Chùa Phổ Minh- Duyên Lành

657

….Tôi tới tuổi động viên, người xuất gia ở chùa cũng phải có giấy hoãn dịch do Nha động viên – Bộ Quốc Phòng cấp từng năm với sự xác nhận của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Tôi tu ở chùa làng quê chẳng biết gì về thủ tục này. Má tôi vì thương con hay hỏi han tìm hiểu về cuộc sống tu hành nên khi tôi tới tuổi động viên thì má nhờ người cậu quen biết xin Tỉnh  Giáo Hội làm thủ tục hoãn dịch cho tôi.

Chánh điện chùa Phổ Minh Rạch Giá sau năm 1975 

Ông cậu của đứa em chú bác  hướng dẫn tôi đến gặp Đại Đức Thích Minh Giác trụ trì Chùa Phổ Minh lúc bấy giờ đảnh lễ y chỉ thầy. Má tôi cung cấp tiền bạc gạo tương để nhờ một bà già là bà Tư đến ở giữ chùa Bửu Thọ cho tôi ra chùa Phổ Minh nhập chúng tu học.

Chùa Phổ Minh thành lập năm 1964 do Thầy Thích Minh Giác đứng ra xây dựng khi được Giáo Hội bổ nhiệm Chánh Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, thầy cùng một số Phật tử đứng ra vận động chính quyền tỉnh mua một mảnh đất khoảng 3000 m2 tọa lạc tại số 27 Cô Bắc (thường gọi là ngã tư Phan Nhị – Cô Bắc) Nơi này đã từng là một khu dưỡng lão và cũng là trại phong của tỉnh. Được sự chấp thuận của ông tỉnh trưởng lúc bấy giờ bán với giá tượng trưng là 1 đồng danh dự. Sau khi có đất thầy đã vận động Phật tử đứng ra xây chùa Phổ Minh làm văn phòng Ban Đại Diện Phật giáo tỉnh.

Khi tôi mới đến, dãy nhà trước đây là khu dưỡng lão vẫn còn, sau này chỉnh trang lại thành hồ sen. Kế sau hồ sen là ngôi thất cất theo kiểu nhà sàn của người dân tộc mái kiểu nhà rông Tây nguyên lợp bằng lá đơn sơ làm nơi thầy trụ trì ở.

Chùa có cổng tam quan xây dựng kiên cố, bước vào bên phải là chánh điện được xây dựng theo kiểu mái chồng diêm, bên dưới là tượng hai con sư tử, trong chánh điện thờ độc tôn đức Thích Ca và sau này quân đội Hoàng gia Thái Lan có tặng cho chùa tượng Phật Thích Ca bằng đồng kiểu Thái Lan cao khoảng 1m40 được tôn trí phía trước tượng Bổn sư. Đằng sau chánh điện là ngôi nhà tổ xây dựng kiên cố. Bên trái là dãy phòng Tăng. Lúc đó chùa có khoảng trên mười vị xuất gia, ngoài thầy Minh Giác là vị Đại Đức lớn tuổi nhất, khoảng bốn mươi, còn lại thì các vị khác tuổi đời không quá hai mươi. Đáng nói là tất cả đều được đi học, có vài vị còn đi học tận Sài Gòn. Điều này tác động đến tôi rất nhiều.

Khi đến đảnh lễ thầy tôi được ông cậu dẫn đi, hành lý chỉ có hai bộ áo vạt khách màu nâu và một áo tràng lam lễ Phật.

Từ một ngôi chùa quê có duyên gặp vị thầy già đặt kéo cắt tóc làm Tăng đã là một hạnh phúc lớn với tôi nhưng do mình kém phước sinh ra trong vùng nông thôn thiếu ánh sáng Phật Pháp nên không được thầy hướng dẫn từ oai nghi tế hạnh và các nghi lễ trong chốn Thiền môn, khi gặp Thầy Minh Giác tôi chỉ mặc chiếc áo vạt khách, quỳ đảnh lễ thầy mà không có lời tác bạch nào. Được thầy tiếp nhận, thầy gọi chú thị giả dẫn tôi xuống phòng tăng. Tôi hoàn toàn bỡ ngỡ, vừa lạ chỗ vừa mặc cảm mình là người nhà quê. May sao nhờ phước duyên, quý thầy quý chú rất thông cảm với tôi và đến hỏi thăm làm quen rồi tận tình chỉ dạy những nghi lễ cần thiết.

Thời đó, thầy Minh Giác là chánh đại diện Giáo hội tỉnh Kiên Giang nên thường gọi là thầy Chánh. Hỏi chuyện, khi biết tôi ngay cả giấy khai sanh cũng không có, lúc đó trong phòng khách có Phật tử nam ăn mặc rất lịch sự  đến thăm, thầy nói “Đạo hữu  giúp cho chú này làm khai sinh. Chú ở quê không có giấy khai sinh thì sao làm giấy hoãn dịch và các giấy tờ liên quan khác được?” Vài tuần sau tôi được quý thầy trong chùa hướng dẫn và mời má tôi ra dựng khai sinh trong một phiên tòa. Sau này tôi biết vị Phật tử đó là ông Huỳnh Trung Chánh chánh án tòa án “Rộng Quyền” tỉnh Kiên giang lúc bấy giờ.

Sống ở Phổ Minh cùng với huynh đệ có niềm vui vì Tăng chúng đông nhưng thấy ai cũng được đi học nên tôi tự ti mặc cảm mình là dân nông thôn quê mùa, cảm thấy tủi thân lắm. Suy nghĩ này khiến tôi buồn nhưng đó chính là động lực cho tôi cố gắng vươn lên.

 Chánh điện chùa Phổ Minh trước năm 1975 ( Thầy Thiện Bảo đứng ngoài bìa bên trái )

*

Năm 1968 Đại giới đàn Chùa Phước Hậu thị xã Long Xuyên thầy Minh Giác hướng dẫn tôi và một số huynh đệ đi thọ giới, năm đó tôi được thọ giới Sa Di và tôi cũng phát tâm xin thọ Bồ Tát giới. Nhờ những lần đi với quý thầy, tôi nhận thức rõ hơn về đường tu của mình mà năm tháng xuất gia ở chùa Bửu Thọ tôi chưa hề nghĩ tới. Mỗi khi thấy huynh đệ đi học xa về thăm thầy Minh Giác, tôi thầm ao ước phải chi mình được đi học.

Duyên lành đến khi tôi gặp đoàn công tác Như Lai Sứ giả của Giáo Hội đến Chùa Phổ Minh trong đó có thầy Minh Thông và thầy Trí Tuệ ở Phật học viện Huệ Nghiêm ra  đảo Phú Quốc hoằng pháp.

Tôi làm thị giả cho quý thầy, công việc của tôi là treo áp phích và băng rôn thông báo ngày giờ giảng Pháp cho Phật tử đến tham dự và cùng tháp tùng đi thăm một số chùa ở Dương Đông và An Thới. Trong lòng tôi rất mong muốn được biết về sự học hành ở thành phố như thế nào. Tôi lân la hỏi thăm thầy Minh Thông ở Phật Học viện Huệ Nghiêm mà cũng không dám hỏi nhiều. May sao có thầy Minh Cảnh tính cách dễ gần gũi nên tôi mạnh dạn tỏ bày.

Sau chuyến tháp tùng cùng quý vị trong đoàn Như Lai Sứ giả trở về, tôi xin đi học nhưng thầy Minh Giác nói “Con đi lên Sàigòn sẽ khó mà tu lắm. Con còn trẻ, sống ở nông thôn quen rồi, nay đi xa thầy xa huynh đệ thầy không yên tâm chút nào.”

Hai lần thưa với thầy đều không được. Đến lần thứ ba, nhân dịp Sư huynh Minh Cảnh trụ trì Niệm Phật Đường Liên Trì  là đệ tử lớn của thầy về thăm, thấy tôi cứ hỏi thăm về chuyện học ở Sàigòn, Sư huynh hứa nếu tôi lên Sài Gòn thì sẽ cho tôi ở lại Niệm Phật Đường. Một lần nữa tôi lại xin đi học. Thầy nói “Tùy con, thầy không muốn con đi xa nhưng con thích thì lên ở với Minh Cảnh cũng được.” Tôi mừng vô cùng và háo hức sửa soạn cho chuyến đi.

Buổi sáng sau khi công phu xong tôi lên đảnh lễ thầy Minh Giác ba lạy. Thầy cho tôi tiền mua vé xe và đi đường, rồi dặn dò phải lo học hành vì cuộc sống thành phố có nhiều điều phức tạp. Tôi nghe mà lòng se thắt muốn bật khóc vì từ khi đi xuất gia đến nay là lần đầu tiên được có vị thầy khuyên bảo dặn dò đầy thương mến như vậy, còn sư huynh Huệ Trí thì mua giùm vé xe liên tỉnh Liên Trung và đưa tôi ra bến xe.

Mừng vui được đi học nhưng sợ má buồn vì con đi xa nên tôi không dám nói. Từ Rạch Giá lên Sài Gòn trên chuyến xe Liên Trung chạy ngang nhà, tôi viết vài dòng thư nhờ anh anh lơ xe gởi một người quen bên quốc lộ chuyển thư cho má, thư viết con đi học vài tháng rồi về. Tôi không dám nói đi học lâu sợ má và bà Tư già giữ chùa lo lắng chờ đợi, mà tôi thì đang là con chim sổ lồng tung bay chưa hẹn ngày quay về tổ. Tôi cứ nghĩ lan man mà nước mắt chảy dài, chắc má sẽ buồn khi đọc thư của tôi, từ này má một thân một mình. Nhớ có lần giỗ ông ngoại, cậu Bảy tôi nói “Mày đi tu là bất hiếu bỏ mẹ già không ai nuôi dưỡng.”

Ngồi trong xe nhìn ra cảnh vật hai bên đường, làng quê thân quen xa dần ở phía sau, phà Vàm Cống rồi đến Mỹ Thuận người qua lại tấp nập khiến tôi thấy quá xa lạ và cũng quá ngỡ ngàng. Rồi xe chạy qua cầu Bến Lức, cây cầu mà khi học lớp hai tôi đã được học và chỉ nhìn qua hình trên sách nay hiện ra trước mắt, cây cầu bằng sắt bắt qua con sông …

Xe đến bến Miền Tây vào buổi chiều. Tôi nhìn qua bên trái thấy tấm bảng Phật học Viện Huệ Nghiêm đúng như trước đây thầy Minh Thông cho địa chỉ. Tôi hồi hộp đi vô chùa và xin gặp thầy Minh Thông. Thầy Minh Thông rất vui vẻ, thầy chúc mừng tôi và kêu xe xich lô  chở tôi đến Niệm Phật Đường Liên Trì.

Lời tâm tình:

…Tuy thầy Minh Giác không phải là vị thầy Bổn sư xuống tóc đặt pháp danh nhưng tôi ghi nhớ mãi ân tình và nghĩa cử của Thầy. Tôi đã xem thầy như vị ân sư trong đời tu của tôi vì chính nơi Phổ Minh này tôi thực sự đã cơ duyên chắp cánh bay như những gì mong ước…

Gặp được vị thầy luôn luôn quan tâm dạy dỗ, chăm sóc từ oai nghi, lời nói tâm lý của người trẻ thì đó là một phước duyên lớn trên con đường tu tập và đời tu của mình .

*

“… Đối với người xuất gia, không phải người nào đi tu cũng đều ý thức và giác ngộ được chân lý mà đi tu, nhất là mấy chú Sadi còn nhỏ tuổi, đi tu nhiều khi thấy vui vui mà đi; mấy người trung niên, đi tu vì chán chường, thất vọng trong cuộc đời… Nhưng dù cho lý do nào đi nữa, sau khi đi tu làm tròn bổn phận của người xuất gia, nghiêm trì giới luật, tu tập tinh tấn, đạt kết quả tốt trong đời sống tu tập thì vẫn được kính trọng như thường. Do đó, một người phát tâm xuất gia, nương theo thầy mà học đạo, là gởi trọn cả cuộc đời của mình cho thầy. Nên hay hư đều đặt tất cả niềm tin của mình vào thầy. Trừ những người có đủ nghị lực, có nhận thức đúng đắn về mục đích xuất gia của mình, còn lại đều phải nhờ vào sự giáo dục, hướng dẫn của bậc thầy. Cho nên, bổn phận và trách nhiệm của người thầy thật vô cùng quan trọng.

Người Tây Tạng khi mới vào đạo không phải thọ tam quy mà “tứ quy”. Ngoài Phật, Pháp và Tăng (chỉ cho Tăng bảo Tăng đoàn), người Tây tạng chú trọng đến người thầy “hướng đạo” của mình, tức vị bổn sư, đó là người thầy tâm linh cao cả mà họ tin tưởng gởi trọn cả đời mình cho vị thầy ấy, gọi là “Quy y Kim cang thượng sư”. Chúng tôi nghĩ, không riêng gì người Tây tạng, mà tất cả chúng ta, những người mới bước chân vào đạo đều cần có một người thầy hướng dẫn tâm linh cho mình. Bởi vì, mặc dù giáo pháp đức Phật dạy rất rõ ràng, nhưng không phải ai cũng có thể lãnh hội một cách trọn vẹn và thực hành đúng đắn, nhất là trong vấn đề thực nghiệm tâm linh. Vì thế, vai trò của người thầy hướng đạo vô cùng quan trọng…  ( Trích bài “ Tư Cách Làm Thầy” của Đại Đức Nguyên Hùng)….

( Trích quyển ” Quăng đời mình vào chốn Thiền Môn” của tác giả Thiện Bảo )