Con có nhớ ba không ?

768

 Cánh đồng ruộng vào vụ  ở Kiên giang

…Ba tôi ra đi vào tháng chạp, trùng với ngày sinh ra tôi, ngay mùa thu hoạch và cũng là mùa lũ về. Cực khổ vô cùng là gặt chạy mưa, coi như là đua với ông trời mà có người nông dân nào thắng được ông trời đâu? Nghe kể lại, tôi hỏi má, khi thắt ngặt đó sao nhà mình không nhờ nội ngoại hai bên giúp đỡ? Má ứa nước mắt nói, má có đi xuống chú Tám hỏi mượn tiền  mua hòm cho ba vì trong nhà dù có vài chục giạ lúa vừa mới gặt xong nhưng không thể bán vì lúa gặt chạy mưa thường là xấu, chẳng ai muốn mua, để dành nhà xay ăn dần là chính. Hơn nữa, ngày tết đã cận kề, không có thương lái nào ngang qua để mà mua mua bán bán. Khi má hỏi mượn tiền thì chú Tám từ chối nói không có. Cảnh nhà thiếu trước hụt sau giữa mùa lũ, má có đến một vài người họ hàng bên ngoại hỏi mượn tiền để làm đám tang chồng, nhưng ai cũng lắc đầu “Mẹ góa con côi lấy gì trả nợ?” Ngay cả anh ruột của má cũng thẳng thừng “Giờ tao cho bây mượn sau này lấy gì trả?” Má buồn thiu ra về đi ngang qua chợ gặp anh “Tám Thịt” là anh rể của chồng chị Ba tôi, anh hỏi thím Bảy (1) đi đâu mà sao buồn vậy? Má tôi trình bày sự việc, anh nói thím Bảy vào nhà tôi muốn mượn bao nhiêu tôi cho mượn. Má tôi mừng phát khóc. Không họ hàng máu mủ mà người ta giúp đỡ tận tình, còn ruột thịt thì lại làm lơ. Cuộc đời thật nhiều nỗi!

Má đem số tiền mượn của anh Tám Thịt về mua hòm lo đám tang cho chồng.

Đàn bà nông thôn mất chồng khác gì nhà không có nóc, ai cũng nghĩ vậy, ngàn đời nay.

*

Ba mất. Anh Hai phải đi lính. Chị Ba theo chồng về  Lai Vung – Sa Đéc. Nhà còn lại má và tôi cùng  đứa em gái nuôi tên Thành.

Làm ruộng mỗi năm chỉ một vụ nên sau đận thu hoạch trong mùa nước lớn lũ đó trong làng tôi nhà ai cũng khó khăn, mọi người rủ nhau đi làm thuê làm mướn ở miệt Thứ. Má thắp hương thưa với ba vì má đi xa kiếm tiền nuôi con nên không nhang khói hàng ngày được, mồ mả lạnh lẽo xin ba đừng giận. Rồi má bơi xuồng đưa tôi và em Thành cùng ông ngoại và cậu Út đi xuống Thứ Chín.

Có ông ngoại và cậu Út nên má con tôi không đến nỗi đơn độc. Ban ngày, tôi ở nhà giữ em, má và ông ngoại cùng các cậu đi gặt lúa. Chiều, về tới nhà chủ thì đã tối, má dọn dẹp giặt giũ… Mấy ngày đầu còn lạ lẫm nên tôi chỉ ở nhà, sau thì quen với mấy đứa trong xóm nên tôi cùng em Thành đi chơi nhà này nhà kia. Thấy anh em tôi lạ, có người hỏi “Đứa nào đây” thì câu trả lời là “ Con cháu của mấy người tới đây làm mướn”. Mỗi đêm khi anh em tôi ngủ má tôi nằm trằn trọc mãi vì  cảm thấy buồn khi phải tha phương đi làm mướn. Có lúc tôi quàng tay ôm má và đụng nước mắt đầm đìa. Lúc đó tôi chưa hiểu nỗi tủi thân chạnh lòng của người từng là chủ của hai mươi mẫu ruộng đến mùa gặt kêu hàng chục người làm công cho mình, nay thì đem thân đi ở nhờ làm mướn. Phần thương nhớ chồng, phần thì nhìn các con ăn ngủ vất vả, má khóc. Lúc đó, tôi chỉ biết sà vào lòng ôm má.

Mùa gặt mướn qua đi, má và anh em tôi trở về nhà. Má mua cho anh em tôi quần áo mới. Việc đầu tiên là má nhổ sạch đám cỏ mọc đầy trên mộ ba rồi nấu mấy chén chè trôi nước thắp hương. Má khấn vái thì thầm “Trả được một ít nợ rồi đó,  mình sống khôn thác thiêng phù hộ cho má con tôi được khỏe mạnh làm ăn trả hết nợ cho người ta.” Má vừa lạy vừa chảy nước mắt, còn tôi thì chỉ mong nhang tàn nhanh để được ăn chè!

Chiều chiều, má đến thắp nhang trên mộ ba, rồi má vô nhà thắp nhang bàn thờ ba. Khi đó nhìn má kỳ lạ lắm, khóc không thành tiếng, nước mắt thi nhau trào ra rồi tuôn xuống cằm. Có khi phát hiện ra tôi đang lén nhìn, má vội lau nước mắt và ôm tôi vô lòng mà thủ thỉ “Con có nhớ ba không?”

Có. Tôi nhớ ba lắm. Tôi được ba cưng chiều vì là con út, đi học thì được ba đưa đón mà đi săn hay bắt rắn ba cũng dắt tôi theo. Hồi đó, anh Hai chị Ba ganh tỵ nên hay nói “Ba chiều nó quá lớn lên hư cho mà coi.” Nhưng lúc này đây, tôi nhớ ba không phải là nhớ những lúc được cưng chiều để mà nuối tiếc…

Tôi nhớ vì khi chiều tối, căn nhà không có người đàn ông nên đầy nỗi sợ hãi… Trước đây, khi còn có ba, buổi tối, ba  bơm “đèn măng xông” treo giữa nhà, ánh sáng tỏa ra tận ngoài đường. Má thường hay làm gì đó trong bếp còn ba nằm võng trên thềm, hàng xóm ngang qua chào vọng một câu, có khi ghé vô chơi luôn thì ba mời nhâm nhi một vài chung rượu. Ba có khách tôi thừa cơ đó chạy ra đường chơi với mấy đứa con của chú Hai Tiền, chú Tư Dưa…

Nay thì trời vừa sụp tối má đã đóng cả cửa sổ. Cây “đèn măng xông” vẫn treo đó nhưng lâu rồi không được thắp sáng. Từ trong nhà nhìn qua khe, sân nhà tôi tối thui, bóng người đi ngang nhà cũng tối thui. Những đêm có trăng thì sự nửa sáng nửa tối ở những lùm cây  dừa và những chỗ cành lá chập chờn càng gây nhiều nỗi tưởng tượng đáng sợ.

Tôi ngồi vô bàn học bài, em Thành ngồi cạnh bắt chước đọc theo “Trống trường đã điểm một hồi / Sao không đi học còn ngồi chi đây / Đến trường nghe lấy lời thầy / Học hành chăm chỉ sau này sướng thân… Bỗng có tiếng động bên ngoài, em Thành nín bặt và ôm chầm lấy tôi. Má đang cầm cây đèn hột vịt lặng lẽ đi lên đi xuống làm cái này cái kia, thấy anh em tôi cóng róng, má lấy giọng cứng cỏi “Chuột chạy quanh đống rơm chớ có gì đâu mà sợ hả con?” rồi ôm đầu anh em tôi mà xoa xoa tóc. Sáng nào mở cửa ra má cũng dõi mắt quanh sân tìm dấu tích của cái gì đó gây nên tiếng động đêm qua. Nếu có  mấy trái dừa khô rụng chẳng hạn, má vui vẻ nói to “À, mấy trái dừa khô rụng nè, hèn chi…” Vậy, trái dừa khô rụng đôi khi trở thành lý do để đổ thừa cho nỗi sợ hãi.

Có những đêm du kích đi qua, tiếng chân lịch kịch trên đường đất, chó sủa râm ran, tiếng bước chân dừng lại và mùi thuốc lá. Má thổi phụt tắt đèn và ôm hai anh em tôi thật chặt. Tôi nghe trái tim má đập thình thịch. Một hồi sau thì tiếng bước chân dần xa và lũ chó sủa liên hồi từ đầu xóm tới cuối xóm…

MÁ SOI CHO ANH EM TÔI RÕ ĐƯỜNG VỀ

Không thể sợ hãi hoài mãi hay nói cách khác là má con tôi quá quen với nỗi sợ đêm tối để rồi không sợ nó nữa.

Đoàn cải lương về xã. Chiếc xe nổ phành phạch giương cao hình ảnh đào kép đẹp đẽ lộng lẫy chạy khắp nơi rao vang tối nay diễn tuồng gì, giữa những đợt rao là vài ba câu vọng cổ ngọt lịm khiến dân tình xôn xao kể chuyện đào này kép nọ.

Đoàn cải lương dựng rạp trên bãi đất trống trước chợ, che mấy tấm mê bồ hoặc mấy tấm cà tăng quây bốn phía để phân biệt ai có vé ai không. Những người có tiền mua vé thì được xếp chỗ ngồi bên trong vòng mê bồ, có ghế ngồi đàng hoàng. Những ai coi cọp thì “chui lỗ chó” vào hoặc đợi gần vãn tuồng thì người ta mở cửa cho vô tự do.

Thấy tôi háo hức hóng chuyện mọi người xôn xao tuồng tích, má nói “Con thích thì tối nay má cho tiền dắt em Thành qua chợ xã mua vé coi cải lương.” Má ở nhà một mình không sợ hả? Tôi vô tư hỏi lại. Má lắc đầu thật mạnh, có gì đâu mà sợ hả con!

Nhớ lại mà thương má quá chừng. Kiếm đồng tiền rất vất vả nhưng mà má không nỡ để anh em tôi phải “chui lỗ chó”. Chẳng những anh em tôi có tiền mua vé đàng hoàng đi vô rạp có ghế ngồi chớ không phải chầu chực bên ngoài đợi tới khi sắp vãn tuồng mới được xả giàn, mà trên về trong đêm tối, từ xa tôi đã thấy sân nhà mình thắp đèn măng xông sáng rực, là má soi cho anh em tôi rõ đường về.

Nhớ khi ba tôi còn sống và chị Ba còn ở nhà, mỗi khi có đoàn cải lương hay hát bội về chị Ba thích lắm, đi coi cọp hoài thì chị ước được có tiền mua vé để vô rạp có ghế ngồi cho oai! Chị Ba xúi tôi xúc trộm lúa đem gởi nhà người ta đợi khi thương lái tới thì bán. Mùa gặt, ba má bận bịu ruộng đồng, lúa đổ đầy nhà, xúc vài ba bao thì không ai hay biết, là tôi với chị Ba tưởng vậy. Nhưng má là má, bận bịu tới cỡ nào má vẫn để mắt tới anh chị em tôi, đứa nào làm gì má cũng biết rõ. Biết tôi xúc lúa mà má làm lơ… Lớn lên tôi mới hiểu, người đàn bà thương con, muốn con mình được vui chơi đôi chút mà chồng thì quá chặt chẽ tiền bạc…

Rạp cải lương sáng đèn rực rỡ thật là hấp dẫn mà hấp dẫn hơn nữa là ở phía sau, nơi không có trang trí màu mè mà chỉ là mấy tấm vải bố nối với nhau để che chắn hậu trường làm chỗ cho diễn viên hóa trang. Bọn thằng Tâm với thằng Kỉnh con ông Ba Két đang túm tụm ở đó thì dĩ nhiên tôi cũng chạy tới chỗ đó, cả lũ dán mắt qua khe hở háo hức nhìn ngó những khuôn mặt người bình thường nhờ son phấn mà biến thành vua thành quan… Đoàn hát bội về cũng vậy, bọn con nít tụi tôi vẫn thích nhìn ngó diễn viên hóa trang trước khi lên sân khấu, riêng tôi thì vì trước đây được chị Ba dắt đi coi hát bội nhiều lần nên tôi rành vai nào hiền vai nào dữ vai nào trung thành vai nào phản bội. Tôi làm tài lanh giải thích cho mấy đứa nghe, ông đang xoa màu đỏ lên mặt sẽ là viên quan trung nghĩa khí tiết còn cái người đang xoa màu trắng mốc kia sẽ là gian thần nịnh bợ… “Thiệt không đó?” “Sao mày biết?” Mấy đứa nửa tin nửa ngờ để rồi khi diễn viên bước ra sân khấu nhập vai đúng y như tôi nói, đứa nào cũng phục lăn. Đâm ra mỗi khi chạy tới chỗ diễn viên hóa trang thì bọn nó hay đứng lại đợi tôi cùng nhập bọn và hỏi tôi ông râu vểnh này cô má hồng kia sẽ diễn vai gì cho tới lúc ông bảo vệ từ đâu đi tới gần và hét to “Mấy đứa này bu lại đây làm gì hả?” thì tất cả bỏ chạy.

Tôi vì có em Thành nên chạy chậm hơn, bị ông túm cổ. Nhưng cũng may, thấy tôi cõng em nên ông bảo vệ động lòng thương, miệng ông la lối om sòm mà tay thì đẩy tôi tới một chỗ bên ngoài sợi dây thừng mà cũng gần sân khấu và nói “Ngồi đợi đó đi nhỏ, đừng có bỏ đi chỗ khác mắc bế em không chen lấn nổi đâu.”

Đoàn cải lương đông khách được một hai đêm đầu tiên, qua đêm kế tiếp vì diễn lại tuồng cũ cho nên khách ít dần vì đã coi rồi nên người ta không đi coi nữa, cho tới khi chiếc xe trang trí màu mè lại chạy phành phạch rao diễn tuồng mới…

THƯƠNG VẬY MÀ CHẲNG BIẾT LÀM GÌ

Chiến sự ngày càng ác liệt, làng quê tôi nằm trong vùng xôi đậu, ban ngày binh lính Quốc Gia kiểm soát, tối đến thì du kích Cách Mạng đánh đồn. Nhà ai cũng đào hầm để có chỗ ẩn náu khi bom đạn. Có những lúc má con tôi phải nằm dưới trảng xê cả đêm vì sợ những đợt pháo từ thị xã bắn vào.

Nói hai tiếng Cách Mạng nghe có vẻ to tát vậy chớ quân du kích cũng là con cháu của người dân trong vùng, nếu không quen biết thì cũng dây mơ rễ má con của em vợ ông cậu hay là cháu của bà bác bên chồng… Chẳng xa lạ gì nên nửa đêm gõ cửa xin gạo và nhờ mua thuốc trị sốt rét là chuyện bình thường. Ngoài những việc trên, du kích còn tổ chức dân vận với các chương trình văn nghệ để thu hút thanh niên tham gia du kích, góp thuế nông nghiệp của nông dân xây dựng lực lượng du kích địa phương chống chính quyền.

Chính quyền Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ đã quyết định lập ấp chiến lược để cắt đường tiếp tế cho bên Cách Mạng. Gia đình tôi phải dọn ra kênh Cái Sắn ở nhờ trên khu đất bà Bảy dì của má.  Phận dân đen, ở đâu thì cũng vất vả kiếm ăn. Việc ruộng đồng cũng gặp khó khăn do chiến tranh gây ra, má tôi làm thêm việc giã bắp và làm bánh tằm đem qua chợ bán. Má thức khuya dậy sớm tần tảo, có ngày quên cả ăn cơm. Vừa đi bán ở chợ về thì má vội quay ra vớt thau bắp ngâm vôi từ tối hôm qua chuẩn bị đưa vào cối giã, rồi sàng, để khuya thức dậy nấu tới sáng thì đem qua chợ bán. Tôi hỏi sao má không ăn cơm rồi hẵng làm má nói má không đói! Có khi làm xong hết mẻ bắp má mới ăn bữa trưa thì lúc đó đã gần ba giờ chiều. Trong giai đoạn đó má tôi thân hình ốm o càng ngày càng gầy thấy rõ.

Qua mùa bắp thì má bày ra làm bánh tằm. Cái thớt bằng gỗ để se sợi bánh tằm, gọi là cái thớt mà nó hình chữ nhật, bề ngang khoảng bốn mươi phân và bề kia thì dài cả thước. Nhồi xong thau bột, má chà cục sáp ong khắp mặt thớt để khi se bột không bị dính. Bàn tay má khéo léo rê từng cục bột cho nó thành hai sợi dài rồi cuộn tròn lại như cái nhang vòng. Má ngồi suốt buổi chiều mới se xong thau bột. Rồi thì nạo dừa khô để làm nước cốt và rang mè để làm muối mè, nấu nước mắm, lặt rửa rau thơm và mấy trái dưa leo. Chuẩn bị cho buổi chợ sáng mai xong thì trời đã sụp tối, mà má phải thức dậy từ khuya để còn hấp bánh…

Món bánh tằm này làm rất lâu công nên suốt mùa làm bánh tằm má tôi càng gầy guộc hơn vì suốt cả ngày không được nghỉ ngơi chút nào.

*

Em Thành đến tuổi đi học. Ngày ngày tôi dắt em tới trường. Tôi ngồi ở bàn gần cuối, lớp nhì. Vừa làm bài tập của mình tôi vừa nhìn lên em Thành ngồi ở bàn đầu, đang cắm cúi tập đồ chữ i chữ o, giống y như tôi trong những ngày đầu tiên, thỉnh thoảng em len lén quay nhìn về phía sau. Tôi ra dáng làm anh trừng mắt ra hiệu “Lo viết bài của mình đi” thì em le lưỡi rồi vội quay lên và lại cắm cúi.

Buổi tối, hai anh em tôi ngồi học bài viết bài. Em Thành nhìn qua vở của tôi có đánh số thứ tự ở góc trang giấy mà thắc mắc ghen tỵ “Sao vở của em không có số như vở của anh?” Tôi trả lời mai mốt em lên lớp lớn hơn thì vở cũng sẽ có số như vậy, vì học trò lớp lớn có mấy đứa cẩu thả hay xé vở nên cô Thể bắt đánh số thứ tự từng trang để biết học trò nào xé vở mà phạt quỳ hay khẽ thước vô tay. Nghe kể bị khẽ thước vô tay em Thành sợ lắm.

Má đi lui đi tới làm công chuyện nhà thỉnh thoảng đi tới bàn nhìn ngó anh em tôi học, nghe nói chuyện xé vở, má tặc lưỡi, mua vở tốn tiền mà xé vở là phí phạm lắm đó, bị cô giáo phạt là đúng rồi. Má nói như là nhắc nhở anh em tôi đừng bắt chước mấy đứa xé vở, tới trường tới lớp thì phải nghe lời dạy của cô giáo. Em Thành hỏi lại, như vậy thì lớp năm rất ngoan ngoãn nên mới không cần đánh số trang vở phải không? Câu hỏi bằng giọng hớn hở lém lỉnh như khoe với má mình là học trò ngoan khiến má ôm em vô lòng mà khen con của má giỏi quá.

Tần tảo chắt chiu, má đã trả xong món nợ lúc ba nằm xuống và mua lại được đôi bông tai và sợi dây chuyền mà hồi kẹt tiền phải bán. Bây giờ đây, vất vả đến mấy mà hai anh em cố gắng học hành là má thấy vui rồi.

Ngờ đâu…

Em Thành đổ bịnh. Thời đó người ta nói em Thành bị bệnh “ban đen.”

Một lần nữa, mà lại bán đôi bông tai và sợi dây chuyền để lo thuốc thang, lại vay mượn…

Và lại khóc cho nỗi biệt ly.

Mặc bao tận tình chăm sóc yêu thương, em Thành đã bỏ má bỏ tôi mà đi.

Nước mắt khóc chồng chưa nguôi thì giờ đây má lại khóc con. Anh Hai chị Ba về thăm, an ủi má, nhưng anh chị chỉ ở với má được vài ngày thôi rồi phải trở về với gia đình riêng của mình.

Chỉ còn lại hai má con. Tôi bắt đầu phụ giúp má việc đồng ruộng, khi đó tôi mới thật sự nếm trải sự vất vả khổ ải của nông dân và gấp trăm lần khổ hơn là phụ nữ vì khi về nhà thì phụ nữ còn phải làm bao công việc khác và chăm lo cho chồng con mà đàn ông thời đó thì coi vợ là người hầu. Như má tôi, hết lòng vì chồng con mà ba tôi thì gia trưởng độc đoán ích kỷ, người ngoài nhìn vô cứ tưởng ba tôi rộng rãi với má lắm vì khi tới mùa gặt ai cũng thấy má là người cầm tiền bán lúa, nhưng thật ra má chỉ là thủ quỹ của ba thôi, muốn chi tiêu đồng nào phải thì phải đợi ba gật đầu cho phép.

Cấy lúa mùa mưa, suốt buổi ngâm hai cẳng chân trong nước lạnh lẽo, cầm nọc cấy bụi lúa mà bỗng vọt lên con đỉa cắm ngay cổ tay, nhìn xuống thì hai chân đỉa đeo lốm đốm. Trên mặt thì bị bù mắt bu, vừa ướt át vừa ngứa hai con mắt rất khó chịu. Tấm ni lông cột choàng qua vai che mưa không ngăn được gió tạt nên một hồi thì ướt át khắp người và cơn lạnh thấm dần thấm dần…

Nếm mùi cực nhọc, tôi mới biết thương má nhiều hơn nhưng thương vậy mà chẳng biết làm gì. Có lần tôi buột miệng nói mình hãy bán ruộng rồi ra ngoài thị xã buôn bán sống đi má, ở đây cực quá. Má chỉ cười.“ Ờ đâu quen đó con à. Ra ngoài thị xã lạ nước lạ cái làm sao mà sống.” Thằng nhóc khờ dại là tôi hồi đó thấy má bưng thúng bắp xuống xuồng qua chợ xã bán xong khi trở về luôn có quà bánh cho con hoặc tập vở mới và áo quần mới nên tôi tưởng việc buôn bán là dễ dàng, đâu biết thúng bắp thúng bánh trên đôi tay gầy của má là bao tính toán cân đo, tằn tiện chắt chiu gom góp suốt bao tháng ngày mới đổi được năm phân vàng để dành phòng lúc ốm đau hay trong nhà có việc. Thằng nhóc khờ dại là tôi khi đó đôi ba lần đi  theo má ra chợ tỉnh nhìn thấy người đi trên đường quần là áo lượt và nhiều nơi sáng đèn rực rỡ cho tôi mơ tưởng cuộc sống phố thị an nhàn với tất cả, đâu biết nơi chốn cũng chọn người.

Những buổi tối tôi ngồi học bài một mình, không còn em Thành bên cạnh hỏi chữ này là chữ gì, không còn em chờ khi tôi quay nhìn nơi khác để lén cầm cây bút lá tre chấm mực làm dơ trang vở khiến tôi nổi cáu và bị má rầy là làm gương xấu cho em. Má không còn nói tôi gắng học giỏi để mai mốt dạy lại cho em, má không còn nói tôi là anh nên làm việc gì cũng phải nhớ là  mình đang làm gương cho em, má không còn căn dặn tôi khi má vắng nhà thì tôi là người lớn nhứt nên tôi phải chăm sóc em như vầy như kia…

Má buồn bã sầu muộn và đâm ra hay lo âu về những mất mát có thể xảy ra mà mình không lường được không tránh được. Có đêm giữa khuya, hai má con giật mình thức giấc vì đạn nổ vang trời. Hai bên đánh nhau, cách nhà tôi vài cây số bên này sông súng bắn qua bên kia sông đồn bắn lại và đạn pháo ngoài Rạch Sỏi nã vào… “Trời ơi không biết anh Hai của con ra sao? ” Má hỏi tôi mà tôi thì biết nói gì đâu. Má hỏi tôi mà cũng như là tự hỏi mình. Má đi lui đi tới đứng ngồi không yên đợi trời vừa tờ mờ sáng là má bơi xuồng qua sông đón xe lên tận nơi anh Hai đóng quân để xem anh có bị gì không…

Má có tấm lòng như vị Bồ Tát lặng lẽ thu nhận tất cả những gì chồng con đổ xuống mình rồi đáp trả bằng tình yêu thương và sự nhẫn nại không bến bờ.

( Trích quyển ” Quăng đời mình vào chốn Thiền Môn” của tác giả Thiện Bảo )