Nhớ má nhớ chùa làng quê

642

— Niệm Phật Đường Liên Trì nằm trên tầng ba chung cư Nguyễn Thiện Thuật.

Ngày đầu tiên đi từng bước trên cầu thang, ngang qua những bức tường còn thơm mùi mới và len lén nhìn vô cửa sổ những căn hộ, tôi ngạc nhiên lắm, san sát nhà cửa liền kề nhau và người ta đi lên đi xuống đi qua đi lại, tiếng trò chuyện cười nói và con nít rượt đuổi nô đùa, vậy thì tu làm sao? Đến khi bước vào trong Niệm Phật Đường thì tôi càng ngạc nhiên hơn, tưởng chùa thành phố thì phải khác lắm, ờ thì cũng đúng là khác với chùa quê lắm, nhưng mà… nếu không có bàn thờ Phật và các chú mặc đồ màu lam thì cũng giống như là một căn hộ sát vách tường căn hộ kề bên.

Tác giả Thiện Bảo đứng ở   NPĐ Huệ Quang năm 1972 nhìn nhờ quê 

Ngày ngày, người ta đi qua đi lại trên hành lang nhỏ hẹp trò chuyện râm ran, mấy bà mấy cô đi chợ về hỏi han nhau hôm nay có gì ngon rồi vạch giỏ khoe mới mua con cá tươi lắm, có người xách gà mèn thức ăn bay mùi món mặn…

Lạ chỗ lạ nơi, nhớ má nhớ chùa làng quê… Những ngày mới đến, chiều tối, tôi hay ra đứng ở hành lang chung cư tỏ vẻ như là mình đang nhìn ngó xuống sân, thật ra là để huynh đệ không thấy tôi khóc. Lau nước mắt mà nước mắt cứ chảy tràn. Má tôi hiện ra trong tâm trí, miệng má cười vui đỏ màu trầu cay “Mừng con được đi học như ý nguyện rồi” bỗng mắt má đỏ hoe “Tuốt luốt thành phố vậy mà không về ăn với má bữa cơm rồi hẵng đi hả con?” Hình dung má khi nhận thư của tôi nhờ người lơ xe đưa, má cầm lá thư tất tả đi tới nhà bà dì Bảy kêu đứa cháu đọc thư cho má nghe, tức là cả nhà bà dì Bảy cùng nghe. Bà dì Bảy của má tôi nói “ Cái thằng Khánh cũng tội nghiệp một thân một mình đi lên Saigon không biết ở trên đó có ai lo cho không?” Chẳng nói năng gì, má lấy lại lá thư từ tay đứa cháu, xếp lại, cất vô túi áo, rồi má đi về… Má đi về nhà, một mình, từ nay đúng là má chỉ một mình. Từ ngày tôi đi tu ở chùa Bửu Thọ, nói là đi tu ở chùa nhưng mà chùa gần nhà, ngày nào tôi cũng chạy về phụ giúp má việc này việc kia. Nay thì tôi không còn gần nhà để thường xuyên về thăm má được nữa.

Không nói năng gì là tính ít nói của má thôi, chứ tâm trí má thì lo lắng, tôi biết mà, má sẽ hỏi han người này người kia như từ trước tới nay má luôn dò hỏi để biết sắp có chuyện gì hay đang có chuyện gì xảy ra với con của mình mà kịp thời lo liệu đỡ đần. Nhưng giờ đây tôi ở tận Sài Gòn xa xôi, má biết đường nào mà hỏi?

Má có khóc nhớ tôi không?

Có. Tôi biết má thương tôi lắm.

Mà tôi chẳng làm được gì. Ngay cả cuộc sống ở đây tôi vẫn còn bối rối chưa thích nghi được, mừng vui được sống ở thành phố để tu học mà đến đây rồi thì cảm thấy hụt hẫng vô cùng. Khuya, thức dậy công phu, tâm trí tôi khó tập trung vì ý nghĩ mình đang làm ồn giấc ngủ của hàng xóm.

Hãy nghĩ là hàng xóm được phước vì nghe tụng kinh – Sư huynh Minh Tâm vui vẻ nói  – Vậy nên huynh đệ mình gắng tụng cho hay, biết đâu hàng xóm nhờ vậy mà thuộc được vài bài kinh hay thì chẳng tốt cho họ sao?

Sư huynh Minh Tâm nói chuyện kiểu như vậy khiến ai cũng thấy vui và dễ gần.. Cùng quê và lớn hơn tôi bốn tuổi, Sư huynh Minh Tâm thân tình trò chuyện giúp tôi bớt nhớ nhà và bớt nỗi xa cách ngại ngùng.

Không biết những người sống trong căn hộ bên kia vách tường có nghĩ theo hướng lạc quan như Sư huynh Minh Tâm không, nhưng có lẽ đã quen với tiếng chuông mõ ngay từ những ngày đầu ngôi Niệm Phật Đường dời lên đây nên tôi không nghe than phiền gì. Mùng một và rằm họ tới lễ Phật thắp nhang, gặp nhau trên hành lang, tôi chắp tay chào “Mô Phật” và họ cũng cúi đầu chào lại.

Rồi thì tôi cũng quen dần với cuộc sống ở chung cư, tâm trí tôi thôi lăng xăng xao động về phía bên ngoài. Nhưng bên trong Niệm Phật Đường thì không thể không nghĩ ngợi hoang mang…

Có lẽ tại tôi mơ tưởng nhiều. Tôi đã tưởng được sinh hoạt trong một ngôi chùa thành phố thì mình sẽ học hỏi được bao điều tốt đẹp, các huynh đệ đã ở lâu năm nơi này hẳn giỏi giang thấu suốt nhiều điều hay lẽ phải nên họ sẽ là những tấm gương cho tôi noi theo…

( Trích quyển ” Quăng đời mình vào chốn Thiền Môn” của tác giả Thiện Bảo )