Duyên kỳ diệu của má- Niệm Phật đường Nguyên Hương

635

DUYÊN KỲ DIỆU CỦA MÁ

Trong khi tôi tự xoay sở ở Sài Gòn thì ở quê nhà má lâm bịnh nặng. Tính cách của má là gặp khó khăn thì âm thầm tự tìm cách giải quyết chớ không muốn làm phiền ai, cả con cái má cũng không nói gì, đến khi sự việc giải quyết xong thì má mới thủng thẳng kể lại như kể một câu chuyện vui vui!

Mẹ của tác giả Thiện Bảo người thứ 2 bên trái nhìn vào 

Mùa hè tôi về thăm. Má kể là có một vị Sư cô đến chùa Bửu Thọ lễ Phật, thấy chùa vắng trụ trì, Sư cô nói với bà Tư già giữ chùa cho Sư cô ở lại nhập thất. Trong thời gian Sư cô ở lại tu thì má tôi là người hộ thất. Bất ngờ má đổ bịnh, lở loét cả hai tay và khắp người chảy nước vàng rất gớm, Sư cô cho biết trước đây học ngành y và chính tay Sư cô săn sóc thay băng rắc thuốc chữa chạy cho má tôi đến khi lành bịnh. Lúc kể lại chuyện này thì má đã khỏe mạnh, anh chị em tôi không người nào biết khi má đang bị bịnh.

Cuộc đời của má có mối duyên kỳ diệu với quý Sư cô. Sau này, khi tôi được  trung tâm Chùa Việt Nam ở Houston – Taxas mời qua dự lễ Vía Bồ Tát Quán Thế Âm thì ở nhà má tôi bị trợt té phải vào bệnh viện. Trong khi tôi chưa thể về ngay được thì may sao có Ni sư Như Lợi và Phật Tử Như Ngộ đưa má tôi vào bệnh viện Nguyễn Trải và hết lòng chăm sóc.

NIỆM PHẬT ĐƯỜNG NGUYÊN HƯƠNG

Tôi ở Huệ Quang được chưa đầy hai năm, một trong những Phật sự thầy An Ngộ giao tôi làm thường xuyên là qua Niệm Phật Đường Nguyên Hương hướng dẫn Phật tử làm lễ sám hối hằng tháng. Một số Phật tử lúc bấy giờ có cảm tình ngỏ ý mời tôi về trụ trì Niệm Phật Đường Nguyên Hương, bản thân tôi cũng muốn được tự chủ, nhưng thầy An Ngộ không đồng ý.

Tôi tuy chỉ là một vị Tăng ở chúng chứ không phải đệ tử xuất gia hay y chỉ, nhưng thầy An Ngộ xem tôi như đệ tử của thầy. Thầy không đồng ý để tôi qua Nguyên Hương bởi vì thầy muốn tôi ở lại cùng chăm lo công việc ở Huệ Quang, đó là thầy có lòng thương mến tin cậy tôi. Nếu người không hiểu sự tình thì dễ hiểu lầm là thầy ghét tôi, bởi vì thầy dùng đủ mọi cách ngăn cản. Trước đây, trò chuyện với mọi người thầy khen tôi bao nhiêu thì nay thầy nói ngược lại để Phật tử đừng mến tôi nữa! Thậm chí thầy bàn bạc với Thượng tọa  Thích Tịnh Trí Chánh đại diện Quận 3 lúc bấy giờ và tìm giới thiệu một vị thầy khác về trụ trì Nguyên Hương.

Thầy nói và làm đủ điều để tôi ở lại Huệ Quang, mà Phật tử ở Nguyên Hương thì lại muốn mời tôi về. Thậm chí, cô Diệu Quang còn vẽ bùa dán trong Niệm Phật Đường Nguyên Hương nhằm hù dọa và nói ngoài chú Thiện Bảo thì không ai có thể về nơi đây! Xảy ra chuyện thầy Trí Thông là chúng ở chùa Vạn Thọ xuống định về Nguyên Hương được một tuần thì phải rời đi vì Phật tử không chịu hợp tác.

Ngày rời Huệ Quang, tôi đắp y đảnh lễ thầy An Ngộ. Đến lúc đó thầy vẫn không muốn tôi đi. Cuộc chia tay không được thầy bằng lòng nhưng tôi luôn giữ lễ với thầy. Sau này, những ngày lễ lớn hoặc khi cúng dường tôi đều đích thân đến kính thỉnh thầy. Dù có lúc Phật tử ở hai nơi qua lại thăm chơi trò chuyện nói ra nói vào tôi vẫn giữ thái độ của người nhỏ đối với bậc trưởng thượng và là ân nhân mà tôi đã từng nương tựa một thời gian ở chúng tại ngôi chùa này.

*

Niệm Phật Đường Nguyên Hương lúc đó là một căn nhà nhỏ trong khu phố nằm trong hẻm đường Nguyễn Đình Chiểu Quận 3 (trước đây là đường Phan Đình Phùng), bề ngang rộng hai mét rưỡi và chiều dài cỡ mười mét, mái ngói, chánh điện là một cái gác gỗ cũ kỹ.

Phía trên thờ tượng Phật cao khoảng sáu mươi phân làm bằng thạch cao, bàn thờ bằng ván ép nên khi lạy xuống bàn Phật rung rinh nhẹ. Phía sau bàn Phật là cầu thang bằng gỗ và sau đó có một căn phòng khoảng bốn  mét vuông là chỗ tôi ngủ nghỉ.

Tôi về nhận trụ trì vào tháng 2/1974. Khi đó, Nguyên Hương không có gì, không có nồi để nấu cơm, không có đồng hồ nước, không có nhà tắm… tất cả là con số không. Cái gác gỗ ọp ẹp đến nỗi mỗi lần có người lên lạy Phật thì nó rung theo từng bước chân. Lễ sám hối, có vài chục Phật tử, căn gác rung lắc liên tục, ai mới đến lần đầu tha hồ hồi hộp!

Thời gian đầu ở Nguyên Hương rất nhiều khó khăn, vật chất đã đành, về tinh thần thì khó khăn gấp bội vì quá mới mẻ với một Sa di trẻ như tôi. Má lên thăm, thấy tôi chỉ có một mình mà Phật tử lui tới thì người nọ người kia, người hài lòng người trách hờn, được lòng người này mất lòng người khác, kẻ buồn, người giận, mà tuổi tôi còn quá trẻ để biết cách ứng xử với cương vị của một vị trụ trì. Má nói “Thôi ông về quê cất thất tu cũng được, mình có đất, đâu cần phải ở đây, tôi thấy ở đây Phật tử sao mà nhiều chuyện quá” Tôi trả lời không sao đâu thì má nói “Tôi chưa bao giờ trách móc nặng lời dù ông là con tôi, vậy nên tôi cũng không muốn ai trách móc nặng lời.” Tôi biết vì rất thương tôi nên má xót xa lắm. Tôi hay nói “Không sao đâu má, chúng sanh mà.”

Mỗi lần sám hối Phật tử đều mua hoa chuối và trái cây như cam, quýt, bưởi… dâng bàn thờ Phật. Cho dù có trách móc này kia nhưng sau một năm kể từ khi tôi đến thì ngày càng có nhiều Phật tử lui tới tụng kinh thường xuyên. Tôi được cúng dường cái xe đạp để tiện việc đi học vào buổi sáng. Có Phật tử Diệu Đức (thường gọi cô Ngọc) đứng ra đề nghị và vận động thỉnh Đức Phật cao 1m20 thay tượng Phật bằng thạch cao thờ ở chánh điện và tượng Bồ Tát Quán Thế Âm tôn trí  tầng dưới. Cô Ngọc nói chùa mình không có gì để người dân đi qua đi lại nhận biết nên phải có tượng Bồ tát để mọi người nhìn vào biết là chùa và vào lễ bái. Cũng cô Ngọc đã vận động chị em Phật tử chợ Vườn Chuối hàng tháng mua hoa huệ thay cho hoa chuối và có thêm vài loại trái cây nhiều màu sắc cho dĩa cúng trên bàn thờ đẹp mắt hơn và khi đi chợ cô xin thực phẩm tươi tốt hơn để nấu cho tôi ăn… Nhờ Phật tử nhiệt tình trợ duyên, mọi sinh hoạt trong chùa dần ổn định hơn so với những ngày đầu.

Có một người mà tôi nhớ mãi, đó là cô Diệu Quang, một Phật tử nghèo mà giàu đạo tâm. Thấy cảnh chùa ban đầu thiếu thốn thấy tôi vất vả, cô đi xin từng thùng nước gánh về cho việc tắm giặt và nấu ăn, suốt cả năm như vậy. Ngoài việc làm công quả gánh từng thùng nước, cô còn ra chợ Đủi xin rau đậu nấu cho tôi ăn. Đến khi tôi xin làm sổ gia đình chuyển hẳn qua Nguyên Hương và làm đơn xin sở Thủy Cục (cấp nước) thành phố đặt đồng hồ nước, cô Diệu Quang mới bớt cực.

*

Ở Nguyên Hương chỉ có mình tôi nên má lên thăm thường xuyên, mỗi năm vài ba lần, mỗi lần lưu lại cả tháng. Không có phòng riêng nên má kê cái ghế dài ở một góc phía dưới căn gác gỗ.

Mỗi lần lên thăm má thường mang quà ở dưới quê biếu Phật tử, lúc về thì mua bánh kẹo, trà sâm về biếu chú và các cậu… Thấy má tằn tiện không chi tiêu gì cho chính mình mà lại rộng rãi quà cáp cho người khác, có lần tôi nói “Sao má lại mua quà cho những người mà trong lúc  gia đình mình gặp khó khăn họ chưa bao giúp đỡ?” là tôi có ý nhắc chuyện trước đây, khi ba tôi nằm xuống, má chạy vạy mượn tiền lo tang lễ mà cả ông cậu và ông chú đều lắc đầu. Má đáp lời bình thản  “Chuyện qua rồi nhắc làm chi. Ai ở sao thì ở mình cứ hãy làm tròn bổn phận với mọi người.”

Câu nói của má thức tỉnh tôi, đi tu mà còn để bụng chuyện buồn vui, còn má chưa được học kinh Phật mà xử sự thắm đượm tinh thần của một Phật tử hiểu đạo.

*

Nhằm đáp ứng yêu cầu của một vị ra làm trụ trì,  tháng 11 năm 1974 tôi thọ Tỳ Kheo vào dịp Đại giới đàn do Tổ đình Linh Sơn Quận 1 tổ chức tại  Chùa Phật Ân ở Tiền Giang – Mỹ Tho do Hòa thượng Thích Nhật Minh làm đàn đầu.

( Trích quyển ” Quăng đời mình vào chốn Thiền Môn” của tác giả Thiện Bảo )