Lắng nghe chính pháp

1137

Theo truyền thống, các vị đệ tử học tập chánh pháp trước hết là bằng cách lắng nghe những lời dạy từ kim khẩu của bậc đạo sư khả kính. Bởi vì lắng nghe là nền tảng của việc tư duy và quán chiếu về chánh pháp, do vậy người Phật tử cần phải nhận rõ tầm quan trọng của việc nghe pháp và phải làm sao lắng nghe với một tâm chuyên chú và khoáng đạt. Chỉ với cách nghe như thế, chúng ta mới có thể ghi nhớ những lời dạy vàng ngọc cao quí vang ra từ những tâm hồn trầm lắng và thuần tịnh của các bậc chân sư khả ái. Mỗi khi có dịp được nghe pháp, chúng ta nên áp dụng những lời chỉ dẫn dưới đây để việc nghe pháp của chúng ta đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Lợi ích của việc nghe pháp

Nếu chúng ta trầm tư về lợi ích to lớn của việc nghe pháp thì tự nhiên chúng ta cảm thấy thích thú trong việc lắng nghe và học tập pháp và cũng từ đó chúng ta có một sự quan tâm đặc biệt đến chánh pháp. Với một tâm nhiệt thành trong lúc nghe pháp, chúng ta tự mình sẽ thể nghiệm được tất cả những lợi ích của việc nghe pháp mà chúng ta đã trầm tư. Cuốn “Tuyển tập những thi kệ đặc biệt”, tiếng Tây Tạng là Tshan, có nói như sau:

Nhờ lắng nghe, bạn sẽ biết được tất cả giáo pháp

Nhờ lắng nghe, bạn sẽ tiêu diệt được các hành nghiệp vô luân

Nhờ lắng nghe, bạn sẽ từ bỏ những việc làm vô nghĩa

Nhờ lắng nghe, bạn sẽ đạt được sự giải thoát.

Ở đây thuật ngữ “Pháp” là chỉ cho ý nghĩa của lời thuyết giảng chánh pháp và ý nghĩa của nó cho chúng ta biết được những điều gì cần phải đoạn trừ và những điều gì cần phải tu tập. Nhờ lắng nghe những lời giảng pháp, chúng ta sẽ hiểu được diệu nghĩa của chánh pháp và dần dần, chúng ta liễu ngộ được chánh pháp. Tất nhiên sự liễu ngộ ấy được thành tựu là nhờ vào việc hành thiền nhưng muốn hành thiền có kết quả thì trước hết bạn phải tiếp nhận được những lời giảng pháp đúng đắn. Tất cả những lời giảng giải của kinh điển đều nằm trong ba tạng thánh điển của Đức Phật. Nhờ sự tiếp thu và thực hành những lời giáo huấn trên theo các chuẩn mực đạo đức, chúng ta sẽ tiêu diệt được các hành nghiệp vô luân, từ bỏ những việc làm vô nghĩa và mê muội đã gây ra bao chướng ngại cho sự chuyên nhất của mình. Trong cuốn Những mẩu chuyện về sự tái sinh, ngài Arya Sura có đề cập đến những lợi ích của việc nghe pháp như sau:

Lắng nghe là ngọn đèn xua tan bóng tối vô minh

Lắng nghe là tài sản quí nhất mà không ai có thể cướp đoạt được

Lắng nghe là vũ khí để tiêu diệt kẻ thù dao động

Lắng nghe là người bạn hiền cho ta lời khuyên hay nhất

Lắng nghe là quyến thuộc, là bạn hữu trung thành thậm chí khi ta lâm vào cảnh bần cùng khốn khổ

Lắng nghe là vị lương dược để trị bệnh si mê

Lắng nghe là bậc địch thủ thượng thặng phá tan được mê lầm to lớn

Lắng nghe là kho tàng vô giá bởi vì nó là nền tảng của danh thơm và của cải

Lắng nghe là món quà quí báu nhất mà chúng ta có thể tặng cho bạn mình

Lắng nghe là phương tiện tốt nhất để mang niềm vui đến cho mọi người.

Trong cuộc sống, không có gì quan trọng hơn là việc đoạn trừ vô minh bởi vì nó là nguyên nhân gây ra tất cả khổ đau và là mầm mống để si mê sanh khởi. Bóng tối của vô minh sẽ tan biến nhanh khi ngọn đèn nghe pháp được thắp sáng.

Mỗi khi tích trữ tài sản, chúng ta luôn gặp rất nhiều khó khăn và cảm thấy lo lắng bội phần. Chúng ta sợ rằng tài sản của mình sẽ bị mất nên cứ cố gắng giữ gìn những gì mà mình đã nhọc công tạo ra, thậm chí có lúc phải lừa dối kẻ khác. Chúng ta cứ tiêu phí thời gian, năng lượng và còn phải đóng thuế để đầu tư kinh doanh nhằm gia tăng tài sản. Tuy nhiên, tài sản nghe pháp không bao giờ gây ra phiền toái, thậm chí cũng chẳng bị mất mát mỗi khi chúng ta hiến tặng cho người khác. Càng dâng hiến cho người khác, chúng ta càng giàu có hơn. Sau khi lìa bỏ xác thân ngũ uẩn, chúng ta chỉ có thể mang theo thứ tài sản này. Khác với tài sản thế gian, tài sản này mang lại lợi ích cho cả hiện tại và tương lai.

Các vị đạo sư Tây Tạng là những bằng chứng sống động cho giá trị của việc nghe pháp. Khi rời khỏi Tây Tạng, họ bỏ lại tất cả vật tùy thân ngay cả bình bát khất thực, nhưng không gì có thể buộc họ bỏ lại tài sản nghe pháp. Thứ tài sản ấy vẫn luôn bên cạnh họ. Đó cũng chính là thứ tài sản mà ngày nay họ đang hiến tặng cho các thiền sinh phương Tây.

Khi chúng ta gặp phải sự bất hạnh và khổ đau vô biên, có rất ít bạn bè và thân quyến muốn giúp đỡ chúng ta. Trong những lúc như thế, những lời khuyên của thầy rất có ích cho chúng ta. Khi đối diện với cái chết, Lạt ma Yeshe rất thanh thản, an lạc bởi lúc đó ngài nhớ lại lời khuyên nhủ chân thành từ vị thầy tâm linh của mình. Nếu chúng ta biết lắng nghe và đọc những lời giảng pháp, chúng ta có thể chuyển hóa những khó khăn trên con đường thăng hoa tâm linh và cũng nhờ đó mà trí huệ được tăng trưởng. Những trở ngại trong cuộc sống chính là những cơ hội tốt để chúng ta quán chiếu và tư duy về luật nhân quả nghiệp báo, từ đó ta suy nghĩ về khổ và nguyên nhân của khổ, và nhờ đó ta mới có thể thực tập hạnh nhẫn nhục và lòng kiên định. Ngoài ra, nếu chúng ta biết áp dụng những gì đã được nghe và được đọc thì chúng ta sẽ nhận ra rằng nghe là một người bạn tốt luôn mang đến cho chúng ta những niềm vui thanh tịnh. Bạn bè và thân quyến thường không muốn giúp đỡ khi ta còn nghèo khổ. Thậm chí họ còn gây nhiều trở ngại cho chúng ta. Khi Lạt ma Kachen Yeshe Gyaltsan còn tu thiền trong hang của mình, lúc ấy ngài cũng nghèo khổ như Đức Milarepa. Một ngày nọ, trên đường đi đến tu viện Tashi Lhumpo, ngài gặp chú của mình. Người chú thấy cháu mình quá ư nghèo đói bèn phớt lờ đi. Về sau khi Lạt ma Kachen được cử làm thầy của Đức Dalai Lama thứ 8, người chú nghĩ rằng bây giờ chắc là người cháu của mình giàu có lắm, ông bèn đến thăm và tỏ vẻ quan tâm đặc biệt đến Lạt ma Kachen.

Thuở xưa, có một người nghèo cùng không có bạn bè và thân quyến. Sau một thời gian chăm lo làm ăn, anh ta trở nên giàu có. Lúc bấy giờ, rất nhiều người kéo đến thăm hỏi anh ta và ai cũng xưng rằng mình là bạn, là thân quyến của anh ta. Một ngày nọ, anh ta mời tất cả bạn bè và thân quyến mới của mình đến ăn tối. Ở giữa bàn ăn, anh ta đặt một bao tiền rất lớn mà anh đã dành dụm suốt bao năm qua. Khi khách đến đông đủ, anh ta nằm sóng xoài trên bao tiền và hét lên: “Ôi tiền yêu quí của tôi! Nhờ ngươi mà ta có được nhiều bạn bè và thân quyến như hôm nay. Ta xin qui phục ngươi”.

Bạn bè và thân quyến thường thay đổi tình cảm và thái độ đối với chúng ta khi ta là người giàu có hay là kẻ trắng tay, nhưng người bạn pháp thì không bỏ rơi chúng ta trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đó là người bạn duy nhất sẵn sàng hy sinh cho chúng ta trên con đường tìm đến giác ngộ tối thượng.

Trong kinh, Đức Phật có dạy rằng: nhờ lắng nghe mà niềm tin kiên cố nơi chánh pháp được phát triển; nhờ lắng nghe, tâm sẽ được an trú trong chánh pháp và từ đó thể nghiệm được sự vi diệu của pháp; nhờ lắng nghe, tuệ giác sẽ tăng trưởng và bao cấu uế sẽ được tiêu diệt. Trong quá khứ, có nhiều bậc hiền nhân luôn cho rằng việc nghe được những lời giáo huấn của các bậc chân sư là một điều quí báu, và dầu phải xả bỏ thân mình cũng vẫn chưa đền đáp được thâm ân to lớn đó.

Trong một giấc mộng của mình, Lạt ma Panchen I đã nghe Đức Je Tsong Khapa dạy rằng: “Nếu con muốn làm lợi ích cho mình và người thì con không được thỏa mãn với những gì con đã học được. Con phải noi gương các vị Bồ tát ở đệ tam địa vì những vị ấy không bao giờ cảm thấy tự mãn và cho rằng những gì họ đã nghe được là đầy đủ”.

Chúng ta cần phải lắng nghe và đọc giáo pháp nhiều lần. Việc nghe và đọc ấy không bao giờ ngừng nghỉ cho đến khi nào ta đã thực sự thể nhập vào đạo lý giác ngộ.

Kính trọng vị thầy

Trong khế kinh, Đức Phật đã từng dạy rằng: hãy lắng nghe pháp với niềm tin chân thành và lòng ngưỡng mộ, không nên để ý đến khuyết điểm của vị thầy và cũng chớ tỏ vẻ buồn phiền về thầy. Khi nghe pháp, chúng ta nên xem vị thầy của mình như một Đức Phật.

Trong cuốn “Năm trú xứ trên mảnh đất tâm linh”, Đức Arya Asanga đã khuyên chúng ta nên thực hành năm pháp không tác ý khi nghe pháp:

1. Nếu vị thầy của chúng ta đã phạm giới thì chúng ta không nên để ý đến lỗi lầm hay chê bai giới thể của vị ấy là yếu kém. Việc quan tâm đến lỗi lầm như thế không những không mang lại lợi ích mà ngược lại chúng ta sẽ gặp nhiều bất lợi bởi lẽ một khi đã có sẵn định kiến với lỗi lầm của thầy, chúng ta sẽ không thể nào đánh giá đúng lời khuyên và sự dạy dỗ của thầy. Thay vì mở rộng lòng mình để đón nhận những lời dạy ấy, chúng ta lại tiêu phí thời gian để tạo nghiệp bất thiện.

2. Nếu thầy chúng ta là người xuất thân từ tầng lớp xã hội thấp hơn thì chúng ta không nên quan tâm hay xem điều đó là một sự thấp hèn. Mặt khác nếu cứ cảm thấy tự cao thì chúng ta sẽ không thể lắng nghe lời thầy một cách chân chính.

3. Nếu ngoại hình của thầy mình không đẹp đẽ hay phương phi thì cũng đừng bận tâm. Việc suy nghĩ về diện mạo không được đoan nghiêm của thầy sẽ khiến ta mất niềm tin với thầy. Ngoại hình của thầy không quan trọng mà điều quan trọng là vị ấy tu hành ra sao và đã giảng dạy pháp gì cho chúng ta.

4. Nếu giọng nói của thầy không êm ái, lời nói không được trau chuốt hay cách thuyết giảng vụng về, luộm thuộm thì ta cũng chớ bận tâm. Chúng ta chỉ quan tâm đến diệu nghĩa chánh pháp mà thầy đang truyền đạt cho ta.

5. Nếu thầy có nói những điều trái tai, chẳng hạn như thầy trách móc hay chỉ trích, thì chúng ta đừng cho rằng thầy đã vi phạm lỗi lầm. Nếu suy nghĩ như thế thì chúng ta chỉ tăng thêm sự hiểu lầm và trạng thái tâm thiếu đạo đức mà thôi.

Ngoài ra, chúng ta cần thực hành hạnh không tác ý này đối với bất cứ điểm khiếm khuyết nào mà chúng ta cho rằng thầy đang mắc phải. Ví dụ như thầy mình không nổi tiếng và có vẻ tầm thường thì ta cũng đừng phiền muộn. Điều mà chúng ta muốn là làm sao được nghe những lời pháp nhũ chân chánh của thầy. Liệu chúng ta sẽ được lợi ích gì khi lắng nghe một người nổi tiếng trên khắp thế giới đang thuyết giảng về những điều mông muội? Nếu chỉ ưu tư đến lỗi của thầy thì chúng ta chỉ thọ lành điều bất lợi mà chẳng được lợi ích chi cả. Vì thế chúng ta không những biết kính trọng thầy mà còn phải kính trọng pháp mà thầy đã dạy. Nếu biết xem xét những lời dạy của thầy như là nguồn pháp bảo thực sự thì chúng ta sẽ cảm nhận được nguồn hạnh phúc hiện tại và mai sau.

Phương thức nghe pháp chân chính:

Để có được nhiều lợi ích khi nghe pháp, bạn cần phải tránh ba lỗi lầm và trau giồi sáu nhận thức sau:

Khi nghe hay đọc giáo pháp, chúng ta cần phải từ bỏ ba lỗi lầm sau:

1. Lỗi lầm giống như một cái nồi bị lật úp; 2. Lỗi lầm giống như một cái nồi hôi hám; 3. Lỗi lầm giống như một cái nồi bị lủng.

Lỗi thứ nhất giống như một cái nồi bị lật úp là tuy thân ta đang trong tư thế nghe pháp hay đọc sách nhưng chúng ta lại lơ đãng, không chú tâm và không biết rằng có bao nhiêu điều ta đã được nghe, bao nhiêu trang sách ta đã đọc và như thế chánh pháp không được lưu nhuận trong tâm ta.

Lỗi thứ hai giống như một cái nồi hôi hám. Chúng ta có chú tâm nghe hay đọc, tâm không dong ruổi, nhưng động cơ nghe và đọc pháp của chúng ta là tà vạy. Cũng giống như thức ăn ngon sẽ trở nên ô uế khi ta bỏ nó vào một cái nồi hôi hám. Cũng thế, pháp sẽ trở nên vô dụng khi chúng ta nghe và đọc với động cơ đen tối.

Lỗi thứ ba giống như một cái nồi bị lủng. Tuy có chú tâm và nghe, đọc với động cơ tốt, nhưng chúng ta lại vội quên đi những gì chúng ta vừa thu thập được. Nếu không nhớ pháp thì làm sao chúng ta có thể đem ra thực hành. Có hai phương pháp để chúng ta có thể cải thiện khả năng ghi nhớ của mình. Thứ nhất là ta phải cố gắng ôn lại những gì đã được nghe hay đọc sau buổi giảng pháp kết thúc hay sau khi ta đọc xong một chương sách. Chúng ta cần ôn lại vài lần trong lúc rảnh rỗi. Nếu muốn thâm nhập nghĩa lý thâm sâu hơn, chúng ta phải hành thiền. Chỉ với cách này, việc hành trì pháp của chúng ta sẽ được thiết thực hơn. Phương pháp thứ hai là ta hãy thảo luận pháp với các pháp hữu của mình. Hãy đặt ra những câu hỏi và giải thích theo kiến giải của mình. Đây là cách rất hay để tăng thêm kiến thức, loại trừ nghi ngờ và ghi khắc chánh pháp vào tâm khảm.

Khi nghe hay đọc chánh pháp, chúng ta nên trau giồi sáu nhận thức sau:

1. Xem mình như là một bệnh nhân bởi vì chúng ta đang gánh chịu sự chấp thủ, tham ái, sân hận, vô minh và những căn bệnh trong tâm; 2. Xem chánh pháp là vị lương dược tối thượng để trị bao căn bệnh trong tâm; 3. Xem vị giảng sư là bậc lương y cao cả; 4. Xem việc thực hành pháp là cách chữa trị tâm bệnh; 5. Luôn phát triển niềm tin Đức Phật Thích Ca là một bậc thánh thiện, một người hoàn toàn đáng tin tưởng; 6. Luôn mong ước rằng chánh pháp sẽ được tỏa rộng và trường tồn bất diệt.

Nếu chúng ta có được sáu nhận thức này thì chúng ta sẽ không lãng phí một giây phút nào khi đang lắng nghe hay đọc những lời giáo huấn, và sự tư duy cùng sự hành thiền sẽ được mạnh mẽ hơn, việc nghe và đọc của chúng ta sẽ mang lại lợi ích to lớn và đó chính là nền tảng vững chắc cho sự giác ngộ.

THÔNG ĐẠT dịch (Trích dịch từ Joyful path of good fortune

của Lạt ma Geshe Kelsang Gyatso)