Muà Xuân và niềm vui học pháp hành pháp

776

Không phải ngẫu nhiên, Thiền sư Mãn Giác đời Lý mỉm cười nhiệm mầu khi Xuân về hoa mai nở: “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Đêm qua sân trước một cành mai), còn Thiền sư Chân Nguyên, người có công chấn hưng Thiền học Việt Nam cuối thế kỷ XVII trong “Yên Tử sơn Trần triều Thiền tông bản hạnh” thì giãi bày:

Hoa là vốn tính trạm viên

Bao hàm thiên địa dưới trên cùng bằng”

Trong ý nghĩa đó, mùa Xuân là mùa muôn hoa đua nở, mùa kết tinh sự tinh anh trời đất, mùa biểu tượng của sự an vui, hạnh phúc qua một quá trình nỗ lực tự thân tu học, tự thân hành trì, tự thân giác ngộ của người con Phật.

Thế nên, trong niềm hỷ lạc vô biên của người con Phật, thấm nhuần Phật pháp, bạn sẽ thấy mùa Xuân ngập tràn cõi lòng bởi muôn hoa đua nở từ trong cõi lòng thanh tịnh của chính mình. Tại đây, bạn thật sự sống với tự tánh mùa Xuân Phật giáo thường trú, chứ không còn vui buồn theo mùa Xuân thời tiết biến chuyển. Bởi vì hơn ai hết, bạn là người thật sự an trú vào niềm vui Chánh pháp, khi tự mình đi theo Phật, đi theo Pháp, đi theo Tăng.

Đi theo Phật là đi theo tự tánh thanh tịnh thành Phật vốn có sẵn trong tự thân của bạn, nghĩa là đi theo con đường Đức Phật đã đi qua và giảng dạy cho đời. Chính Ngài đã trải nghiệm thực thi cuộc hành trình tâm linh này để nhận chân niềm hạnh phúc hỷ lạc bất tận này của một Bậc Giác ngộ. Đi theo Pháp là đi theo con đường thực nghiệm đời sống tâm linh của việc hành trì các pháp thiện, thực hành giáo lý Tứ đế, Duyên khởi, Giới định tuệ… cho đến khi thấy rõ sự thật các pháp, như Phật từng dạy: “Ai thấy Duyên khởi là thấy Pháp, ai thấy pháp là thấy Như Lai”. Đi theo Tăng là đi vào đời sống hướng tâm theo cộng đồng Tăng già với bản chất hòa hợp, thanh tịnh, thực thi nếp sống lục hòa: Thân hòa đồng trú, khẩu hòa vô tránh, ý hòa đồng duyệt, lợi hòa đồng quân, giới hòa đồng tu, kiến hòa đồng giải, trên hết là tích cực thực hành pháp ly dục để giải thoát tự thân, chứng đạt Niết bàn.

Trong đời sống thường nhật, bạn là người Phật tử tại gia, có biết bao nhiêu vấn đề cần giáp mặt và giải quyết. Con người luôn đối diện với các vấn đề sinh tồn và các nhu cầu nảy sinh xảy ra trong hiện thực cuộc sống. Quanh năm suốt tháng, bạn luôn khát vọng mong muốn được sống bình an, được giàu có, được nắm giữ tài sản do mình làm ra, không bị nợ nần, không bị ai chê cười hay vi phạm pháp luật. Nhất là, trong thời buổi kinh tế thị trường, nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của con người không ngừng phát sinh và nâng cao để đem lại các giá trị thiết thực, hữu ích. Dưới ánh sáng của chánh tri kiến của mình, ắt hẳn bạn là người thực thi các hạnh lành, từ bỏ các điều ác, an trú trong Chánh pháp thì sẽ được hưởng được phước báu của bốn niềm vui mà Đức Phật từng dạy trong kinh Tăng Chi III:

“Thế nào là niềm vui có của? Ở đây, gia chủ có của cải nhờ phấn đấu tích cực, gom góp được bằng sức bàn tay, bằng mồ hôi, đúng pháp và tích lũy đúng pháp, có suy nghĩ như sau: Của cải này của tôi có được nhờ phấn đấu tích cực, tích lũy đúng pháp, cho nên niềm vui và thỏa mãn đến với tôi. Đó là niềm vui có của cải”.

“Thế nào là niềm vui được giàu có? Ở đây, vị gia chủ được giàu có nhờ phấn đấu tích cực, vui vẻ, nhờ giàu có mới làm được nhiều việc lành. Vị ấy có suy nghĩ nhờ giàu có mới làm được nhiều việc lành, cho nên niềm vui và sự thỏa mãn đến với vị ấy. Đó là niềm vui được giàu có”.

“Thế nào là niềm vui không có nợ nần? Ở đây, vị gia chủ không có nợ nần nhiều hay ít đối với bất cứ ai. Vì vị ấy có suy nghĩ, do không có mắc nợ dù nhiều hay ít đối với bất cứ ai, cho nên niềm vui và sự thỏa mãn đến với vị ấy. Đó là niềm vui không có nợ nần”.

“Thế nào là niềm vui không bị chê trách, không có lỗi lầm? Ở đây, vị gia chủ Thánh đệ tử có niềm vui vì các hành động ở nơi thân, lời nói và ý nghĩ của mình đều không có gì đáng chê trách, đáng lỗi lầm. Với ý nghĩ: Tôi không có gì đáng chê trách, đáng lỗi lầm ở nơi thân, miệng và ý, niềm vui và thỏa mãn đến với tôi. Đó là niềm vui không bị chê trách, không có lỗi lầm”.

Rõ ràng, bạn là người hạnh phúc nhất khi có niềm vui an lạc từ kết quả thực hành pháp học và pháp hành ngay giữa hiện thực cuộc đời đầy biến động. Chưa hết, bạn sẽ có bốn niềm vui (hỷ lạc) bất tận khi tự thân thực hành đời sống phạm hạnh, ngang qua bốn cấp độ thăng chứng từ sơ thiền đến tứ thiền:

Đó là niềm vui giải thoát đầu tiên khi bạn loại bỏ năm triền cái (tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo cử, nghi), thành tựu năm thiền chi, chứng đạt sơ thiền. Một trạng thái hỷ lạc khởi lên do ly dục, ly bất thiện pháp, có tầm có tứ.

Một niềm vui giải thoát cao hơn, khi bạn diệt được tầm tứ, chứng và trú thiền thứ hai. Đó là trạng thái hỷ lạc có được do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm. Xem ra, niềm vui giải thoát đầu tiên có được là do đoạn tận dục vọng và các pháp bất thiện thì niềm vui chứng đạt ở cấp độ thiền thứ hai là do định tâm sanh khởi với sự tinh tấn, tập trung vào một điểm.

Bạn còn an trú một niềm vui giải thoát sâu hơn nữa khi tâm chứng đạt thiền thứ ba. Một niềm vui do tự thân ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú. Xả ở chỉ một tâm trạng giải thoát không còn gắn bó gì hết, kể cả hỷ. Bởi vì, ở cấp độ này khi tâm đã trú xả thì không còn dao động bất cứ điều gì nữa.

Cuối cùng là niềm vui giải thoát khi bạn chứng đạt thiền thứ tư được giãi bày khi bạn thực sự xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh do thiền thứ tư đem lại. Tại đây, tâm trở nên thanh tịnh hoàn toàn, bạn an trú niềm vui của xả, của giải thoát.

Rõ ràng, mùa Xuân trở thành mùa hạnh phúc, ngập tràn niềm vui bất tận của giải thoát khổ đau. Từ “Cõi trường xuân” như hiện ra không phải từ trong tâm tưởng, hay trong tiếng kinh cầu mà ngay hiện thực giữa cuộc đời này nếu bạn thực sự hành trì đời sống hướng nội với tâm tỉnh thức dưới ánh sáng Tuệ giác bừng khởi:

Pháp thí thắng mọi thí

Pháp vị thắng mọi vị

Pháp hỷ thắng mọi hỷ

Ái diệt, thắng mọi khổ

(Pháp Cú 354)

Thích Phước Đạt