Niệm Phật Đường Huệ Quang

605

Niệm Phật Đường Huệ Quang là ngôi nhà nhỏ có bề ngang ba mét và bề dài khoảng chục mét, xây một trệt một lầu, mái tôn. Trên lầu là chánh điện thờ Phật, bên cạnh là một gian nhỏ khoảng hai mét vuông là phòng thầy trụ trì. Nói là phòng nhưng thật ra chỉ có một tấm ri đô ngăn cách để che cái giường.

NPĐ Huệ Quang trước đây là một căn hộ 

Tầng dưới, phía sau là bếp núc toilet, còn phía trước là nơi tiếp khách và cũng là chỗ ở của các chú ở tạm đi học, như tôi. Khá chật chội nên mọi sinh hoạt phải nhìn trước ngó sau mà tém cho gọn.

Tôi đã quen với khó khăn nên cũng mau thích nghi. Tôi đã trưởng thành hơn và kinh nghiệm sống ở Niệm Phật Đường Liên Trì dạy cho tôi biết cách xử sự hơn. Tôi không để huynh đệ phải nhắc nhở mình này kia, việc cá nhân tôi cố gắng không làm phiền người khác và công việc chung thì tôi sẵn lòng làm luôn phần việc của các chú, không so đo tị nạnh.

Có lẽ nhờ vậy mà thầy An Ngộ thương mến tin tưởng, dù tôi không phải đệ tử xuất gia hay y chỉ mà thầy hay gọi tôi theo mỗi khi đi công việc bên ngoài. Phật tử cũng có lòng tin tưởng nên thấy tôi đi cùng thầy thì nói “Thầy đi với chú Thiện Bảo thì tụi con rất yên tâm.” Đi cúng cầu an cầu siêu thầy hay đưa tôi đi theo, và đi dự lễ các chùa khác thầy cũng cho tôi đi cùng nên tôi được biết thêm nơi này nơi kia chuyện này chuyện kia, mở rộng tầm mắt.

Niệm Phật Đường Nguyên Hương khi đó chưa có trụ trì, thầy An Ngộ cử tôi qua đó làm lễ sám hối hàng tháng. Hồi còn ở quê, tôi từng một mình một chùa Bửu Thọ suốt mấy năm nên lần đầu tiên một mình hướng dẫn Phật tử tụng kinh ở Niệm Phật Đường Nguyên Hương tôi không bị hồi hộp lúng túng, buổi sám hối thực hiện nhẹ nhàng thông suốt, được Phật tử khen ngợi. Thầy An Ngộ hài lòng lắm và giao cho tôi thêm việc này việc nọ, việc nào tôi cũng cố gắng hoàn tất.

Mọi điều đang dần ổn định thì tôi hay tin thầy Minh Cảnh mất vì mổ ruột thừa bị nhiễm trùng, lúc đó thầy mới ba mươi tuổi.

Tôi về Niệm Phật Đường Liên Trì chịu tang thầy Minh Cảnh. Thầy là huynh đệ và là người giúp tôi ở giai đoạn đầu chân ướt chân ráo đến thành phố. Biết  rằng cuộc sống thế gian vô thường mà không ngăn được nỗi buồn biệt ly. Thầy Minh Cảnh ra đi giữa bao ngổn ngang lộn xộn việc nhà việc chùa, hơn vậy nữa là tâm nguyện một đời tu còn dở dang.

Sau tang lễ, người nhà của thầy Minh Cảnh ra tay thao túng, những vật dụng trong những năm thầy làm trụ trì do Phật tử cúng dường bị họ lấy lý do này kia chở đi, từ cái chén cái tô cho tới tủ lạnh, tivi… Khi thầy còn sống mà Tăng chúng đã khốn khó thì huống chi thầy đã viên tịch, chư Tăng đành tìm chỗ khác nương thân. Niệm Phật Đường dần dà chẳng còn Phật tử lui tới.

Rất tiếc cho giác linh thầy Minh Cảnh, cả cuộc đời tu hành bị người thân quyến trong gia đình làm mất đi phước báu tạo dựng già lam, tiếp Tăng độ chúng.

Tôi từng đọc một quyển sách dịch có đoạn viết “Một hạt gạo thí chủ nặng như núi Tu di, ăn mà không tu hành, phải mang lông đội sừng đền trả”. Thế thì, những sản phẩm đàn việt cúng dường Tam bảo, ủng hộ chư Tăng Ni tu, duy trì Phật pháp trường tồn, vì sao cư sĩ có thể lấy đem về nhà được? Người xuất gia tiếp nhận của mười phương cúng dường, nếu như không tu hành đúng pháp, sẽ phải đọa vào ác đạo, huống chi là hàng cư sĩ tại gia? Tương lai không những đọa địa ngục khó lên, mà các phúc báo đang có hiện đời cũng có thể bị mất sạch. Hòa thượng Diệu Pháp từng nói: “Nếu như đàn việt cúng dường thực phẩm, mà Tăng nhân ăn không hết, chẳng tiện cất chứa, thì có thể phân cho cư sĩ đem về nhà, nhưng phải được Trụ trì đồng ý. Và các cư sĩ khi nhận quà, muốn kiệm phước, thì có thể căn cứ đại khái giá trị món đồ mình cầm đó mà bỏ tiền vào thùng phước sương để tạo thêm công đức. Hoặc người làm công quả cũng có thể cầm ra chợ bán, đem tiền về cho chùa, đây cũng là đúng pháp, là biết tích lũy công đức, biết sợ tổn phước. Hộ trì chùa vốn là bổn phận của cư sĩ, sao có thể mượn cớ đó nhân danh này để vơ vét tài vật?… (trích Nhân quả hiện đời do  Sư cô Hạnh Đoan dịch ) Người nhà của thầy Minh Cảnh, ngay cả hai người em xuất gia tu hành, không hiểu đạo lý nhân quả nên mới dám làm điều mà một khi có người thân đi tu thì không ai dám làm bao giờ.

*

Năm học mới sắp đến, gần ngày khai giảng mà tôi chưa có tiền mua sách và tập vở, tôi bạch với thầy An Ngộ hoàn cảnh của mình và nhờ thầy cho mượn tiền để mua sách vở. Thầy trả lời không có. Tôi định hỏi mượn Phật tử mà sợ họ hiểu lầm nên thôi.

Nghĩ tới nghĩ lui, tôi có tài sản duy nhất là cái đồng hồ Orange tôi dành dụm từ những lần đi tụng kinh đám tang hay được Phật tử cúng. Tôi trân quý cái đồng hồ này lắm, nó rất cần thiết trong những giờ kiểm tra, giúp tôi thấy được thời gian còn lại bao nhiêu để biết chừng mà làm bài cho kịp giờ. Chưa khi nào tôi nghĩ tới việc đem nó ra để đổi chác, chưa bao giờ tôi nghĩ có lúc mình phải chia tay với nó …

Nhưng nay thì tôi bí quá. Rất cần tiền mà không tìm ra cách xoay sở nào. Nếu không có sách vở thì tôi không thể tiếp tục năm học này được.

Tôi muốn đi học.

Bao lần đối diện với thiếu thốn nhưng đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấm thía nỗi ngậm ngùi vô cùng của sự túng quẫn. Tôi đi vô tiệm cầm đồ với tâm trạng rất buồn, cảm thấy mình thiếu phước duyên trong đời sống tu hành.

Rồi nỗi buồn cũng trôi đi. Tôi tiếp tục học hành, và công việc. Mỗi khi theo thói quen, tôi nhìn xuống cổ tay để xem mấy giờ rồi và nhận ra cái đồng hồ không còn nữa, tôi lại nhớ má. Mai mốt tôi về thăm, thấy tôi không còn đeo đồng hồ thì má sẽ hiểu là tôi khó khăn ghê lắm, mà tôi thì không muốn má phải lo lắng. Má mấy lần muốn lên Huệ Quang thăm tôi nhưng tôi nói “ Con ở chúng, chùa rất chật hẹp, mà không có người nữ, má lên thăm con bất tiện, đợi tới hè con về thăm má.”

Mỗi mùa hè tôi về, má thường hỏi thăm sống ra sao? Có cực khổ không? Có bị mấy thầy mấy chú  ăn hiếp không? Sống ở đó có thoải mái không?… Tôi luôn trả lời má yên tâm con của má không gặp khó khăn gì không bị ai ăn hiếp đâu, mọi người rất thương con.

Tôi chưa bao giờ về nhà kể cho ai hoặc má nghe về cuộc sống trong chùa mà tôi bị ăn hiếp. Điều này trong đời sống tu tập của người xuất gia Đức Phật dạy phải giữ gìn thân, khẩu, ý. Trong phần oai nghi các vị tổ cũng có dạy “Không nên nói về những khó khăn gặp phải trong đời sống xuất gia, khiến gia đình lo cho mình. Nên nhớ người xuất gia có bổn phận độ cho được gia đình mình.”

Mà tôi thì lo cho mình còn không xong đây, nói gì tới độ ai được!

Trên đường tu, có những lúc tôi yếu lòng buồn bã suy nghĩ vẩn vơ như vậy đó.

( Trích quyển ” Quăng đời mình vào chốn Thiền Môn” của tác giả Thiện Bảo )