Ab Hòa Tự-Chùa Bưu Thọ

650

Ngôi chùa cách nhà tôi vài trăm mét. Gọi là ngôi chùa nhưng cũng giống ngôi trường tiểu học của làng tôi, chỉ là một gian nhà lá được gọi là An Hòa Tự nằm giữa miếng đất rộng khoảng một công có vài bụi chuối và vài cây trâm bầu với cây bình bát.

khóa tu xuất gia gieo duyên 

Trước chùa là một cái sân nhỏ có bàn thờ ông Thiên, trong chánh điện người dân xây một bàn Phật có ba bậc, bậc trên cùng thờ ba vị Phật, bậc kế tiếp dùng để chưng bông trái và bậc cuối là bát hương và chân đèn bằng gỗ. Ngoài ba vị Phật bằng xi măng do người dân tự đắp còn có bàn thờ ông Quan Đế Thánh Quân phía bên phải nhìn vào đặt ống xin xăm và quyển sách giải thích xăm để thầy nói cho người ta biết lá xăm của họ hung hay kiết, bên trái là bàn thờ Tổ Bồ Đề Đạt Ma.

Phía dưới bàn Phật là khoảng trống dùng để chén dĩa cúng mỗi khi có lễ, và đây cũng là nơi khi sau này xuất gia tôi thường chui vào khi pháo bay đạn nổ khi du kích về đánh đồn vì chùa  không có trảng xê như nhà người dân trong vùng.

Chùa khi có người ở khi không, như là nơi tạm dừng chân mỗi khi, thỉnh thoảng, có vị tăng từ đâu đến lưu lại một thời gian ngắn rồi ra đi, chùa lại nguội lạnh khói nhang.

Có một dạo, dân làng rủ nhau đóng góp mua cây lá sửa sang chùa cho các cụ già có chỗ ở lại cùng nhau tập tu. Bà nội tôi hằng đêm tụng kinh. Đáng ngạc nhiên là mù chữ mà chẳng biết bà nội và các cụ bằng cách nào lại thuộc làu rất nhiều bài sám như Sám nhất tâm và các kinh chú như Kinh cứu khổ, Chuẩn đề thần chú…

 “ Một lòng mỏi mệt không nài/ Cầu về Cực Lạc ngồi đài liên hoa/ Cha lành vốn thật Di Đà/ Soi hào quang tịnh chói lòa thân con/ Thẩm sâu ơn Phật hằng còn/  Con nay chánh niệm lòng son một bề/ …..”

 ….“Bá thiên vạn ức Phật, hằng hà sa số Phật, vô lượng công đức Phật. Phật cáo A Nan ngôn, thử kinh đại thánh năng cứu ngục tù, năng cứu trọng bịnh, năng cứu tam tai bá nạn khổ. Nhược hữu nhơn tụng đắc nhứt, thiên biến nhứt thân ly khổ nạn, tụng đắc nhứt vạn biến hiệp gia ly khổ nạn. Nam mô Phật lực oai. Nam mô Phật lực hộ, xử nhơn vô ác tâm, lịnh nhơn thân đắc độ, hồi quang Bồ Tát, hồi thiện Bồ Tát a nậu Đại thiên vương chánh điện Bồ Tát, Ma kheo, Ma kheo thanh tịnh tùy kheo, quan sự đắc tán tụng, sự đắc ưu Chư vị Bồ Tát…..”

Điều đáng nói là bà nội tôi và các cụ dù rủ nhau ở lại chùa để tu tập nhưng cũng  hờn giận cãi cọ, xử sự với nhau chẳng khác gì đời thường, ai cũng cho mình đúng, thường xuyên xảy ra bất đồng ý kiến dẫn đến bất hòa.

Có lần Sư ông  Thiện Đức trụ trì  chùa Bửu Khánh có dịp tới thăm, nghe chuyện mấy bà già ở chùa mà cứ lục đục, Sư ông nói chùa tên An Hòa mà trong chữ Hòa (和) có bộ khẩu (口) nên quý cô mới hay cãi vả, vậy Sư ông chọn chữ Bửu Thọ (寶樹)  thay cho An Hòa để chùa được yên ổn!

Dù chùa cũng đã đổi tên mới là Bửu Thọ, nhưng các cụ vẫn giận hờn lục đục buồn giận trách hờn!

Khi tôi còn nhỏ được bà nội cưng chiều thương yêu vì quan niệm của bà cũng trọng nam khinh nữ, tôi và đứa con trai người chú luôn luôn được quan tâm chăm sóc, đi đâu cũng dắt tôi theo nên bà nội đi chùa thì tôi cũng theo đi chùa. Tôi được khen sáng dạ vì mau thuộc những bài sám và chú mà bà hay tụng, cả “lòng phái quy y”  của bà nội bằng chữ Hán tôi cũng đọc vanh vách dù chẳng hiểu gì, chỉ cảm nhận âm thanh của lời kinh tiếng kệ rất thân thuộc với mình và dễ thấm vào tâm trí.
“ Lâm tế chánh tông/ Thiên đồng phát phái kệ vân/ Thật tế đại đạo/ Tánh hải thanh trừng/ Tâm nguyên quảng nhuận/ Đức bổn từ phong/ Giới định phước huệ/ / Thể dụng viên thông/ Vĩnh siêu trí quả/ Mật khế thành công…”

Nhưng cho dù chẳng hiểu gì thì đó cũng là hạt mầm gieo trong tôi đợi đến một ngày tôi nhận ra mình thích những lời kinh và cuộc sống của mấy chú ở chùa… Có thể nói đó là hạt giống trong tôi đã được gieo và chỉ chờ có cơ hội được tưới tẩm là nảy nầm và đó cũng chính là con đường tôi chọn cho mình sau này để trở thành chú Đạo quăng đời mình vào chốn thiền môn.

Rồi bà nội tôi và các cụ vì già yếu bệnh tật  nên con cháu rước trở về nhà, ngôi chùa lại rơi vào tình cảnh bị bỏ hoang. Cho tới năm tôi học lớp ba, có một vị thầy già về. Thầy sửa sang chùa, lợp lại mái lá và trám những chỗ bị sứt mẻ trên ba pho tượng. Sau mấy tháng thì chùa có thêm hai chú điệu tóc để chỏm. Sáng chiều  tiếng chuông mõ kinh kệ  vang xa khiến ngôi chùa trở lại ấm cúng, ngoài người lớn tuổi thì còn có một số thanh thiếu niên trong xóm cũng tới chùa tụng kinh hàng đêm và theo thầy đi hộ niệm khi trong  xóm có người mất. Chiều nào khi hai chú điệu tới giờ công phu thì tôi đứng ngoài sân chùa lắng nghe và bài kinh công phu chiều cứ tự nhiên mà thấm vô tâm trí “Nhữ đẳng Phật tử chúng/ Ngã kim thí nhữ cúng/ Thử thực biến thập phương/ Nhứt thiết Phật tử cộng/ Nguyện dĩ thử công đức/ Phổ cập ư nhứt thiết/ Ngã đẳng dữ Phật tử/ Giai cộng thành Phật đạo……”

Càng ngày tôi càng thích tới chùa hơn, buổi chiều nghe tiếng trống tiếng bảo chung báo hiệu giờ công phu chiều dù đang làm gì tôi cũng bỏ đó để chạy tới chùa, tôi thích nghe đọc kinh, thích tháp tùng theo thầy mỗi khi trong xóm có đám tang.

Một hôm, tôi và hai chú đạo đang chơi ở sân chùa, thầy kêu tôi lại và hỏi “Giờ công phu chiều nào cũng thấy con nhìn mấy chú tụng kinh, thầy nghĩ chắc là con có duyên với Phật. Con thích xuất gia thì về xin mẹ con đi. Nếu mẹ cho thì thầy sẽ xuống tóc cho con ở đây với mấy Đạo cho có huynh đệ.”

Thời đó, miền Tây thường gọi mấy chú tiểu mới vào chùa là ông Đạo.

Lời tâm tình:

 “Những người tu tại gia không được chư Tăng Ni hướng dẫn và không nghe được Pháp Phật để chuyển hóa  vào việc tu tập nên việc người dân đi chùa chỉ theo tín ngưỡng đạo thờ ông bà là một điều dễ hiểu. Đến chùa họ chỉ lễ Phật cầu nguyện ơn trên ban phước, xem Phật như môt vị thần linh

 Mới biết thuộc kinh làu làu mà không thấu hiểu để tu tập thì uổng phí một đời. Cho nên đọc kinh nhiều chưa hẳn là tu, có một số quan niệm cứ ăn chay niệm Phật là tu nhưng khi gặp duyên gặp cảnh trái ý nghịch lòng thì sân si phiền muộn nổi lên do vì không biết chuyển hóa nội tâm, chỉ tu hình thức mà không nhận ra đâu là gốc của sự tu…

Thế mới biết việc bất hòa trong cuộc sống mà lấy lý do là tại vì tên chùa hay tên Pháp danh chỉ là sự đổ thừa! Con người mới là nguyên nhân quyết định của đời sống hạnh phúc hay khổ đau.”

——– 

Khi đã biết tu thì thân miệng ý lúc nào cũng thiện, ba nghiệp mà thiện thì tự thân được an vui, trong gia đình trên thuận dưới hòa, ngoài xã hội không gây xáo trộn sẽ được trật tự an bình. Như vậy người biết tu, chẳng những chính bản thân mình được lợi ích, mà gia đình và xã hội cũng được lợi ích. Đó là người tu đúng theo lời Phật dạy.

 Nếu chỉ biết ăn chay, tay lần tràng hạt, mà mỗi khi có ai xúc phạm đến thì phản ứng lại bằng cách la lối cãi cọ và cho mình đúng, người kia sai… như vậy chưa phải là người tu. Vậy nên người đời mới có câu chế nhạo “Miệng thì nam mô, trong bụng thì chứa một bồ dao găm.” 

 Vậy, tu cốt là chuyển ba nghiệp ác thành ba nghiệp thiện là bước đầu, tụng kinh niệm Phật là bước kế tiếp. Bước đầu là nền tảng mà không thực hiện trước, lại đi bước thứ hai, giống như cất nhà lầu mà không xây nền móng, cái nhà sẽ đổ.

( Trích Tu là chuyển nghiệp – Hòa Thượng Thanh Từ )

( Trích quyển ” Quăng đời mình vào chốn Thiền Môn” của tác giả Thiện Bảo )