Cây nêu ngày Tết

713

Hằng năm cứ mỗi độ xuân về, mọi người đang sửa soạn đón chào năm mới cùng với việc chuẩn bị cổ bàn để cúng gia tiên, tiển đưa ông táo về trời…thì nhà nào cũng trồng một cây nêu trước cổng nhà. Phong tục này đã được người dân Việt duy trì từ bao đời nay. Người ta quan niệm rằng, chính vì từ ngày Táo quân về trời cho đến đêm giao thừa là vắng mặt Táo công, nên ma quỷ nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, do đó phải trồng cây nêu để trừ tà. Cây nêu được trồng ngay trước cửa nhà từ ngày 23 tháng chạp, chậm nhất là chiều 30 Tết cho đến ngày 7 tháng Giêng thì triệt hạ, gọi là ‘hạ nêu’. Phàm những khoản vay mượn thiếu thốn trong tiết ấy không được đòi hỏi, đợi ngày hạ nêu rồi mới được đòi hỏi.

 Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Tập Hạ chép rằng: ‘bữa trừ tịch (tức ngày cuối năm) mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là ‘lên nêu’… có ý nghĩa là để làm tiêu biểu cho năm mới mà tảo trừ những xấu xa trong năm cũ”. Ngày xưa quan niệm về ma quỷ rất phổ biến, nên theo phong tục chiều 30 tết trong làng thường tổ chức một nhóm trẻ mặc áo đỏ đi khắp làng đánh trống khua chiêng để trừ ma quỷ, giúp mọi người ăn tết an lànhMa quỷ thường sợ màu đỏ, tục đốt pháo ngày xưa cũng mang ý nghĩa trừ ma, vì pháo cũng màu đỏ.

Chuyện kể rằng, ngày trước ruộng đất đều thuộc quyền sở hữu của loài quỷ. Loài người phải ăn nhờ ở đậu trên đất đai của quỷ nên hằng năm phải cống nạp thuế cho chúng. Lũ quỷ vô cùng hiểm độc, chúng bày lắm mưu nhiều kế hòng chiếm đoạt công sức lao động của con người. Số thuế phải nộp ngày càng gia tăng thêm, chúng tác oai tác quái để làm khổ cho con người. Chúng đặt ra những điều lệ hết sức vô lý, dùng bạo lực buộc con người phải tuân thủ điều lệ “ăn ngọn cho gốc” (nghĩa là chúng lấy phần ngọn còn phần gốc để lại cho người). Thế là sau vụ lúa năm ấy, mọi người đành chịu đói khổ, ngậm ngùi nhìn lũ quỷ đánh chén no nê.

Thấy cảnh tượng đói khổ của con ngườiđức Phật động mối từ tâm, hiện đến để cứu giúp người dân thoát khỏi sự hà hiếp của lũ quỷ. Ban đầu đức Phật dạy người trồng khoai lang, đến mùa thu hoạch, cứ theo quy định đã đưa ra, lũ quỷ lấy phần ngọn còn phần gốc là của con người. Thế là người dân được một mùa bội thu, còn lũ quỷ ngán ngẫm nhìn đống dây và lá khoai khô héo. Sau đó chúng lại đổi điều lệ thành “ăn gốc cho ngọn”Đức Phật dạy người dân chuyển trồng khoai sang trồng lúa. Cuối mùa, lũ quỷ lại một phen ngậm ngùi cay đắng gậm nhấm góc rạ. Lần này, chúng lại đặt ra điều lệ mới là “ăn cả ngọn lẫn gốc”. Lũ quỷ tưởng rằng như thế là chúng nắm chắc được phần lợi trong tay, nhưng đức Phật đã dạy con người trồng ngô. Vụ mùa đến, người dân thu hoạch ngô đem về nhà, còn lũ quỷ thì lại bị một vố chua cay, tức tối. Cuối cùng lũ quỷ tức giận thu hồi lại cả đất đai, không cho con người thuê đất nữa, chúng thà không có gì chứ không chịu cho loài người ăn một mình. Trước tình hình đó, đức Phật bảo người dân đến điều đình với quỷ cho tậu một miếng đất bằng tấm áo cà sa. Nghĩa là con người sẽ trồng một cây tre, trên ngọn tre chỉ treo một tấm áo cà sa, bóng của cà sa phủ được bao nhiêu diện tích ở mặt đất thì số đất đó là đất của con người sử dụngBan đầu quỷ không chấp thuận, nhưng sau chúng nó suy tính thấy bóng của một chiếc áo cà sa chẳng bao nhiêu bèn nhận lời. Khi người dân trồng xong cây tre, đức Phật đứng trên ngọn tre tung chiếc áo cà sa ra, cây tre càng lúc càng cao, áo cà sa càng lúc càng rộng, bóng của áo cà sa phủ đến đâu lũ quỷ phải rút lui đến đấy. Cuối cùng chiếc áo che phủ cả đất đai lũ quỷ không còn đất để ở, phải rút ra biển.

Bị mất hết đất đai, quỷ vừa tiếc vừa hầm hực tức giận, chúng chiêu tập binh mã vào cướp lại. Nhờ có sự giúp đở của đức Phật nên người dân đã đánh bại tất cả những đợt tấn công của lũ quỷ. Nhận thấy không thể nào đánh thắng loài người, lũ quỷ đành quỳ xuống van xin đức Phật rũ lòng thương tưởng, mỗi năm vào những ngày Tết cho chúng trở lại đất liền để viếng thăm mồ mã tổ tiên của chúng. Phật thương tình hứa khả, nhưng để lũ quỹ không vào quấy nhiễu người dân, đức Phật dạy người dân trồng cây nêu vào dịp Tết để xua đuổi chúng.

Thich Trung Định