạn báo Người Lao Động lúc bấy giờ cứ theo hỏi thăm tôi và cũng từ đó tôi quen biết thêm một vài anh chị phóng viên đang làm việc ở các tờ báo khác.

Sau đó, tôi trở thành phóng viên, Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Cộng tác viên để đến năm 1995 tôi được đề bạt làm Phó trị sự rồi Thư Ký tòa soạn …

*

Lời tâm tình:

“…Người đời ai cũng theo đuổi một sự nghiệp. Người xuất gia cũng có sự nghiệp của mình, nhưng sự nghiệp của người xuất gia rất khác với sự nghiệp ở ngoài đời. Ở ngoài đời, người ta cần có một bằng cấp, một địa vị, một danh tiếng để có thể gọi là thành công. Sống trong chùa với tư cách một người xuất gia, chúng ta không cần một cái bằng cấp, dầu là bằng cấp Cao Đẳng Phật Học, chứ đừng nói là bằng cấp cử nhân hay tiến sĩ. Có nhiều nhà tu cho rằng sự nghiệp của họ là ngôi chùa của họ, là địa vị của họ trong giáo hội và trong xã hội. Có những nhà tu có bằng cấp tiến sĩ và rất bằng lòng với cái bằng cấp đó. Có người cho rằng sự thành công của họ là một ngôi chùa lộng lẫy, có nhiều bổn đạo lui tới. Họ làm Hội trưởng Hội Phật Giáo, họ làm viện chủ, họ làm Hòa thượng, và có khi họ làm học giả. Họ cho xuất bản những cuốn sách rất có tính cách bác học, để chứng tỏ rằng họ có khả năng nghiên cứu uyên thâm. Hạnh phúc của họ nằm ở trong những thành tựu đó. Họ có thể được ca ngợi là một học giả uyên thâm, là một người đậu bằng cấp cao, là viện chủ một ngôi chùa lớn có nhiều bổn đạo… Nhưng những thành tựu đó không phải là mục đích của người xuất gia. Người xuất gia trẻ có nên ao ước địa vị của những người ấy không? Chúng ta phải chiêm nghiệm về vấn đề này rất kỹ, bởi vì trong giới những người xuất gia trẻ có rất nhiều người hiện đang hướng theo con đường này, dùng thời giờ và năng lượng của đời mình để chạy theo những cái bả danh lợi, dù là những bả danh lợi trong phạm vi nhà chùa. Cái năng lượng của sự ao ước đó thúc đẩy chúng ta đi học, đi nghiên cứu, đi vận động… Cái năng lượng đó không phải là Bồ Đề Tâm. Cái năng lượng đó chỉ là tâm Danh Lợi trá hình dưới Bồ Đề Tâm. Ước muốn làm học giả Phật Học, ước muốn làm giáo sư Phật Học nổi tiếng, ước muốn thi đậu một bằng cấp lớn, ước muốn làm viện chủ một thiền viện hoặc một tu viện lớn, ước muốn được người ta cung kính, trọng vọng và cúng dường…

Những ước vọng ấy quyết không phải là Bồ Đề Tâm.

Hiện bây giờ, có biết bao nhiêu người tu trẻ đang bị kẹt vào cái thế đó mà không tự biết, cứ nghĩ rằng mình đang thực sự tu đạo và phục vụ cho đạo. Trong khi đó, sự nghiệp của người xuất gia cao cả hơn nhiều. Đi xuất gia là để chuyển hóa những khổ đau, để đạt tới hiểu biết lớn, tức là Đại Giác Ngộ, để đạt tới tình thương lớn, tức là Đại Từ Bi, để đạt tới cái tự do lớn, tức là Đại Tự Tại. Đây không phải là những danh từ, đây là những cái ta có thể thực hiện được bằng sự tu tập. Nhìn cho kỹ, ta thấy có những người có hiểu biết lớn, tình thương lớn và tự do lớn. Những người có hiểu biết, thương yêu và tự do là những người có hạnh phúc và khả năng ban phát hạnh phúc. Có những người có bằng cấp lớn, làm học giả nổi tiếng, làm viện chủ những ngôi chùa lớn nhưng không có những yếu tố đó. Họ không có hạnh phúc chân thực.

Khi ta thấy ta đã có thêm hiểu biết, thương yêu và tự do là ta đã có chuyển hóa. Sự chuyển hóa ấy là do công trình tu học của ta và nhờ đó ta biết là ta đã có khả năng độ người. Người khác đến học với ta không phải vì ta là viện chủ một ngôi chùa lớn, không phải vì ta có một hoặc hai, ba hay bốn cái bằng tiến sĩ, mà là vì ta có một cái gì mà người ấy không có, cái đó là đức độ của ta, tự do của ta, những pháp môn tu tập và chuyển hóa của ta, những pháp môn mà chính ta đã thực tập.

Tại Làng Mai, mỗi mùa hè, mỗi mùa thu, người tới tu tập rất đông, trong số đó có rất nhiều người có bằng tiến sĩ. Những người ấy tới quyết nhiên không phải vì ta có bằng cấp tiến sĩ, mà vì ta có vững chãi, thảnh thơi, an lạc và giải thoát. Mục đích cao cả nhất của người tu là đem lại chất liệu của vững chãi, thảnh thơi và an lạc vào cơ thể và tâm hồn của mình, và nhờ vậy mà mình có khả năng độ người. Ta có thể giúp cho những người tới với ta vượt thoát những hố sâu của phiền muộn và khổ đau của họ. Mục đích của người xuất gia là để làm một vị thầy có khả năng đưa người ra khỏi nẻo khổ đau tăm tối của họ – đưa bằng đức độ mình, bằng trí tuệ mình, bằng giải thoát mình, bằng đạo đức mình, chứ không phải bằng tiền bạc và quyền thế. Đọc ở trong kinh Bát Đại Nhân Giác, dạy về tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân, ta thấy câu ‘‘duy tuệ thị nghiệp”, có nghĩa chỉ có sự hiểu biết lớn mới là sự nghiệp duy nhất của người xuất gia. Sự nghiệp của người tu là sự hiểu biết lớn, mà như ta đã biết, hiểu biết lớn là thương yêu lớn. Hiểu biết ở đây là Bồ Đề, không phải là kiến thức có thể chất chứa trong khi học hỏi. Khi ta chất chứa những học hỏi ở nhà trường, hoặc ở Viện Cao Đẳng Phật Học, thì dầu những kiến thức đó là những kiến thức Phật Học, chúng cũng chỉ là những kiến thức mà thôi. Người ta có thể nói thao thao bất tuyệt về kinh điển Tam Tạng, nhưng những điều người ta nói có thể không dính líu gì đến sự sống hàng ngày của người ta cả – người ta vẫn hẹp hòi, vẫn ganh tị, vẫn nhỏ nhen, vẫn sân si như thường – thì kiến thức, dầu là kiến thức Phật Học, cũng có ích lợi gì cho người ta và cho chúng ta đâu? Kiến thức không phải là hiểu biết. Chính cái hiểu biết gọi là Bồ Đề mới giải phóng được cho ta khỏi những u mê, những khổ đau và giúp ta trở nên thảnh thơi, nhẹ nhàng và an lạc, giúp ta có khả năng tự độ và độ người. Đó là mục tiêu đích thực của người tu. Cho nên mỗi khi thấy các cô các chú đang lao đầu vào chuyện đi học đời để có thể giật được một bằng cấp, chúng ta rất lấy làm thương cảm. Chúng ta biết rằng họ đang không đi đúng đường và sau này họ sẽ đau khổ và hối hận.

Có những trường Phật Học trong đó người học tăng học hối hả, cố nhét vào đầu càng nhiều kiến thức càng tốt, mà không có cơ hội đem những gì mình học áp dụng vào đời sống hằng ngày. Những kiến thức này không được tiêu hóa. Người dạy nói rất nhiều, người nghe ghi chép rất nhiều, nhưng những điều được nói, được nghe hình như không có ảnh hưởng gì đến những đau khổ, khó khăn và xung đột trong tâm tư và trong đời sống hàng ngày của họ. Viện Phật Học tốt là nơi người học tăng có cơ hội dự pháp đàm, tiếp nhận những pháp môn thực tập và cùng thực tập với tăng thân của họ. Pháp môn phải chứng tỏ là có hiệu quả và có khả năng chuyển hóa thì đời tu học mới có hạnh phúc. Cũng như ở các trường y khoa, khoa học, mỹ thuật, sinh viên phải thực tập và thực tập phải thành công, Viện Phật Học cũng là một tu viện trong đó người học tăng phải thực tập cho thành công, nghĩa là chuyển hóa được khổ đau nội tâm và thiết lập được liên hệ tốt đẹp với các thành phần khác của tăng thân. Từ ba tháng đến sáu tháng mà không thấy có chuyển hóa gì trong thân tâm thì ta biết là pháp môn ta thực tập chỉ có giá trị hình thức. Ta phải lập tức đi cầu cứu với thầy và với bạn…( Trích Bước Tới Thảnh Thơi của thầy Nhất Hạnh)

( Trích quyển ” Quăng đời mình vào chốn Thiền Môn” của tác giả Thiện Bảo )