Thực tế trần trụi

550

…Mơ tưởng vỡ tan, tôi bước vô thực tế trần trụi là huynh đệ chúng tôi chẳng ai làm gương cho ai được! Ngoài ngày hai thời công phu và thời Tịnh độ buổi tối thì thầy trụ trì Minh Cảnh phân công cho chúng tôi công việc đi chợ nấu cơm lau dọn, chẳng khác gì chùa quê. Thật sự là công việc chẳng có gì nhiều, bữa cơm đạm bạc tương chao đơn sơ nên việc nấu nướng dọn dẹp chẳng mất mấy thời gian, lau nhà cũng vậy, diện tích nhỏ hẹp nên chỉ vài lần quơ giẻ là xong. Nhưng chẳng hiểu sao huynh đệ thường hay tị nạnh và sinh mâu thuẫn nói qua nói lại, tôi thì không dám nói gì ai, đành ôm nỗi buồn trong lòng.

           Tác giả Thiện Bảo đứng bìa trái 

    Thầy Minh Cảnh trụ trì NPĐ Liên Trí Q3 đứng bìa phải 

Mãi sau này tôi mới hiểu, chúng tôi khi đó là thanh niên tuổi mười tám đôi mươi, chọn con đường tu hành cho mình nhưng chúng tôi còn non nớt quá, chưa được tu tập sâu sắc để biết cách chuyển hóa chướng duyên bên ngoài cùng với chuyển hóa nội tâm và những nhu cầu tâm sinh lý bình thường do tạo hóa sinh ra. Mà vì không tự biết cũng như không được ai hướng dẫn dạy dỗ cho biết, cho nên những ẩn ức đó tìm lý do để bộc phát và vậy mới sinh ra cãi cọ bực bội. Chúng tôi cứ như những người mù đi trên đường, khi thì để người khác va đụng trúng mình, khi thì mình va đụng người khác, và khi thì chính mình tự vấp té…

Nhưng sự non nớt của chính chúng tôi chỉ là một phần, chính yếu là vì chú Minh Thống và chú Minh Phạm là hai người em ruột của thầy trụ trì Minh Cảnh, cùng tu cùng là Sa di như chúng tôi nhưng ỷ thế anh mình là trụ trì nên hai chú ấy rất cống cao hống hách, coi huynh đệ chẳng ra gì, nhiều khi khiến chúng tôi tủi thân như mình chỉ là người ở nhờ nhà riêng của hai chú ấy vậy!

Tệ hơn nữa, Thầy Minh Cảnh còn có người em ruột tên Thẳng đi lính làm việc hành chính ở Bộ Tổng Tham Mưu, người này thường xuyên về Niệm Phật Đường ngủ lại, còn đem theo bánh trái và đồ hộp mặn của Mỹ bày ra ăn uống chẳng khác chi đây nhà riêng của mình, còn tỏ ra hào phóng mời mọi người cùng ăn! Đây quả là một thử thách đáng ngại, mùi vị tỏa lựng trong không gian chật hẹp… Tôi không bị mùi vị của món mặn này quyến rũ nhưng không phải huynh đệ nào cũng giữ được mình.

Sau những bữa ăn đêm của người lính này, tôi thầm trách thầy Minh Cảnh. Tốt bụng và luôn sẵn lòng khi Tăng chúng  cần sự giúp đỡ vật chất, nhưng tại sao thầy không hiểu được sự giúp đỡ mà chúng tôi cần nhất trên đường tu là gì? Tại sao thầy lại để các em ruột của mình phá vỡ mọi quy tắc nề nếp chốn tu hành? Tại sao thầy để cho Tăng chúng phải đối diện với những thử thách không đáng có.

Cũng có Phật tử  nói tới lui  với thầy Minh Cảnh về các em của thầy, nhưng có lẽ thầy cho đó là những chuyện nhỏ nhặt lặt vặt va chạm thường tình giữa tập thể những người trẻ tuổi nên thầy chỉ nhắc nhở xuê xoa qua loa rồi thôi khiến sự việc cứ vậy mà lặp đi lặp lại khiến ai cũng nản lòng.

Trong thời điểm đó những cuộc tranh đấu của Phật Giáo đòi Mỹ rút quân ra khỏi miền Nam, nên hầu như ngày nào cũng có mùi khói lựu đạn cay của cảnh sát giải tán đoàn biểu tình khiến huynh đệ nảy sinh tâm lý bất an.

Giữa bao nỗi hoang mang đó, tôi có được niềm vui là được đi học trường Bồ Đề. Trường có hai dãy, mỗi dãy có bốn tầng. Lớp tôi học nằm ở tầng hai, giờ ra chơi đứng trên ban công nhìn xuống sân trường tráng xi măng và lát gạch sạch sẽ nhưng ít có học trò chạy chơi trên sân vì nắng, tôi se lòng nhớ ngôi trường mái lá quê mình giờ ra chơi náo nức với bao trò chơi…

Sư huynh Minh Tâm và tôi cùng lớp đệ thất. Nhớ ngày đầu tiên, khi học sinh đứng dậy chào, cô giáo Lê Thị Thanh dạy Lý – Hóa cứ ngạc nhiên nhìn Sư huynh Minh Tâm cao to lừng lững giữa những học sinh được đi học đúng tuổi. Sư huynh Minh Tâm rất xấu hổ và tôi cũng vậy.

Nhưng tôi vượt qua được nỗi xấu hổ còn Sư huynh Minh Tâm thì không, đi học được vài tháng thì Sư huynh nghỉ. Tới lớp thì mặc cảm còn về Niệm Phật Đường thì bị các em của thầy trụ trì ỷ thế gây khó dễ, trong chúng không thuận hòa, Sư huynh Minh Tâm chán nản bỏ về quê. Tôi phải xa một người bạn đồng hành ngày ngày cùng tới trường và đêm đêm cùng thức khuya học bài làm bài, phải xa một người bạn đồng tu cùng quê cùng ước vọng khát khao cầu tiến. Tôi buồn lắm.

*

Thỉnh thoảng tôi theo thầy trụ trì đi tụng kinh đám tang, và thỉnh thoảng có Phật tử thấy thương mấy chú ở quê lên thành phố học nên họ cho tiền, ngoài mua sách vở học hành, tôi để dành tiền mua vé xe về quê thăm má. Tôi chọn đi vào mùa hè được nghỉ học để được ở với má nhiều ngày.

Nhìn thấy tôi, má mừng mừng tủi tủi. Bà Tư già coi chùa kể lại, má nghe người ta nói ở Sài Gòn tình hình lộn xộn bất ổn lắm nên má rất sốt ruột lo lắng cho tôi. Má qua nhà một người bác lên xác cô Năm hỏi xem tôi có bị gì không mà sao không nghe gì hết nên má càng lo lắng hơn.

Miền Tây làng quê tôi đó đây có một cái am, người ta tin là có một người nữ hay nam thường mượn xác nhập vào và tự xưng cô Năm, cậu Bảy, ông Lục…  Những ông bà trong am này cho bùa trị bịnh và bốc thuốc nam cho những người nhẹ dạ cả tin.

Thời đó, ngang qua nhà ai thấy kê một cái ghế đẩu, bên trên đặt cái mâm có bát hương và bông trái và con dao với cái thớt là biết trong nhà có người bị bịnh! Bịnh nhẹ cúng đầu heo thì con dao nằm trên cái thớt! Còn nếu bịnh nặng thì cúng nguyên con heo và con dao cắm thẳng đứng trên cái thớt! Sự cầu cúng mê tín này cho tới nay đã giảm nhiều nhưng thỉnh thoảng vẫn còn thấy.

Má nhớ tôi quá nên thỉnh thoảng má tới nhờ nhập xác cô Năm để hỏi thăm về tôi, nghe bà Tư già nói vậy mà tôi thấy mình nợ má nhiều lắm. Công việc nhà bình thường tôi đã không giúp má được, còn khiến má phải lo lắng tìm tới sự linh thiêng của một đấng thần linh nào đó vì không còn cách nào khác để gởi gắm tình cảm mong mỏi lo lắng cho đứa con của mình.

Ban ngày tôi ở nhà phụ giúp má giã bắp và ngâm bắp còn buổi tối tôi qua chùa ngủ. Có khi má nói tối nay ở nhà với má cho vui, thì tôi ngủ nhà một đêm, qua hôm sau tôi đã thấy nhớ chùa. Thương má lắm nhưng mà tôi thích ở chùa hơn. Ngẫm lại, từ khi xuất gia, mỗi lần về thăm má chưa bao giờ tôi ngủ hai đêm liên tiếp ở nhà.

Thăm nhà được vài tuần thì tôi trở lại Sài Gòn. Bước chân vào Niệm Phật Đường, tôi hoan hỷ chào huynh đệ nhưng cảm thấy không khí nặng nề, mới biết có huynh vừa bỏ về quê nhà ở Bình Định. Tôi không biết chính xác khi mình vắng mặt đã xảy ra chuyện gì nhưng nghe kể lại câu này câu kia thì lý do chính cũng không ngoài cách xử sự hống hách của hai người em thầy trụ trì.

Tôi nghe mà buồn quá, nhưng tôi không còn mơ tưởng nữa, tôi biết thực tế là vậy và tự nhủ lòng mình dù sao đi nữa cũng quyết ở lại để tiếp tục việc học. Nhưng tôi không ngăn được mình đôi lúc nhìn quanh vơ vẩn, vì mới hôm nào huynh đệ còn đây tỉ tê tâm sự về chọn lựa đường đi của mình, mà nay chẳng biết đã về đâu.

Hỏi thầy Minh Cảnh tại sao chùa mình hay xảy ra chuyện không vui? Thầy  Minh Cảnh thở dài, là trụ trì tâm lượng yêu thương hết lòng chăm lo việc ăn ở cho Tăng chúng mà đành nhìn Tăng chúng lần lượt bỏ mình mà đi, đau lòng lắm, nhưng biết làm sao, thầy không nghiêm khắc dạy dỗ các em của mình được nên cũng không thể thuyết phục được Tăng chúng tin là thầy có thể giải quyết được vấn đề.

Tôi được thầy Minh Cảnh thương mến tin tưởng nên nhiều khi thầy tâm sự với tôi về con đường tu hành, thầy nói không riêng gì chùa của mình mà các nơi khác cũng xảy ra những điều khó nói, lại thêm tình hình chiến sự nhiều nỗi, ngày nào cũng phải hít mùi khói lựu đạn cay của cảnh sát giải tán đoàn biểu tình. Thế sự nhiễu nhương nhân tâm khó lường, nội bộ Phật giáo thì phân hóa…

                    Thầy Thiện Bảo đứng bìa trái,Chú Minh Phạm,Minh Trí ( Hùng) và người cháu của thầy Minh Cảnh  

Một hôm, thầy Minh Cảnh nói với tôi là sẽ “ buông bỏ hết muôn duyên”( phóng há vạn duyên) để lên rừng ẩn tu. Nói là làm, thầy bán hết vật dụng cá nhân như chiếc xe HonDa Dame, tivi, tủ lạnh… quyết tâm ra đi. Thầy giao Niệm Phật Đường lại cho người em là chú Minh Thống quản lý.

Mùa hè 1972 tôi theo thầy Minh Cảnh đến Đại Ninh gặp một vị minh sư từng sống ở Sài Gòn nhưng Ngài đã bỏ hết mọi tiện nghi để lên rừng dịch kinh viết sách về Tịnh độ như Niệm Phật Thập Yếu, Lá Thư Tịnh độ, Tịnh Độ Thập Nghi Luận… Đó là Hòa thượng Thích Thiền Tâm

Năm 1964, Hòa thượng Thiện Hòa mở Trường Chuyên khoa Phật học tại chùa Huệ Nghiêm, Bình Chánh, Sài Gòn. Hòa Thượng Thiền Tâm và hai vị Thanh Từ, Bửu Huệ được mời giao đảm trách việc giáo dục học Tăng. Song song đó, các Ngài còn phụ trách giảng dạy cho học Ni tại Phật học viện Dược Sư. Ngoài ra, Ngài còn giảng dạy tại Phân khoa Phật học thuộc Viện Đại Học Vạn Hạnh.

Năm 1967, Hòa thượng Thiền Tâm buông bỏ hết để đến Đại Ninh, ấp Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, kiến thiết  Tu viện Hương Nghiêm, và lập Hương Quang tịnh thất trong khuôn viên tu viện để chuẩn bị cho giai đoạn ẩn tu.

Tu viện Hương Nghiêm ở Đại Ninh cách Đà Lạt khoảng năm mươi cây số, từ quốc lộ 20 qua cầu Đại Ninh đi xuống con dốc nhỏ có con đường mòn đi vào khoảng năm trăm mét. Tu viện Hương Nghiêm nằm trên một dốc thấp, bên trong chánh điện chỉ thờ Đức Di Đà đứng phóng quang và Quan Âm Thế Chí. Khi sư huynh Minh Cảnh và tôi đến, tu viện còn hoang sơ, ngôi chánh điện đang còn xây dựng dở dang. Hai bên đường có những hàng thông mọc tự nhiên, cây cối khá rậm rạp. Vào sâu thêm khoảng vài chục mét có bốn cái thất của quý thầy lên đó ẩn tu, mỗi thất cách xa nhau vài chục mét, tất cả đều bằng vách tường lợp ngói. Đi tiếp đến một con suối lớn, bên bờ là ngôi tịnh thất bằng lá nơi vị Thị giả ở và cũng là chỗ nấu nướng, phía trên dốc thoai thoải nhìn chéo qua là ngôi tịnh thất Hương Quang mà Hòa Thượng thường ở đó dịch kinh và viết sách.

Quan sát những ngôi thất được xây dựng lên trong khu đất, thầy Minh Cảnh rất hoan hỷ vì tâm nguyện của thầy cũng muốn cất thất ẩn tu tránh xa chốn thành thị nhiều phiền toái. Nhưng sau khi đến đó một tuần, chứng kiến việc tranh chấp đất đai giữa nội bộ quý thầy trong tu viện đến mức phải đưa nhau ra đến chính quyền xã, thầy Minh Cảnh rất thất vọng, đã buông bỏ mà còn dính vào sự tranh chấp như người thế tục thì sao gọi là buông bỏ? Thầy Minh Cảnh cảm nhận thực tế nơi này trái ngược với những suy nghĩ của mình trước đây, khi chưa đặt chân đến.

Tâm nguyện và con đường ẩn tu của thầy Minh Cảnh trước khi lên Đại Ninh xem như hoàn toàn sụp đổ, thế là thầy lại cùng tôi quay trở về Sài Gòn, xem như ước nguyện không thành.

Trước khi về, thầy Minh Cảnh và tôi qua thất đảnh lễ Hòa thượng Thiền Tâm, Ngài trò chuyện về chuyên tu và sinh hoạt Giáo hội và làm Phật sự.

Lời của Hòa thượng tôi nhớ mãi nhưng lúc đó tôi chưa ý thức được thế nào là chuyên tu thế nào là sinh hoạt Giáo hội và làm Phật sự. Quý mến thầy Minh Cảnh nên thầy đi đâu thì tôi đi theo vậy thôi, chứ con đường trước mắt của tôi là mong muốn được học hành hiểu biết, tôi không chấp nhận làm một ông thầy tu quê mùa lạc hậu… Nhưng sự học của tôi vẫn chưa đi tới đâu, tôi vẫn đang trên con đường tìm kiếm, vậy nên Hòa thượng nói gì tôi cũng lễ phép vâng dạ mà trong lòng chưa hề có một khái niệm “chuyên tu” và ngay cả “thế nào là tu” tôi cũng chưa hình dung rõ ràng được. Ở Niệm Phật Đường Liên Trì tôi chứng kiến những người tu không như tôi từng nghĩ và tại tu viện Hương Nghiêm này thầy Minh Cảnh cũng gặp những chuyện mà người đi trước chúng tôi cũng đang vướng vào, vậy làm sao để hiểu “thế nào là tu”?

Sau này, nhớ về thầy Minh Cảnh thì tôi cũng nhớ bài thơ của Tô Đông Pha thi hào đời Đường (Trung Quốc), bài thơ  “ Lô Sơn” nói về cuộc sống “đứng núi này trông núi nọ.”

Mù tỏa Lô Sơn bóng Chiết Giang

Khi chưa đến đó hận muôn vàn

Đến rồi về lại không gì khác

Mù tỏa Lô Sơn bóng Chiết Giang

*

Noi gương thầy Minh Giác ở chùa Phổ Minh, thầy Minh Cảnh cho tất cả Tăng chúng ở Niệm Phật Đường Liên Trì đi học. Người học buổi sáng kẻ học buổi chiều, rất thuận lợi và hợp lý cho việc thay nhau nấu cơm dọn dẹp. Nhưng hay xảy ra chuyện là mấy huynh đệ đi học buổi sáng và có huynh đệ đi học buổi chiều như tôi nhưng nhờ có xe đạp nên về sớm hơn, các vị ấy dùng cơm trước mà không quan tâm tới người chưa về. Tôi và huynh đệ ăn sau có hôm chỉ có cơm và muối ớt, ngay cả nước tương cũng không còn. Thật ra, chuyện ăn thì có thể thưa với Sư huynh Minh Cảnh để xin thêm tiền mua tương mua rau, nhưng tôi nghĩ đạm bạc thiếu thốn không phải là lý do, chính anh em của thầy trụ trì  ứng xử không khéo khiến sự việc dần dần trượt xa khỏi nề nếp cần có, huynh đệ không giữ được lòng tin cậy quan tâm đến nhau như ước nguyện trong sáng ban đầu, bồ đề tâm không được tưới tẩm nên hạt giống xấu của tính ích kỷ có cơ hội mọc lên, lây lan…

Mỗi khi có huynh đệ tỏ ý bỏ đi, tôi cũng dao động lắm, lâm vào tình trạng tiến thối lưỡng nan. Nhưng tôi đã chọn ở lại.

Và cuối cùng thì tôi cũng phải ra đi. Ganh tị với tôi vì được thầy Minh Cảnh thương mến tin cậy rủ cùng đi Đại Ninh nên từ khi tôi trở về, chú Minh Thống hay kiếm cớ gây chuyện với tôi. Chuyện xảy ra lâu rồi nên tôi không nhớ rõ chi tiết, chỉ nhớ là chú Minh Thống rất nặng lời và giáng cho tôi một cái bạt tai…

Ra đi, lòng rất buồn và lo lắng chưa biết ngày mai ra sao, nhưng tôi không để mình thất vọng buông xuôi bỏ về quê. Tôi xin nhập chúng Niệm Phật Đường Huệ Quang Phường Cư Xá Đô Thành đường Nguyễn Đình Chiểu ( Phan Đình Phùng củ)  do thầy An Ngộ trụ trì . Ngày tôi đảnh lễ xin rời đi, thầy Minh Cảnh buồn buồn chẳng nói năng gì, tôi cũng buồn lắm.

Thế là tôi tạm biệt thầy Minh Cảnh, tạm biệt Niệm Phật Đường Liên Trì, nơi chốn đầu tiên cho tôi nương náu khi mới từ làng quê chân ướt chân ráo đến thị thành. Có lẽ chính cuộc sống đầy mâu thuẫn tại đó là một bài học lớn cho tôi.

*

Lời tâm tình

Trích “Nói với người xuất gia trẻ tuổi” của Thiền Sư Nhất Hạnh 

“ … Động lực xuất gia, như vậy, là tâm thương yêu. Tâm thương yêu buổi ban đầu rất hùng tráng, và vì thế chúng ta có cái cảm giác rõ ràng là nếu không đi tu thì chúng ta chịu không nổi. Tại vì cái năng lượng gọi là Bồ Đề Tâm đó hùng hậu vô cùng. Năng lượng ấy muốn chúng ta sống cuộc đời ta như thế nào để ta có thì giờ và khả năng làm vơi bớt những nỗi khổ quanh ta. Vì vậy cho nên Tâm Bồ Đề là một ước muốn lớn. Ước muốn đó cần được nuôi dưỡng.Còn nếu chỉ vì muốn trốn tránh những đau khổ trong cuộc đời mà đi tu thì động lực thúc đẩy ta đi tu không phải là nguồn năng lượng của Bồ Đề Tâm, vì tuy đã xuất gia, đã mặc áo người tu, nhưng ta không có cái năng lượng cần có của một người xuất gia.

Bồ Đề Tâm phải được nuôi dưỡng trong đời sống hàng ngày. Nếu không, nó sẽ bị xoi mòn. Vì vậy sống đời xuất gia trong một môi trường không thuận lợi có thể là một nguy hiểm lớn. Nếu không có môi trường thuận tiện, không có tăng thân giỏi, không có thầy hay, không có pháp môn thực tập hữu hiệu, hoặc có vấn đề với thầy, giận sư anh, giận sư ch, giận sư em, ngày nào cũng khổ đau, cũng khóc, thì chỉ trong một thời gian nào đó thôi, ta sẽ thấy Bồ Đề Tâm của ta bị xoi mòn và ta sẽ ra đời. Do đó cho nên vấn đề môi trường tu học là vấn đề rất quan trọng. Ta phải tìm ra được một môi trường trong đó Bồ Đề Tâm của ta được nuôi dưỡng hàng ngày…”.

( Trích quyển ” Quăng đời mình vào chốn Thiền Môn” của tác giả Thiện Bảo )