Con đường trung đạo

1083

Ngày mùng Tám tháng Chạp hàng năm, Phật tử vân tập về chùa dự lễ mừng ngày thành đạo của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nhưng khi được hỏi, Đức Phật đã đi theo lộ trình nào, nội dung tâm chứng của Ngài là gì, Ngài thành tựu quả vị tột cùng ra sao, thì có nhiều người chưa hiểu tường tận. Mà nếu chưa rõ con đường Ngài đã đi và đã đến đích, làm sao chúng ta có thể đi theo Ngài, tu hành có kết quả?.

 

Vì thế, nhân ngày Đức Bổn Sư thành đạo, chúng ta hãy cùng tìm hiểu quá trình tu tập của Ngài trong suốt 49 ngày đêm thiền định dưới cội cây Tất bát la, bên dòng Ni Liên Thuyền, cách đây 2545 năm. Từ đó chúng ta có thể rút ra những bài học bổ ích cho mình, tinh cần bước theo dấu chân Ngài để đạt mục đích cuối cùng của đời tu, là giác ngộ và giải thoát.

Lúc còn ở trong cung vua, Thái tử Sĩ Đạt Ta hưởng thụ mọi dục lạc, với danh vọng quyền uy tột đỉnh. Đối với người bình thường, không còn gì hơn thế nữa. Nhưng đối với Thái tử, người đã có căn cơ tu hành kỳ đặc, những thú vui trần thế chỉ là ràng buộc, là cạm bẫy chứ không phải là hạnh phúc đích thực. Khi gặp các cảnh già, bệnh, chết nơi cửa thành, Ngài suy gẫm về con người, về ba câu hỏi lớn: “Con người từ đâu sinh ra? Sau khi chết đi về đâu? Có cách nào thoát khỏi vòng sinh tử?”. Vì thế, bỏ lại sau lưng cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh, bỏ cả phụ vương già yếu và di mẫu kính yêu, Ngài vượt thành xuất gia, mong tìm đạo để cứu mình giúp đời.

Trở thành Sa môn Cù Đàm, Ngài tu học với các vị tiên nhơn, đạt các mức thiền định Không Vô biên xứ, Thức Vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, là những tầng thiền cao nhất lúc bấy giờ. Nhưng Ngài chưa thỏa mãn với các trạng thái tâm chứng ấy, vì chúng chưa giúp Ngài giải quyết hoàn toàn những vấn đề dằn vặt từ lâu. Cùng với năm anh em Kiều Trần Như, Ngài thực hành pháp tu khổ hạnh, tinh chuyên đến độ thân hình chỉ còn da bọc xương. Ròng rã sáu năm trời, thể xác kiệt quệ, tinh thần u ám, Ngài vẫn không tìm ra lối thoát.

Bằng kinh nghiệm thất bại của bản thân, Sa môn Cù Đàm đã nhận ra rằng: Ở cực đoan thứ nhất, đời sống lợi dưỡng và cám dỗ của ngũ dục thường làm con người trở nên yếu hèn nhu nhược, làm cản ngăn tiến bộ đạo đức tâm linh. Ở cực đoan thứ hai, quá khổ hạnh ép xác làm thân thể hao mòn, sinh nhiều bệnh tật, ảnh hưởng không tốt đến tinh thần. Thân và tâm là hai thành tố liên hệ chặt chẽ với nhau trong một cơ thể con người. Nếu ăn uống điều độ, vận động hợp lý, sức khỏe sẽ tăng tiến, tinh thần sáng suốt và tâm dễ an định khi tọa thiền. Ngài nhớ ngày theo phụ vương dự lễ hạ điền, năm mới chín tuổi. Nhìn thấy những con giun đất quằn quại dưới lưỡi cày, lại bị chim sà xuống tha đi, Thái tử buồn bã đến ngồi dưới gốc cây hồng táo, chiêm nghiệm về sự cạnh tranh sinh tồn và lẽ vô thường của vạn vật. Trầm tư quán tưởng một thời gian khá lâu, quên hết quang cảnh chung quanh, vị Thái tử chín tuổi đã chứng được Sơ thiền không mấy khó khăn. Trạng thái này, Ngài đã không tìm lại được trong sáu năm đày đọa thân xác, chứng tỏ phép tu khổ hạnh không đem lại kết quả thiết thực cho đời tu của Ngài. Vì thế, Ngài quyết định theo con đường trung đạo: ăn uống ngủ nghỉ vừa phải theo nhu cầu tối thiểu của bản thân, đồng thời nỗ lực công phu thiền tập. Ngài tự mình làm thầy cho chính mình, sử dụng niềm an lạc do thiền định đưa đến làm thức ăn cho thân tâm.

Nhờ quyết định đúng đắn này, Sa môn Cù Đàm lấy lại được sức khỏe cho thân xác và sự minh mẫn cho tinh thần. Ngài dành hết thì giờ và tâm trí vào việc hạ thủ công phu, tọa thiền dưới gốc cổ thụ liên tiếp trong 49 ngày đêm ròng rã, sau lời thề nguyền sấm sét: “Ta ngồi nơi đây gia tâm thiền định, dù thịt nát xương tan, nếu chưa chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ta quyết không rời khỏi chỗ này!”.

Đầu tiên, Ngài chú tâm vào hơi thở, trong trạng thái giác quán (tầm tứ) Ngài lìa cả năm dục. Tâm lần lần an định và phát sinh niềm vui như đã đạt được trong buổi lễ hạ điền thuở trước. Đây là mức Sơ thiền, Ly sanh hỉ lạc, do lìa sự tham đắm ngũ dục nên được niềm hỷ lạc trong thiền dịnh. Tiếp tục bám sát hơi thở, đi sâu vào hơi thở, Ngài đẩy lui tầm tứ. Tâm thanh tịnh trong mức định sâu, phát khởi niềm vui vô biên của Nhị thiền, Định sanh hỷ lạc. Vào định sâu hơn, Ngài nhận rõ rằng, niềm vui của thiền định ở những bước đầu, tuy thù thắng hơn cái vui trần thế, nhưng nếu chấp trước vào đó sẽ là chướng ngại trong công phu. Cho nên, Ngài buông xả cái vui thô ấy, tiếp tục đi sâu vào cảnh giới thanh tịnh, hưởng được cảm giác diệu lạc là niềm vui vi thế của Tam thiền, tức Ly hỷ diệu lạc. Đến khi thân tâm và hơi thở hòa nhập trong trạng thái nhất như, Ngài buông xả hoàn toàn mọi ý niệm thế gian và cả những niềm vui xuất thế. Được nhất tâm thanh tịnh, Ngài chứng Tứ thiền là Xả niệm thanh tịnh.

Bốn cảnh giới từ Sơ thiền đến Tứ thiền, tuy là kết quả dành cho những hành giả thoát ly ngũ dục và chuyên tu thiền định, nhưng vẫn còn thuộc cõi trời Sắc giới, chưa thoát khỏi luân hồi. Chưa đạt đến ý nguyện, Sa môn Cù Đàm vẫn kiên trì thiền định dưới cội cây Tất bát la ngày này qua ngày khác, dùng ánh sáng chánh niệm chiếu soi thân tâm và toàn thể vũ trụ. Đến đêm thứ 49, đêm cuối cùng của chặng đường tìm đạo, sự kiên nhẫn phi thường và ý chí xung thiên của Ngài đã được đền bù xứng đáng. Vào cuối canh một, do chánh niệm sung mãn đưa đến định lực mạnh mẽ và trí huệ siêu xuất, Ngài thấy rõ những kiếp sống đã qua của mình trong vô lượng kiếp. Đây là tuệ giác đầu tiên trong đêm thành đạo, gọi là Túc mạng minh. Đến cuối canh hai, Ngài thấy tất cả chúng sanh trong khắp pháp giới, sau khi bỏ thân xác này lại theo nghiệp thọ sanh nơi khác, mãi mãi không cùng tận. Cái thấy này là Thiên nhãn minh hay Sanh tử trí, diệu dụng của bản tâm thanh tịnh hằng giác hằng tri.

Vì sao Sa môn Cù Đàm thấy rõ những kiếp quá khứ, của mình và của chúng sanh từ vô thuỷ, vượt xa tất cả những bậc đạo sư đương thời?

Khi hồ nước đục ngầu, người đứng trên bờ không thấy gì ở dưới đáy hồ; nhưng khi nước hồ trong vắt, tất cả động thực vật dưới ấy đều hiện rõ. Hồ tâm của chúng sanh bị bụi phiền não tham sân si làm vẩn đục, chỉ nhận được hiện tượng trước mắt và một phần nhỏ cảnh đời đã qua của bản thân mình. Khi phiền não nhiễm nhơ dứt sạch, hồ tâm trong sáng, hành giả thấy rõ ràng những sự kiện xảy ra từ vô lượng kiếp quá khứ, không những của chính mình mà còn của toàn thể vũ trụ và chúng sanh. Tâm của Ngài nhuần nhuyễn tịch lặng, cái thấy của Ngài là do trực giác phóng xuất, nên không có gì ngăn ngại, siêu vượt cả thời gian và không gian.

Tiếp tục lặn sâu vào các cõi miền của tâm thức để khám phá hết những bí mật ngàn đời của tự thân và vạn pháp, Sa môn Cù Đàm thoát khỏi Dục lậu, Hữu lậu và Vô minh lậu, phá tan ngục tù vô minh tăm tối, quét sạch tận cùng những phiền não lậu hoặc. Ánh sáng bừng lên, ngôi nhà lập tức thoát khỏi bóng đêm vĩnh kiếp; ánh sáng giác ngộ chiếu soi cùng khắp pháp giới, Ngài vĩnh viễn thoát khỏi phiền não vô minh, vĩnh thoát sinh tử luân hồi! Thành tựu Viên mãn giác, chứng Lậu tận minh, Sa môn Cù Đàm thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bậc Chánh đẳng giác trên tất cả trời người và các đạo sư ngoại đạo. Bấy giờ là cuối canh ba, lúc sao Mai vừa mọc, năm Ngài được 35 tuổi.

Trở thành Bậc Giác Ngộ, Ngài đã giải đáp được ba vấn đề trọng đại về sinh tử đeo đẳng Ngài suốt bao nhiêu năm. Đây là khúc ca khải hoàn của một người vừa đạt được chiến công oanh liệt nhất – tự chiến thắng chính mình: “Ta đã được giải thoát, sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, đã đặt gánh nặng xuống, không còn trở lui trạng thái này nữa. Như vậy, ta là Phật!”. Vì không còn dính mắc với sáu trần, tâm không khởi niệm khi đối duyên xúc cảnh, nên Ngài không còn tạo nghiệp để quẩn quanh trong vòng sanh tử. Tâm đã sạch phiền não lậu hoặc, không còn chấp ngã và ngã sở, công phu của Ngài đến đây đã hoàn tất và không bao giờ còn bị vô minh che mờ tự tánh hằng tri hằng giác. Do sự giác ngộ của Ngài đã viên mãn và tột cùng, nên Ngài là Phật!

Đức Phật lại nói: “Pháp này do ta chứng được thật là sâu kín, khó thấy khó chứng, tịch tịnh cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người có trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó thấy được định lý Y tánh duyên khởi pháp, thật khó thấy được định lý tất cả hành là tịch tịnh, tất cả sanh y (ngũ uẩn) được trừ bỏ, ái được đoạn tận, ly dục, ái diệt, Niết bàn”. Nếu không có công phu thiền tập, không có những giây phút trong trạng thái yên ổn vô tâm, ta sẽ không hiểu nổi trạng thái tâm chứng của Đức Phật. Chúng sanh mãi dong ruổi theo trần cảnh, ham thích ái dục nên bị nghiệp lôi dẫn, không thể nào thấy được định lý Y tánh duyên khởi pháp. Nhìn một cành hoa bằng chánh niệm, ta thấy hoa do nhiều duyên hợp lại mà thành: hạt giống, đất, nước, ánh sáng mặt trời… nên nó là một pháp do duyên khởi. Hoa còn duyên thì nở, hết duyên lại tàn. Nhưng dù tàn hay nở, hoa vẫn không ngoài tự tánh chân như bất động. Các pháp đều từ tự tánh bất sinh ấy mà sinh ra, từ tự tánh bất diệt ấy mà diệt đi. Pháp có sinh có diệt, nhưng tự tánh của các pháp chưa từng sinh diệt bao giờ. Tự tánh của các pháp là không, vì duyên hợp nên tạm có, nên Sắc tức thị không – tinh thần của Bát Nhã. Và vì các pháp hiện khởi từ tự tánh không, nên gọi là Y tánh duyên khởi pháp.

Vì sao “tất cả hành là tịch tịnh?”. Các pháp luôn luôn biến đổi không ngừng nên gọi là hành. Nhưng trong dòng luân lưu bất tận ấy, trong cái sinh diệt vô thường ấy vẫn có một sát na bất động vĩnh hằng, vẫn có cái chân thường hằng hữu. Các pháp dù đang sinh, vẫn không ra khỏi thể bất sinh; dù đang diệt vẫn không ngoài thể bất diệt. Các pháp trùng trùng duyên khởi, nhưng từ chỗ phi duyên mà khởi các duyên, từ chỗ không mà thành có tướng. Đây là điều rất sâu xa huyền diệu và khó tin khó hiểu, chúng ta phải lắng sâu tâm thức, an định trong thiền mới có thể nhận được đôi phần.

Đức Phật là bậc vô sư tự ngộ. Ngài đã từng bảo, Ngài thành tựu đạo quả là do tự mình nỗ lực chứ không có thầy, càng không có một đấng quyền năng nào giúp đỡ. Tinh thần tự lực của đạo Phật là một đặc điểm hiếm có trong các tôn giáo, chứng tỏ những gì Phật dạy đều từ chỗ Ngài thấy được, chứng được trong đêm thành đạo, chứ không do suy diễn ước đoán. Khi tâm luôn an trú trong giờ phút hiện tại, nhận biết mọi sự vật hiện tượng như chúng đang là, không khởi một niệm phân tích hai bên (có – không, đẹp – xấu…), chúng ta sẽ có cái thấy, cái biết như thật mà Đức Phật gọi là Như thị tri – Như thị kiến. Giác ngộ chính là lãnh hội thực tại bằng trực giác, không qua trung gian suy luận phân biệt nhị biên; chính là kết quả công phu nỗ lực tự thân, chứ không phải và không thể là sự ban ơn của thần linh hay của chư Phật, Bồ tát.

Vậy, học đạo là học những gì? Hành đạo, chứng đạo là hành và chứng được gì? Đức Phật trong suốt 49 ngày đêm, chỉ một bề chánh niệm tỉnh giác soi rọi tất cả mọi ngõ ngách sâu thẳm của tâm, và quán niệm tất cả những hiện tượng thành hoại sinh diệt của toàn thể vũ trụ vạn pháp. Nội dung của chánh niệm là không để tâm dong ruổi về quá khứ hay theo đuổi tương lai, mà luôn an trú vào hiện tại. Khi tâm an định, bất động nơi đương xứ, một lúc nào đó ta sẽ chợt nhận ra rằng: Học đạo là học nơi tâm, hành đạo và chứng đạo cũng ở nơi tâm chứ không đâu khác. Ta cũng chợt nhận ứuát na bất động vĩnh cửu chứa đựng muôn kiếp sinh diệt, một hạt bụi dung nhiếp tam thiên đại thiên thế giới Sát na và hạt bụi ấy chỉ có mặt nơi đương xứ – tại đây và bây giờ. Nếu không có chánh niệm, nếu tâm không có mặt ở thời điểm tại-đây-và-bây-giờ, thì không đạo có thể học, không đạo có thể hành, không đạo có thể chứng. Đây là điều thiết yếu và là cốt lõi của sự tu hành.

Nhân ngày thành đạo của Đức Bổn Sư, chúng ta noi theo gương Ngài, tự mình thắp sáng ngọn đèn chánh niệm để thấy biết như thật mọi hiện tượng sinh diệt của thân tâm và cảnh, từ đó nhận ra và sống với bản tâm thanh tịnh thường nhiên của chính mình. Có trí tuệ, tự nhiên sẽ có tình thương bình đẳng đối với muôn loài chúng sanh, chúng ta sẽ phát nguyện noi theo gương Ngài, đem chánh pháp làm lợi ích quần sanh. Có trí huệ tất có từ bi, sau đó phát sinh hạnh nguyện: ba đức tính này làm nên nhân cách của một bậc giác ngộ. Khi tự giác – giác tha – giác hạnh đều viên mãn, bậc giác ngộ được tôn xưng là Phật – Thế Tôn, và ngày thành đạo là dấu ấn quan trọng nhất trong đời tu của các Ngài. Nếu chưa thành tựu đạo quả, các Ngài chưa là Phật, chúng sanh cũng chưa thấm nhuần được ơn pháp vũ. Cho nên có thể nói, không có ngày thành đạo thì không có Phật, không có chánh pháp, không có chư Tăng Ni nối truyền mạng mạch Phật pháp, cũng không có hàng Phật tử. Chúng ta chú trọng đến Tam bảo, đến sự hưng thịnh của đạo Phật thì thiết nghĩ, cần xem ngày Đức Phật thành đạo là ngày lễ lớn – nếu không muốn nói là ngày lễ lớn nhất – trong tất cả các ngày kỷ niệm của tôn giáo chúng ta.

Thích Thông Huệ