Gương hạnh thầy tôi

1014

LBT: Thầy Thích Trí Hoa viên tịch ngày mùng 2 tháng 05 năm Tân Hợi- 1971  tại Chùa Bửu Thọ xã Mong Thọ A huyện Châu Thành- Kiên giang,là vị trụ trì đầu tiên và cũng là người đã xây dựng trù tu ngôi Chùa này. Người có công gậy dựng cơ sở để hôm nay có một ngôi Già Lam khang trang.  Nhân ngày giổ lần thứ 49 Chúng tôi xin được ghi lại công hạnh của thầy  nhân ngày hiệp kỵ hai vị thầy của HT viện chủ Chùa Bửu Thọ: HT Thich Minh Giác và thầy Thích Trí Hoa.

Chân dung Thầy Thích Trí Hoa ( 1918-1971) 

Người trụ trì đầu tiên Chùa Bửu Thọ 

Thầy tôi đạo hiệu Thượng TRÍ hạ HOA, thế danh Huỳnh Văn Bông, sanh năm Mậu Ngọ, mất ngày mùng 2 tháng 5 năm Tân Hợi – 1971, trụ thế 62 tuổi; thân phụ là cụ ông Huỳnh Văn Tâm, thân mẫu là cụ bà Trương Thị Ở. Song thân thầy đều là những người có niềm tin nơi đạo Phật. Thầy là anh cả trong một gia đình thuần nông, gồm 8 anh chị em (5 trai, 3 gái), quê ở Cả Đuốc Lớn, nay là xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.

Khi đến tuổi thành gia lập thất, thầy kết duyên với người bạn đời là  Lê Thị Bảy, pháp danh Diệu Tiền, có cả thảy 5 người con (1 trai, 4 gái). Và người con gái thứ Tư tuy tuổi đã ngoài 60 mươi nhưng cũng theo gương cha xuất gia tu học tại Tịnh xá Ngọc Tâm (An Hòa, Rạch Giá), pháp danh Diệu Kính, thường gọi là Ni Kính.

Trong thời kỳ chiến tranh Việt-Pháp những năm 1945-1954, đa phần người dân nhất là ở nông thôn sống rất vất vã. Hầu hết mọi người đều nghèo khó và gia đình thầy cũng không ngoại lệ. Vì vậy, hết làm công cho các ghe lưới thì thầy lại vào rừng đốn tràm bán cho người đặt nò; không đóng bàn, đóng ghế thì thầy đóng tủ, đóng giường để kiếm tiền lo cho các con và người bạn đời của mình.

Thầy không chỉ gặp khó về đời sống vật chất mà còn bị chướng ngại về mặt tâm linh. Bởi không biết tự bao giờ mà thầy lại có duyên nghiệp với người âm?.  Tuy lúc đó thầy chưa hiểu gì nhiều về Phật Pháp nhưng cũng biết đâu là chánh, đâu là tà nên không muốn làm quyến thuộc của ma. Thầy bảo: “Không để nhà mình bị người khác vào mượn”; “cứu nhân độ thế” là lời nói của những người đồng bóng dùng để nói về  việc quỹ thần nhập xác mà thôi.

Dù khi nhập vào thầy tự xưng là Năm Ông đeo bám theo thầy nhiều năm và thường ép thầy làm thầy chữa bệnh theo con đường ông lên bà xuống, nhưng khi tỉnh lại sau những lần bị  hành xác  lặn hụp dưới sông, hay bắt leo lên bụi tre gai, thầy vẫn một lòng cương quyết không cho họ mượn xác hành nghề. Thầy thường nghĩ: “Làm sao để xa rời tà kiến và không thành quyến thuộc của ma?” và thầy biết rằng: “Chỉ có xuất gia theo Phật, nương nơi Chùat và mong nhờ Phật Pháp mới có thể hóa giải nghiệp duyên này.”

Sau khi cưới vợ gả chồng cho bốn người con, nhiều lần thầy định đem chí nguyện xuất gia tỏ bày cùng người bạn đời nhưng lại e ngại sẽ bị cản ngăn và mang tiếng là trốn tránh trách nhiệm. Vì lúc ấy người con gái út mới vừa lên 6. Tuy nhiên, khi biết được hoài bảo của thầy, cô không những không ngăn cản mà còn khuyên: “Xuất gia là việc hết sức cao cả. Nếu ông đã quyết chí thì cố gắng đi cho trọn con đường! Ở nhà, ông đã là người cha mẫu mực, vào chùa trở thành một vị tu hành chân chánh thì tôi  và các con cảm thấy rất tự hào và hảnh diện về ông.” Thật may mắn và hạnh phúc thay cho thầy khi có được người bạn đời như thế.

Được sự đồng thuận của người bạn đời và nhờ một người bạn thân hay tới lui học đạo ở Châu Đốc giới thiệu nên năm 1957 thầy được Hòa thượng Thích Bửu Thành làm lễ thế phát tại chùa Nam An ở Mặt Dưng An giang  và đặt đạo hiệu là Trí Hoa, thuộc dòng Lâm Tế thứ 40. Một hai năm sau khi xuất gia tu học với sư ông thì “ Năm Ông”  nhập vào thầy không còn nữa.

Nhập chúng tu học tại Nam An được 3 năm, thầy về lại Kiên Giang và y chỉ Hòa thượng Thích Thiện Đức trụ trì Chùa Bửu Khánh (Rạch Mẽo, Kiên Giang). Sư ông Thiện Đức thấy đời sống của thầy rất tốt nên cử thầy về Bửu Thọ. Lúc đó, thật lòng thầy không muốn đảm nhận công việc “trụ trì” nơi đây. Một phần vì thầy mới xuất gia chưa được bao lâu, một phần khi ấy tuổi thầy đã gần 60. Nhưng không muốn phụ lòng Sư Ông Thiện Đức và nghĩ tới bà con nơi thôn quê nghèo khó, không có Tăng Ni chăm sóc đời sống tinh thần nên thầy về sống nơi chùa làng quê. Tâm hạnh và ước nguyện của thầy đối với Tam Bảo, trùng hưng Già Lam là tấm gương mà tôi luôn noi theo cho đến tận bây giờ. Có lần thầy nói với tôi “ Cả hơn nữa đời của thầy đã lăn lộn trong thế gian, nay cuộc sống còn lại bao năm thầy xin hiến dâng cho Tam bảo”.

Lúc thầy mới về, chùa chỉ có ngôi chánh điện hoàn toàn bằng lá, đơn sơ xiêu vẹo, mái thì dột, cột thì mối mọt, vách  lá thì rách, chánh điện thì ngập nước, thầy chẳng bao giờ ngủ được ngon giấc mỗi khi trời đổ mưa. Dù cơ cực gian khổ nhưng thầy vẫn vững tâm bền chí, với đôi tay cần mẫn và bằng tất cả tấm lòng của người tu, thầy đã tạo dựng được Tổ đường, phòng nghỉ và nhà bếp.Diện mạo ngôi chùa lúc này cũng khang trang hơn nhiều so với trước.

Ông Nguyễn văn Sương ( thường gọi Bác tám Sương) được cử làm thủ bổn ( thủ quỹ ngày nay)  nhưng chẳng giữ đồng nào của chùa. Vì khi ấy ai cũng thiếu trước hụt sau, làm không đủ ăn thì lấy đâu ra tiền mà cúng dường!..   Mỗi khi Rằm lớn thì mọi người quanh chùa hùn nhau trái dừa, lít nếp để nấu nồi xôi, nồi kiểm.Trước dâng cúng Phật sau là đãi thập phương bá tánh đến chùa lễ Phật  xong có lộc Phật để dùng. Quanh năm suốt tháng, thầy trang trải cuộc sống bằng sức lao động của mình. Người trong xóm mỗi khi thiếu cái bàn, cái ghế hay tủ chén, tủ thờ đều đến thuê thầy đóng. Phần vì thương ông thầy già cặm cụi sớm hôm hai thời kệ kinh, một thân một mình chăm sóc ngôi chùa nghèo, phần vì thầy rất khéo tay nên sản phẩm không chỉ bền chắc mà còn sắc sảo. Cuộc sống của thầy phần nào đã đỡ hơn trước và cũng nhờ nghề mộc mà thầy kết thân được một vài ông bạn già trong xóm. Từ đó thầy bớt quạnh hiu và có người giúp đỡ mỗi khi trái gió trở trời.

Ông Nguyễn văn Chất ( thường gọi Bác năm Chất) là người thường xuyên lui tới uống trà, tâm sự với thầy bàn chuyện ruộng đồng. Dù Bác không biết quy y là gì, cũng chẳng phải là Phật tử, nhưng khi thấy thầy vất vã ngày đêm, sống hết lòng hết dạ với ngôi chùa làng, nên Bác cảm mến và về bàn với các con hiến 2 công đất sau chùa để thầy làm rẫy sinh sống qua ngày. Nghe vậy thầy rất mừng và bảo với tôi rằng: “ Thầy trò mình có cơ hội xây dựng lại chùa rồi.” Nhưng lại rất lo, bởi trước giờ thầy chỉ làm nghề biển, làm mộc, chứ nào đâu biết làm vườn.

Sau khi nhận đất, thầy thuê một vài người cùng thầy đào mương, lên liếp, đốn tre, hạ trúc, chặt sậy làm giàn, ra Rạch Giá mua các loại hạt giống như bắp, khổ qua, đậu đũa, dưa leo về trồng. Có khi thu hoạch bán được vài trăm (tiền lúc bấy giờ năm 1960), nhiều lúc chỉ đủ thầy trò ăn và đem biếu cho Bác năm Chất,bác Tám Sương với một vài người quen thường mang gạo, nước tương đến chùa.

Tôi nhớ có lần thầy chuẩn bị trồng dưa hấu và nghĩ rằng sẽ bán có giá khi tết đến, nhưng năm đó là năm thê thảm nhất vì nguyên cả mãnh đất trồng dưa bị sâu ăn hư sạch.Bao nhiêu vốn liếng và công sức bỏ ra không những không thu được đồng nào mà còn thiếu nợ lại tiền mua giống, mua phân. Thế là ước nguyện trồng hoa màu để có tiền sửa chùa suốt hai năm trời không thể thực hiện được.

Đáng ra, cái tuổi ngoài 60 người ta thường nghỉ ngơi dưỡng già thì thầy lại cần mẫn ngày đêm, không ngại gian lao, khó khổ; cũng chính vì lao động nặng nề, ăn uống kham khổ đã vắt cạn sức lực của thầy. Da thầy xám, thân ốm gầy, mắt sâu hút, hai má hóm vào vì hai hàm răng rụng  chẳng còn cây nào. Tuy thiếu thốn mọi bề nhưng lúc nào thầy cũng nở nụ cười lạc quan, mỗi khi làm việc và tinh thần hy sinh của thầy ngày xưa đã ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời hành đạo của tôi ngày nay.

Những năm kế tiếp lại càng khó khăn hơn nhưng thầy vẫn kiên trì, nhẫn nại lo cho chùa. Làm vườn không đặng mà sức khỏe lại kém dần nên thầy học làm nhà kho, nhà minh khí với ông Năm thầy cúng ở An Hòa. Thầy đặt người ta làm một cái mộc bằng gỗ, phía trong là bài chú vãng sanh bằng chữ  Tàu, mua mực  đỏ về pha với dầu lữa rồi đóng dấu lên trên giấy vàng mỏng, cuốn lại bỏ vào nhà kho, nếu gia đình họ có nhu cầu. làm tuần thất đốt cho người thân đã mất, Thầy chắc chiêu từ đồng từng cắc, tích góp dành dụm cả năm nhưng vẫn không dư được bao nhiêu. Đối đế quá, trong lần về thăm nhà, thầy dự định sẽ nhờ vợ chồng người con trai cả giúp đỡ một ít để thầy gởi trả cho những người hàng xóm. Dù họ rất cảm thông cho hoàn cảnh khó khăn của thầy và số tiền thầy mượn là để sửa chùa. Tuy nhiên, thầy cảm thấy áy náy vô cùng mỗi khi gặp họ. Dự định là thế nhưng khi về nhà, thầy chỉ hỏi thăm vài câu rồi vào thắp hương cửu huyền là ra về.

Khi hai thầy trò ngồi trên chiếc xe Lambetta về lại chùa, tôi hỏi: “Thưa thầy. Bộ thầy quên hay sao mà thầy không xin tiền anh chị hai?”

Thầy nói: “Thầy đâu có quên nhưng khi thấy, nhiều người thợ đang vá  lưới rách,ghe đánh cá mới về làm sao thầy mở miệng để xin anh chị con! Thầy đã bỏ gia đình đi tu không giúp được gì mà lại khiến con cháu thêm nặng gánh quả thật lòng thầy cảm thấy không vui. Thôi! Thầy trò mình cố gắng vượt qua khó khăn, dù sao mình ở chùa nhu cầu không nhiều so với hai vợ chồng nó! Sông có khúc người có lúc!”. Nói xong thầy mỉm cười nhưng sâu thẳm trong đôi mắt lại chứa đựng nỗi ưu hoài.

Thương thầy cả đời cực khổ, về chùa lòng cũng không yên vì nợ mượn chưa trả được lại gần ngày tết Nguyên đán, năm đó thầy tìm đến một ông thầy cúng lấy một số loại  giấy mà dân gian ưa dùng dán trước cửa nhà khi Tết đến mang về đưa tôi một xấp giấy hồng đơnin mực tàu và bảo: “ Đây là lá phù Thái Tuế, dùng treo ở cửa cái vào dịp xuân về để xua đuổi tà ma, ngăn chặn những điều xấu vào nhà, con chịu khó đem những miếng giấy này đến nhà bà con quanh đây bán cho họ, nhưng không nên nói giá mà tùy họ cho bao nhiêu mình nhận bấy nhiêu, biết đâu bán được thì thầy trò mình có tiền ăn tết? ”.  Lúc đó, thật lòng tôi không muốn đi nhưng câu kinh “con quyết lòng vì đạo hy sinh” bỗng dưng vang vọng bên tai khiến sự mặc cảm trong tôi liền tan biến.

Tôi còn nhớ khi ấy tôi mặc bộ đồ vạt khách màu nâu xậm, trên đầu đôi chiếc khăn, tay xách cái giỏ cói, bên trong đựng chừng 50 miếng giấy hồng đơn. Mỗi tờ ngang khoảng 20cm, dài tầm 40cm có in chữ Tàu. Tôi đọc được 2 chữ “Sắc Lệnh” và khuôn hình bát quái, còn các chữ kia ngoằn ngoèo như vẽ bùa tôi không biết là chữ gì. Vì ngại người quen nên tôi đi cách xa chùa chừng 5 cây số, xuống khu vực Cầu Móng để bán. Đi từ sáng đến trưa suốt 3 ngày, có người thấy tội nên mua ủng hộ nhưng bán không được bao nhiêu. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi đi bán dạo và đó cũng là kỷ niệm sâu đậm nhất trong những ngày tháng tôi sống cùng thầy nơi ngôi chùa này.

Từ ngày đó về sau tôi ít nghe thầy nhắc chuyện khó khăn tài chánh nữa và một hôm thầy kêu tôi lại nói” Thôi con ở lại  giữ gìn chùa, thầy định ra Hòn Nghệ  tịnh tu một thời gian ”.

Mùa Hè năm 1971 tôi từ Saigon về thăm chùa, ăm mẹ  lại cũng là dịp thầy về lại Chùa sau 3 năm xa cách, một hôm mẹ tôi đến chùa thầy nói:  “ Cô năm hộ gạo  cho tôi ăn một tháng nha?”. Mẹ tôi nói “ thầy là thầy của con tôi, tuy tôi nghèo nhưng gạo thì không thiếu, tôi sẽ hộ gạo cho thầy thầy yên tâm”.

Đúng vào ngày mùng 2 tháng 5 vào lúc 20 giờ,  thầy đi đến nhà chị Hai Thuận cách chùa khoảng 200 met trả cây cưa mà cách mấy hôm thầy mượn về đóng cái tủ chén cho một người trong xóm vừa xong, khi trở về thầy nói” Thầy cảm thấy nhức đầu quá, chắc trúng gió”.Tôi nhìn thấy  thầy,xuất mồ hôi, tôi  chạy qua kêu anh Năm Đờn kế chùa nhờ cạo gió, tôi đở thầy lên,vén chiếc áo để cho anh cạo gió, Anh cạo tới đâu da thầy chảy xệ tới đó, thế là  chỉ khoảng 10 phút sau, thầy không nói lời nào nhẹ nhàng viên tịch trên tay tôi.

Nhớ đến người Thầy đã đặt chiếc dao cạo tóc để tôi trở thành một người tu mới có ngày hôm nay, ân đức đó tôi không bao giờ quên được .

Giờ đây, kỷ niêm húy kỵ lần thứ 49 ( 19971- 2020) đối trước di ảnh của thầy nhân ngày giỗ năm nay, tôi xin trình bày  để quý thầy, quý chú  những người là đệ tử của tôi và quý Phật tử  đang tu học tại đây biết được gương hạnh của thầy và thành kính tri ân công ơn  đã góp mồ hôi công sức để  một ngôi già lam, có một đạo tràng tu học với tinh thần “ Ăn trái nhớ kẻ trồng cây,uống nước nhớ nguồn” .Vì nếu ngày xưa không có thầy thì cũng  không có tôi, không  có ngôi chùa khang trang như ngày hôm nay mà các vị tổ sư tiền bối đã dạy

“ Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng,

   Nghĩa ân sư muốn kiếp khó đáp đền