Thương vậy mà chẳng biết làm gì

679

LTS:  Mùa Vua Lan 2021 PL 2565  năm nay là mùa  Vu Lan  rơi vào nạn dịch Covid 19 đang bùng phát,cho nên mọi sinh hoạt của mọi người dân trong đó có Tăng Ni Phật tử chỉ biết  hướng tâm nguyện về mùa Vu Lan báo hiếu với lòng chí thành đến những tổ tiên ông bà cha mẹ như đóa hoa hồng cài lên ngực áo hằng năm.

Chúng tôi xin phép HT Viện Chủ Chùa Bửu Thọ xin trích đăng một vài đoạn văn trong tác phẩm ” Quăng đời minh vào chốn thiền môn” để thấy được công lao của người mẹ của một vị xuất gia mà tác giả đã kể lại tromg tác phẩm ..

        Cụ bà ngồi giữa HT Thiện Bảo  (bên phái nhìn vào) Sư Thiện Hạnh ( bên trái) 

Má đi nhà cửa quạnh hiu/

Hiên chủa sân trước ,nhà sau lặng buồn/

Mâm cơm đạm bạc dưa tương/

Đủa cònn đôi  chiếc ,chén không người cầm/

Chuông còn hai buổi  khua ngân/

Chuổi huyền  vắng tiếng mẹ lần nam mô.

… Chiến sự ngày càng ác liệt, làng quê tôi nằm trong vùng xôi đậu, ban ngày binh lính Quốc Gia kiểm soát, tối đến thì du kích Cách Mạng đánh đồn. Nhà ai cũng đào hầm để có chỗ ẩn náu khi bom đạn. Có những lúc má con tôi phải nằm dưới trảng xê cả đêm vì sợ những đợt pháo từ thị xã bắn vào. Nói hai tiếng Cách Mạng nghe có vẻ to tát vậy chớ quân du kích cũng là con cháu của người dân trong vùng, nếu không quen biết thì cũng dây mơ rễ má con của em vợ ông cậu hay là cháu của bà bác bên chồng…

Chẳng xa lạ gì nên nửa đêm gõ cửa xin gạo và nhờ mua thuốc trị sốt rét là chuyện bình thường. Ngoài những việc trên, du kích còn tổ chức dân vận với các chương trình văn nghệ để thu hút thanh niên tham gia du kích,góp thuế nông nghiệp của nông dân xây dựng lực lượng du kích địa phương chống chính quyền.

Chính quyền Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ đã quyết định lập ấp chiến lược để cắt đường tiếp tế cho bên Cách Mạng. Gia đình tôi phải dọn ra kênh Cái Sắn ở nhờ trên khu đất bà Bảy dì của má. Phận dân đen, ở đâu thì cũng vất vả kiếm ăn. Việc ruộng đồng cũng gặp khó khăn do chiến tranh gây ra, má tôi làm thêm việc

giã bắp và làm bánh tằm đem qua chợ bán. Má thức khuya dậy sớm tần tảo, có ngày quên cả ăn cơm. Vừa đi bán ở chợ về thì má vội quay ra vớt thau bắp ngâm vôi từ tối hôm qua chuẩn bị đưa vào cối giã, rồi sàng,để khuya thức dậy nấu tới sáng thì đem qua chợ bán. Tôi hỏi sao má không ăn cơm rồi hẵng làm má nói má không đói! Có khi làm xong hết mẻ bắp má mới ăn bữa

trưa thì lúc đó đã gần ba giờ chiều. Trong giai đoạn đó má tôi thân hình ốm o càng ngày càng gầy thấy rõ. Qua mùa bắp thì má bày ra làm bánh tằm. Cái thớt bằng gỗ để se sợi bánh tằm, gọi là cái thớt mà nó hình chữ nhật, bề ngang khoảng bốn mươi phân và bề kia thì dài cả thước. Nhồi xong thau bột, má chà cục sáp ong khắp mặt thớt để khi se bột không bị dính. Bàn tay má khéo léo rê từng cục bột cho nó thành hai sợi dài rồi cuộn tròn lại như cái nhang vòng. Má ngồi suốt buổi chiều mới se xong thau bột. Rồi thì nạo dừa khô để làm nước cốt và rang mè để làm muối mè, nấu nước mắm,lặt rửa rau thơm và mấy trái dưa leo. Chuẩn bị cho buổi chợ sáng mai xong thì trời đã sụp tối, mà má phải thức dậy từ khuya để còn hấp bánh…

Món bánh tằm này làm rất lâu công nên suốt mùa làm bánh tằm má tôi càng gầy guộc hơn vì suốt cả ngày không được nghỉ ngơi chút nào.

* * *

Em Thành đến tuổi đi học. Ngày ngày tôi dắt em tới trường. Tôi ngồi ở bàn gần cuối, lớp nhì. Vừa làm bài tập của mình tôi vừa nhìn lên em Thành ngồi ở bàn đầu, đang cắm cúi tập đồ chữ i chữ o, giống y như tôi trong những ngày đầu tiên, thỉnh thoảng em len lén quay nhìn về phía sau. Tôi ra dáng làm anh trừng mắt

ra hiệu “Lo viết bài của mình đi” thì em le lưỡi rồi vội quay lên và lại cắm cúi.

Buổi tối, hai anh em tôi ngồi học bài viết bài. Em Thành nhìn qua vở của tôi có đánh số thứ tự ở góc trang giấy mà thắc mắc ghen tỵ “Sao vở của em không có số như vở của anh?” Tôi trả lời mai mốt em lên lớp lớn hơn thì vở cũng sẽ có số như vậy, vì học trò lớp lớn có mấy đứa cẩu thả hay xé vở nên cô Thể bắt đánh số thứ tự từng trang để biết học trò nào xé vở mà phạt quỳ

hay khẽ thước vô tay. Nghe kể bị khẽ thước vô tay em Thành sợ lắm.

Má đi lui đi tới làm công chuyện nhà thỉnh thoảng đi tới bàn nhìn ngó anh em tôi học, nghe nói chuyện xé vở, má tặc lưỡi, mua vở tốn tiền mà xé vở là phí phạm lắm đó, bị cô giáo phạt là đúng rồi. Má nói như là nhắc nhở anh em tôi đừng bắt chước mấy đứa xé vở,tới trường tới lớp thì phải nghe lời dạy của cô giáo. Em Thành hỏi lại, như vậy thì lớp năm rất ngoan ngoãn

nên mới không cần đánh số trang vở phải không? Câu hỏi bằng giọng hớn hở lém lỉnh như khoe với má mình là học trò ngoan khiến má ôm em vô lòng mà khen con của má giỏi quá.

Tần tảo chắt chiu, má đã trả xong món nợ lúc ba nằm xuống và mua lại được đôi bông tai và sợi dây chuyền mà hồi kẹt tiền phải bán. Bây giờ đây, vất vả đến mấy mà hai anh em cố gắng học hành là má thấy vui rồi.

Ngờ đâu…

Em Thành đổ bịnh. Thời đó người ta nói em Thành

bị bệnh “ban đen.” Một lần nữa, má lại bán đôi bông tai và sợi dây chuyền để lo thuốc thang, lại vay mượn…

Và lại khóc cho nỗi biệt ly.

Mặc bao tận tình chăm sóc yêu thương, em Thành

đã bỏ má bỏ tôi mà đi. Nước mắt khóc chồng chưa nguôi thì giờ đây má lại khóc con. Anh Hai chị Ba về thăm, an ủi má, nhưng

anh chị chỉ ở với má được vài ngày thôi rồi phải trở về

với gia đình riêng của mình. Chỉ còn lại hai má con. Tôi bắt đầu phụ giúp má việc đồng ruộng, khi đó tôi mới thật sự nếm trải sự vất vả khổ ải của nông dân. Người phụ nữ thì còn trăm lần khổ hơn vì khi về nhà thì họ còn phải làm bao công việc khác và chăm lo cho chồng con mà đàn ông thời đó thì coi vợ là người hầu. Như má tôi, hết lòng vì chồng con mà ba tôi thì gia trưởng độc đoán ích kỷ.

Cấy lúa mùa mưa, suốt buổi ngâm hai cẳng chân trong nước lạnh lẽo, cầm nọc cấy bụi lúa mà bỗng vọt lên con đỉa cắm ngay cổ tay, nhìn xuống thì hai chân đỉa đeo lốm đốm. Trên mặt thì bị bù mắt bu, vừa ướt át vừa ngứa hai con mắt rất khó chịu. Tấm ni lông cột choàng qua vai che mưa không ngăn được gió tạt nên một hồi thì ướt át khắp người và cơn lạnh thấm dần thấm dần…

Nếm mùi cực nhọc, tôi mới biết thương má nhiều hơn nhưng thương vậy mà chẳng biết làm gì. Có lần tôi buột miệng nói mình hãy bán ruộng rồi ra ngoài thị xã buôn bán sống đi má, ở đây cực quá. Má chỉ cười.“ Ờ đâu quen đó con à. Ra ngoài thị xã lạ nước lạ cái làm sao mà sống.” Thằng nhóc khờ dại là tôi hồi đó thấy má bưng thúng bắp xuống xuồng qua chợ xã bán xong khi trở về luôn có quà bánh cho con hoặc tập vở mới và áo quần mới nên tôi tưởng việc buôn bán là dễ dàng, đâu biết thúng bắp thúng bánh trên đôi tay gầy của má là bao tính toán cân đo, tằn tiện chắt chiu gom góp suốt bao tháng ngày mới đổi được năm phân vàng để dành phòng lúc ốm đau hay trong nhà có việc. Thằng nhóc khờ dại là tôi khi đó đôi ba lần đi theo má ra chợ tỉnh nhìn thấy người đi trên đường quần là áo lượt và nhiều

nơi sáng đèn rực rỡ cho tôi mơ tưởng cuộc sống phố thị an nhàn với tất cả, đâu biết nơi chốn cũng chọn người.Những buổi tối tôi ngồi học bài một mình, không còn em Thành bên cạnh hỏi chữ này là chữ gì, không còn em chờ khi tôi quay nhìn nơi khác để lén cầm cây bút lá tre chấm mực làm dơ trang vở khiến tôi nổi cáu và bị má rầy là làm gương xấu cho em. Má không còn nói tôi gắng học giỏi để mai mốt dạy lại cho em, má không còn nói tôi là anh nên làm việc gì cũng phải nhớ là mình đang làm gương cho em, má không còn căn dặn tôi khi má vắng nhà thì tôi là người lớn nhứt nên tôi phải chăm sóc em như vầy như kia…

Má buồn bã sầu muộn và đâm ra hay lo âu về những mất mát có thể xảy ra mà mình không lường được không tránh được. Có đêm giữa khuya, hai má con giật mình thức giấc vì đạn nổ vang trời. Hai bên đánh nhau, cách nhà tôi vài cây số bên này sông súng bắn qua bên kia sông đồn bắn lại và đạn pháo ngoài Rạch Sỏi nã vào… “Trời ơi không biết anh Hai của con ra sao? ” Má hỏi tôi mà tôi thì biết nói gì đâu. Má hỏi tôi mà cũng như là tự hỏi mình. Má đi lui đi tới đứng ngồi không yên đợi trời vừa tờ mờ sáng là má bơi xuồng qua sông đón xe lên tận nơi anh Hai đóng quân để xem anh có bị gì không…

Má có tấm lòng như vị Bồ Tát lặng lẽ thu nhận tất cả những gì chồng con đổ xuống mình rồi đáp trả bằng tình yêu thương và sự nhẫn nại không bến bờ…

 Thiện Bảo  ( Trích ” Quăng đời mình vào chốn Thiền môn)